Mẹ mưu sinh ở Sài Gòn 4 năm không được về ăn Tết, con vẫn đỗ 3 trường đại học

Lê Nam
Lê Nam
20/01/2020 18:06 GMT+7

Đồng lương công nhân ít ỏi khiến ước mơ được gặp lại con của chị Bích Hạnh dập tắt suốt gần nửa thập kỉ mưu sinh ở Sài Gòn. Tuy nhiên, đứa con gái cả trong gia đình có 6 anh chị vẫn là tấm gương sáng mẫu mực khi 12 năm liền là học sinh giỏi, đỗ 3 trường đại học nhưng phải học cao đẳng do nhà không có tiền.

Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, 42 tuổi, quê ở Quảng Ngãi theo chồng vào Sài Gòn lập nghiệp được 4 năm. Hai vợ chồng có đến 6 người con.
Khi quyết định bỏ xứ vào miền Nam, chị gửi 3 đứa con lại cho ông bà ngoại nuôi, 2 đứa phải gửi ở chùa, còn cậu con trai út lúc đó mới chỉ học mẫu giáo theo ba mẹ mưu sinh.
Hiện nay, chị làm công nhân cho một công ty may ở P. Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM, chỗ làm cách nhà cả chục cây số, làm quần quật cả ngày nhưng đồng lương ít ỏi, chỉ hơn 5 triệu. Căn nhà đang ở cũng là ở nhà trọ của một người bạn cùng công ty.
Cơm chan mắm, nuốt nước mắt ăn Tết vì nhớ con
Về phần chồng chị, trước đây anh làm thợ hồ, lúc rảnh rỗi thì làm các việc vặt vãnh, ai kêu gì làm đấy, kiếm thêm thu nhập cho hai mẹ con. Tuy nhiên, cách đây một năm, anh đổ bệnh nặng, cả gia đình không có tiền để chạy chữa, thuốc men, ai mách gì uống nấy... Đến khi bệnh nặng quá, anh ho ra máu, chị nhận lương mới liền đưa chồng vào viện thì mới phát hiện ra anh bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Nằm viện chưa được nửa tháng thì mất.
Chị suy sụp, ôm đứa con khóc hết nước mắt. Vì hoàn cảnh gia đình, hai vợ chồng mới phải để lại cha mẹ già yếu, con thơ vào Sài Gòn, ấy vậy mà chưa gây dựng được gì anh đã vội vã ra đi, để lại một mình chị bơ vơ giữa miền đất hoa lệ với đứa con còn quá non nớt.

Chị Bích Hạnh làm công nhân cho một công ty may ở P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM

Lê Nam

Chị gượng dậy, lau nước mắt và tiếp tục lao vào cuộc sống cơm áo gạo tiền để lo cho bản thân, con nhỏ.
4 năm trôi qua, nỗi nhớ nhà, nhớ con lại thêm da diết. Chị nói có bữa đi làm về, tiền hết, đồ ăn đã cạn, chỉ còn cơm nguội chan nước mắm, những lúc ấy, cứ vào cơm rồi nuốt cho qua cơn đói cồn cào để có sức sau một ngày làm việc mệt mỏi. Những ngày cận Tết, thấy bạn bè đồng nghiệp khăn gói, sắm sửa về quê, chị lại lủi thủi ở xóm trọ, bất lực không thể mua 1 tấm vé trở về...

"Nhớ ngày ấy lãnh tiền chỉ được 3 triệu, 3,3 triệu, với tiền ứng là 4,3 triệu. Hai vợ chồng về 2 vé, thằng cu không tốn vé. 2 vé hết mất 2,2 triệu, tiền ăn tiền uống nữa, tiết kiệm chi cũng mất 200.000 đồng nữa là 2,3 triệu. Mình về cũng được rồi đó, mình còn 1 triệu mấy chi tiêu, chi tiêu rồi lấy tiền đâu đi vô? Chi ra vé đắt thì khi vô cũng đắt y như thường. Không lẽ ngửa tay xin tiền ba mẹ. Mình đi cả năm không biếu ông bà thì thôi mình còn xin ông bà nữa thôi mình không có về, không phải không đủ tiền mua vé về vì không về được, vì về là không có tiền vô", chị Hạnh nói.

Căn nhà đang ở cũng là ở nhà trọ của một người bạn cùng công ty

Lê Nam

Năm nào cũng thế, chị ngóng con một thì đàn con ở nhà cũng ngóng chị mười. Chị kể với đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ: "Gần Tết là mấy đứa điện miết, hỏi mẹ có về không... Tôi kêu: mẹ cũng không biết nữa. Hồi sau điện thoại loại nói với tụi nhỏ là mẹ không về được vì không có tiền. Hai năm lại đây thì kêu ba đau không về được".

Xa mẹ cả nửa thập kỉ, con vẫn đỗ 3 trường đại học
Em Nguyễn Thục Đoan, sinh năm 2000, là chị cả trong nhà. Nói về đứa con gái lớn, chị Bích Hạnh rất tự hào kể em liên tục nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, em còn giỏi ngoại ngữ. Dịp thi đại học, em đỗ đến 3 trường, tuy nhiên, vì sợ ông bà, sợ mẹ không có tiền nên quyết định học cao đẳng".

