Lò mứt gừng 6 đời đỏ lửa

24/01/2020 09:10 GMT+7

Gia đình bà Bùi Thị Thảo (80 tuổi) ở đường Tăng Bạt Hổ, TP.Huế là một trong những gia đình có truyền thống lâu đời gắn bó với nghề làm mứt gừng thủ công.

Quanh năm đỏ lửa sên mứt, nhưng những ngày gần Tết, căn bếp của gia đình bà Bùi Thị Thảo (80 tuổi, TP. Huế) tất bật hơn hẳn. Vừa trộn mẻ mứt gừng mới trút ra, bà Thảo vừa nói: "Nghề này làm từ thời ông cố, rồi để lại cho cha, cha để lại cho mệ, mệ để lại cho các con của mệ. Hồi xưa chỉ làm cúng dường cho các chùa, sau này mới bán ra đấy." 
Mứt gừng Huế lát mỏng, nhỏ, màu vàng sánh, hương vị thơm và cay nồng 
Ảnh: Thanh Tâm
 
Mứt gừng Huế vốn nổi tiếng với vị thơm, cay nồng, những lát gừng mỏng, nhỏ, màu vàng sánh. Để làm mứt không khó, nhưng làm được mứt gừng ngon và 'đúng vị' của người Huế cần có nhiều kinh nghiệm. Nguyên liệu phải là củ gừng tuần xuất phát từ ngã ba Tuần, TP. Huế, loại gừng nổi tiếng với rất thơm và cay. 
Chỉ vào những bao gừng vừa mới bới sáng sớm nay, Lan Thanh (25 tuổi) cháu gái của bà Thảo cho biết: "Gừng tuần xuất phát từ xã Thủy Bằng, TP. Huế. Chỗ này là nơi đất đồi và sỏi nên rất thuận lợi cho việc trồng gừng. Đặc biệt nữa là khí hậu ở Huế lạnh và mưa nhiều, mà lạnh và mưa thì gừng càng ngon."
Chị Thu Hà (53 tuổi) đang bào gừng bằng tay. 
Ảnh: Thanh Tâm 
Để chế biến mứt gừng, phải trải qua nhiều công đoạn như cạo vỏ, bào tay, ngâm, luộc, rim, sấy... nhưng công đoạn nào cũng cần sự tỉ mẩn, công phu. Củ gừng tuần chắc, nhỏ và nhiều nhánh. Để nạo mà vẫn giữ nguyên hình dạng của củ gừng, người thợ phải dùng những chiếc muỗng rất nhỏ để nạo. Một người thợ siêng mỗi ngày chỉ nạo được chừng 10-20kg gừng là nhiều. 
 
Rim gừng trên bếp củi, than hầm giúp giữ được nhiệt độ trong chảo gang.
Ảnh: Thanh Tâm
"Khó nhất là công đoạn bào. Bào làm sao cho lát gừng thật nhỏ ăn mới ngon. Vì gừng Huế vốn đã cay, nếu xắt lát to nữa thì làm sao mà ăn nổi.", chị Thu Hà (53 tuổi), con gái bà Thảo, cho biết. 
Gừng sau khi bào được luộc sơ rồi cho vào chảo rim. Than hầm và bếp củi rim gừng vẫn là ngon nhất vì giữ được nhiệt độ trong chảo gang. Chừng 1 tiếng là gừng rim tới, được trút ra và trộn đều cho khô đường. 
"Mỗi ngày dì làm hơn 1 tạ. Công việc này cũng nặng chứ không đơn giản. Làm và giữ sức để còn làm dài ngày", chị Hà nói. 
Mứt gừng sau khi rim tới được đổ ra trộn cho khô đường 
Ảnh: Thanh Tâm
Không chỉ là món ăn trong dịp Tết, mứt gừng có mặt quanh năm trong cuộc sống của người Huế. Từ những ngày ngậm gừng, lội lụt, đến những ngày thời tiết lạnh phải có vài lát gừng cho ấm bụng. Bàn trà, đãi khách, chuyện trò cũng không thể thiếu lát mứt gừng. Bà Thảo nói: "Ngày nào mệ cũng phải ăn, sáng có vài miếng, trưa ăn cơm cũng phải có vài lát. Ăn chặp mà hắn nghiện luôn rồi."
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.