Miễn dịch cộng đồng là gì và vắc xin quan trọng ra sao trong đại dịch Covid-19?

21/06/2021 10:12 GMT+7

Khi một dịch bệnh hay nghiêm trọng hơn là đại dịch xảy ra, “miễn dịch cộng đồng” là một cụm từ được nhắc đến rất nhiều. Nhiều quốc gia xem miễn dịch cộng đồng là mục tiêu ưu tiên để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh và sớm mở cửa đất nước, tái thiết nền kinh tế. Vậy, miễn dịch cộng đồng là gì và làm sao để đạt miễn dịch cộng đồng?

Khái niệm miễn dịch cộng đồng

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), miễn dịch cộng đồng là thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái một cộng đồng có một tỉ lệ nhất định người dân đạt miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm.
Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), khi có một tỉ lệ dân số nhất định miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm thì sẽ cung cấp sự bảo vệ gián tiếp cho cả những người không miễn dịch với bệnh. Ngay cả những đối tượng không hoặc chưa được tiêm phòng như trẻ sơ sinh và người mắc bệnh mạn tính hay dị ứng với vắc xin cũng sẽ được bảo vệ khi đạt miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng làm giảm nguy cơ người chưa có miễn dịch tiếp xúc với mầm bệnh, từ đó dịch bệnh sẽ giảm khả năng lây lan.
 

Tiêm vắc xin Covid-19 ở London (Anh)

Reuters

Tỉ lệ đạt miễn dịch cộng đồng không cần đến 100% dân số. Tùy vào từng loại dịch bệnh mà tỉ lệ được coi là đạt miễn dịch cộng đồng sẽ khác nhau.
Ví dụ, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam), đối với bệnh sởi - loại bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được trên 95% tỉ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng.
Trong khi đó, với đại dịch Covid-19, tỉ lệ 70% đến 80% được cho là đủ để đạt miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh các biến chủng mới đã xuất hiện.

Việt Nam đang tìm nguồn cung vắc xin Covid-19 từ nước ngoài và thử nghiệm vắc xin trong nước

Độc Lập

Tại Việt Nam, Chính phủ và Bộ Y tế cũng hướng tới mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19 cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Tuy nhiên, theo Đại học Johns Hopkins, tỉ lệ phần trăm này không phải là "ngưỡng ma thuật" - đặc biệt trong bối cảnh có thêm biến thể mới xuất hiện. Cả sự phát triển, biến đổi của vi rút và những thay đổi trong cách con người tương tác với nhau trong cộng đồng đều có thể làm tăng hoặc giảm con số này.

Miễn dịch cộng đồng bằng cách nào?

Có hai phương pháp để đạt miễn dịch cộng đồng đối với một loại dịch bệnh: một là đủ tỉ lệ dân số miễn dịch tự nhiên sau khi khỏi bệnh và hai là đủ tỉ lệ dân số được tiêm vắc xin.
Với đại dịch Covid-19, phương pháp thứ nhất được đánh giá là quá nguy hiểm và phải đánh đổi bằng rất nhiều mạng người.
Theo thống kê từ Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 19.6, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 177 triệu ca mắc Covid-19 với gần 3,85 triệu trường hợp tử vong. Tỉ lệ tử vong trên toàn thế giới với căn bệnh này là hơn 2,1%. Nếu đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng bằng việc nhiễm bệnh và tự sinh kháng thể sau khi khỏi bệnh, số trường hợp tử vong sẽ rất lớn; đặc biệt trong bối cảnh số ca nhập viện tăng lên, hệ thống y tế quá tải, tỉ lệ tử vong sẽ cao hơn cả mức 2,1%.

Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Nga

Reuters

Phương pháp đạt miễn dịch cộng đồng thứ hai – tức tiêm vắc xin diện rộng - được đánh giá là an toàn và khả quan hơn rất nhiều so với phương pháp thứ nhất.
Đại dịch Covid-19 xuất hiện cuối năm 2019 và đến tháng 8.2020, loại vắc xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới đã được phê duyệt - Sputnik V của Nga. Từ đó đến nay, thêm nhiều loại vắc xin khác đã được phê duyệt và lưu hành sử dụng.
Cũng theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 19.6, đã có hơn 2,5 tỉ liều vắc xin Covid-19 được cung cấp trên toàn thế giới, trong đó, số người được tiêm đủ liều là gần 750 triệu người.
Kể từ khi vắc xin Covid-19 được tiêm chủng rộng rãi, tỉ lệ lây nhiễm và số trường hợp phải nhập viện ở nhiều quốc gia từng là tâm dịch Covid-19 trên thế giới đã giảm đi rõ rệt. Ví dụ điển hình là nước Mỹ, nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trên thế giới với tổng cộng hơn 33,5 triệu ca nhiễm; hơn 601.000 người chết tính đến ngày 19.6.2021.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), số ca nhiễm trung bình mỗi ngày trong giai đoạn giữa tháng 6.2021 của Mỹ ở mức 13.997 ca. Trong khi đó, trước khi vắc xin Covid-19 được tiến hành tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc, mức đỉnh số ca Covid-19 trong một ngày tại Mỹ là 251.834 ca (ghi nhận ngày 10.1.2021). Số ca nhiễm mới đã giảm đến hơn 94% vào thời điểm hiện tại sau khi hơn 300 triệu liều vắc xin đã được tiêm tại Mỹ.

Tổng thống Biden nhắc đến biến chủng Delta để thúc giục người dân Mỹ tiêm vắc xin Covid-19

Israel là một trong những quốc gia đạt tỉ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới với hơn 60% dân số đã được tiêm đủ liều. Nhiều lệnh hạn chế ở Israel đã được gỡ bỏ. Hoạt động kinh tế, giao thông và sinh hoạt ở Israel gần như đã trở lại như thời kỳ trước dịch bệnh sau chiến dịch tiêm chủng thần tốc.
Theo thống kê từ chuyên trang Our World in Data, 21% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 nhưng chỉ có 0,8% dân số ở các nước kém phát triển được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin. Tỉ lệ tiêm chủng không đồng đều có thể làm chậm quá trình đạt miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi đại dịch và tái mở cửa trên toàn thế giới

Vai trò của vắc xin

Vắc xin Covid-19 không chỉ làm giảm tỉ lệ nhiễm bệnh và còn làm giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng ở những người đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh.
Hiện nay không có một loại vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100%, nghĩa là sau tiêm chủng, vẫn còn một tỉ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm chủng có thể bị mắc bệnh.
Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong.

Tiêm vắc xin Covid-19 còn giảm nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc bệnh

Độc Lập

Hiện Việt Nam đang đặt mục tiêu có đủ 150 triệu liều vắc xin Covid-19 để tiêm đủ 2 mũi cho 70% dân số Việt Nam vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Bộ Y tế Việt Nam đến nay đã phê duyệt có điều kiện trong trường hợp chống dịch cấp bách cho 4 loại vắc xin Covid-19 gồm: vắc xin AstraZeneca của châu u, vắc xin Sputnik V của Nga, vắc xin Sinopharm của Trung Quốc và vắc xin Pfizer/BioNTech của Mỹ.

Khám phá qui trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin Nano Covax

Ngoài ra, các vắc xin trong nước nghiên cứu và phát triển cũng đang được đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm. Trong đó, vắc xin NANO COVAX do hãng Nanogen nghiên cứu đang được thử nghiệm giai đoạn 3. Kết quả thử nghiệm hai giai đoạn trước cho kết quả 100% tình nguyện viên tiêm NANO COVAX đều sinh kháng thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.