Thục Đoan, 20 tuổi, con gái cả của chị Hạnh là tấm gương sáng trong học tập

NVCC

"Buồn cái là thi đậu đại học nhưng phải học cao đẳng. Nó muốn học cho nhanh để ra đi làm giúp cho mẹ vậy thôi", chị nghẹn ngào tâm sự.
Mặc dù xa mẹ, xa cha, gia đình khó khăn nhưng thành tích học tập của Thục Đoan khiến ông bà, thầy cô nể phục. Chị Bích Hạnh xa con nhưng mỗi tối đi làm về vẫn gọi điện qua mạng để hỏi thăm, tâm sự với con. Chị Bích Hạnh nói: "Tự em nó mày mò học trên mạng, chứ nhà có tiền đâu mà đi học thêm".

Em nhiều năm liền là học sinh giỏi, đỗ 3 trường đại học nhưng phải học cao đẳng vì gia đình không đủ điều kiện

NVCC

Thục Đoan cũng ý thức được hoàn cảnh của bản thân, trong mọi công việc học tập, em đều cố gắng hoàn thành xuất sắc. Nếu có dịp được đi đây đi đó với trường lớp, em đều tranh thủ chụp hình lại, gửi cho mẹ xem để mẹ yên tâm. Có lẽ với người phụ nữ nghèo khó như chị Hạnh, Thục Đoan là ánh sáng hy vọng lớn nhất với gia đình, với đàn em phía sau để chị vững tin hơn trong cuộc sống.

Chị Loan có đến 6 người con

NVCC

Tuy nhiên, nhà có đến 6 người con, không phải ai cũng học cao được như chị cả.
"Thằng em kế học đến lớp 9 thì nghỉ. Tôi cũng buồn lắm, hỏi nó sao không lấy chị làm gương mà học tập. Nó bảo nhà nghèo, mỗi lần đến học kì phải đóng tiền, mình không có nên ngại lắm. Có cho nó cũng không học được như chị. Thế là nó nghỉ", chị kể tiếp: "Tối nó đi phụ làm karaoke để kiếm tiền. Còn ban ngày ở nhà, ai kêu gì làm nấy, nói chung miễn có tiền lo cho chị nó đi học là được."
Cố gắng vì những điều tốt đẹp
Chưa năm nào chị dám mơ được về quê ăn Tết, cho đến năm nay... Chị được chọn là một trong 200 hoàn cảnh khó khăn, công nhân, học sinh vượt khó có tấm vé về quê miễn phí trong chương trình Chuyến xe 0 đồng. Gần nửa thập kỉ mưu sinh ở Sài Gòn, chị sắp được gặp lại cha mẹ, con cái.

Háo hức, mong chờ, thậm chí mất ngủ cả tháng nay vì nôn nao, chị hạnh phúc thông báo cho gia đình: "Mình cũng có nói với ba mẹ là năm nay về. Tối 24 lên xe, ngày 25 là con tới. Ở nhà ai cũng vui hết, cũng chờ tới ngày đó".

Niềm vui của người phụ nữ gần nửa thập kỉ xa con

Lê Nam

Tối 18.1.2020 (24 âm lịch), tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc Gia TP.HCM, chị cùng với mọi người khởi hành. Trên tay chỉ là giỏ đồ quần áo nhỏ.

"Năm nay mình làm ở công ty mới không trọn vẹn một năm, năm ngoái mình làm công ty cũ rồi ra Tết mình xin qua công ty này, chỉ lãnh được 9 tháng tiền thưởng, tổng được hai triệu mấy. Mình nghĩ tiền đó mình về cho mỗi đứa trăm, hai trăm cho nó vui thôi, chứ tiền đâu mua quà về."
Cậu con trai út chạy loăng quăng trong lúc chờ xe khởi hành, chị kể: "Tối qua ngủ mà nó cứ mẹ ơi, con mong trời thật nhanh sáng đi để đi về với chị, với anh. Hồi sáng giờ hai mẹ con chưa ăn gì hết, cứ nôn nao nôn nao để đi về thôi, chỉ mong tới giờ về thôi chứ không muốn cái gì hết", chị Hạnh nói với PV Thanh Niên.
Đến sáng sớm 20.1.2020 (26 âm lịch), khi còn đang ngái ngủ, điện thoại đổ chuông, phóng viên nhận được điện thoại từ Facebook của chị: "Em ơi, chị về đến nơi rồi nhé. Đi hơn 24 tiếng mới đến nơi, mệt nhưng mừng quá".

Năm mới, mọi người đều nên có những hy vọng. "Sang năm mình phấn đấu có tiền để mua một bàn máy may về ở nhà may thêm, mình đi làm tối về mình may thêm, mình có cuộc sống vươn lên như vậy đó", chị Bích Hạnh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.