Ông lão U.80 bán tạp hóa viết cải lương bằng tiếng Anh

29/12/2020 05:41 GMT+7

Ông Lê Văn Lê đã dành hơn 60 năm cuộc đời để sáng tác và biên soạn bài ca cải lương. Những tác phẩm của ông Ba Lê không chỉ độc đáo bởi những đề tài thiết thực, mang tính xây dựng xã hội mà còn gây ấn tượng khi được viết bằng tiếng Anh.

Sinh ra và lớn lên trong thời hoàng kim của dòng nhạc cải lương, nghe hàng xóm láng giềng, bộ đội dùng lời ca tiếng hát động viên nhau. Từ đó ông Ba Lê nảy sinh niềm đam mê đặc biệt với bộ môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1975, khi chiến tranh qua đi, ông mới có điều kiện theo học thanh nhạc tại trường sân khấu và tự tìm đến nhà NSND Viễn Châu để theo học sáng tác. Nói về người thầy của mình, ông Ba Lê tâm sự: “Thời đó thấy ổng nổi tiếng là vui, viết vọng cổ nhiều nghệ sĩ mê, khen ổng viết mượt mà, ca êm nên tôi mới tìm đến nhà để theo học sáng tác bài ca cải lương. Tôi đến thì ổng nhận tôi luôn, xem tôi như một đứa em trong gia đình”.
Luôn giữ trong mình quan điểm: “Cải lương dung nạp tất cả tinh hoa văn hóa/ Tạo ra nguồn an vui hạnh phúc cho đời” nên các sáng tác của ông đều gắn liền với những chủ đề xoay quanh cuộc sống gia đình và mang tính xây dựng xã hội như: Ma túy hiểm họa khôn lường, Số đề có đáng mê, Tình phụ tử,... Đặc biệt, ngoài việc viết cải lương bằng tiếng Việt, ông Ba Lê còn là một trong những người tiên phong viết cải lương bằng tiếng Anh.

Đam mê cải lương từ khi còn là cậu bé 12 tuổi, đến nay, ông Lê Văn Lê có hơn 60 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật cải lương.

Ngô Yến

Ngoài những bài cải lương viết bằng tiếng Việt, ông Ba Lê còn gây ấn tượng với những sáng tác bằng tiếng Anh.

Quyền Trân

Ông cho biết những bài ca cải lương bằng tiếng Anh đầu tiên của mình được sáng tác vào những năm 1990, với hi vọng giới thiệu cho người ngoại quốc biết về văn hóa của người Việt Nam qua âm nhạc truyền thống của người Việt Nam, cho họ biết về ý tưởng, những triết lý mà người Việt Nam mong muốn thể hiện qua từng lời ca, câu hát. Vì không thể tiếp cận công nghệ hiện đại nên để có được một bài ca cải lương bằng tiếng Anh, ông Ba Lê phải viết trước một bài ca bằng tiếng Việt, sau đó dùng từ điển và phiên dịch lại.
Ông Ba Lê ngưng sáng tác, biên soạn bài ca cải lương cách đây một năm. Tuy nhiên, dường như vẫn còn “nặng nợ” với loại hình nghệ thuật này nên dù không còn tiếp tục cầm bút sáng tác, ông vẫn hy vọng tìm được một người biết làm thơ, viết văn để truyền nghề. Ông tâm sự: “Tôi để cái bảng đó với mong muốn tìm được một người nối bước mình, có một người đệ tử để truyền nghề chứ không phải để kiếm tiền hay sinh sống gì hết. Cải lương thứ nhất là đam mê, thứ hai là phổ biến, thứ ba là có ý đóng góp cho cải lương phồn vinh, vực dậy, được nhiều khán giả đến rạp”.

Tấm bảng tử tế được ông Ba Lê đặt trước tiệm tạp hóa của mình hơn 1 năm nay, với hy vọng tìm được một đệ tử để ông truyền lại nghề sáng tác, biên soạn bài ca cải lương.

Quyền Trân

 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.