Tự động phát
Kenda hẹn tôi ở văn phòng Starbucks tại Q.1, TP.HCM, nơi có tiệm cà phê hơn 50 tuổi được đặt ở vị trí gần như đẹp nhất thành phố. Cô bạn bắt đầu buổi trò chuyện bằng việc pha cho tôi loại cà phê hạt rang đặc trưng và giới thiệu rằng, đây là loại cà phê làm nên tên tuổi của hãng và bạn đến “chơi nhà” như tôi thì đều được mời loại cà phê này.
Tôi ấn tượng với Kenda ngay ở buổi kỉ niệm sinh nhật 50 tuổi mà hãng này tổ chức vào hồi giữa tháng 3 vừa qua. Cô bạn nhỏ nhắn với mái tóc cá tính say sưa nói về cà phê khiến một người không hứng thú lắm với cà phê như tôi cũng phải chú ý. Đặc biệt, cú Slurp (húp - tạo ra âm thanh) ấn tượng mà Kenda thị phạm để hướng dẫn mọi người cách thưởng thức một ly cà phê nóng đúng điệu, đầy mới lạ vô cùng ấn tượng. Ngay trước mặt mình, tôi mong muốn Kenda thực hiện lại một lần nữa cú slurp điệu nghệ đó một cách đầy thích thú.
|
“Khi thưởng thức cà phê, điều quan trọng là phải húp. Bằng cách này, cà phê sẽ lan tỏa toàn bộ vòm miệng của mình, từ đó cho phép hương vị và hương thơm tinh tế đến được tất cả các vùng nếm chứ không chỉ ở đầu lưỡi”, cô bạn miêu tả.
Một ngươi say mê cà phê như vậy chắc chắn sẽ có câu chuyện hấp dẫn ở phía sau. Và dự đoán ấy không sai khi tôi được biết rằng, Kenda là 1 trong 4 người được gọi là “đại sứ cà phê” khu vực Châu Á Thái Bình Dương của hãng café vừa tròn 50 tuổi.
Đến với cà phê vì… tò mò
Cơ duyên đến với công việc pha chế cà phê đầy thú vị. Cuối cấp 3, cô bạn nhớ mãi có trào lưu làm cà phê late art từ một bộ phim đình đám trong giới trẻ. Kenda say mê thần thái và động tác của người pha chế để tạo ra những ly cà phê đẹp mắt ấy. Trong một lần đi siêu thị, cô bạn bắt gặp nhiều hộp cà phê pha sẵn có in những hình vẽ Latte lạ lẫm. “Lúc ấy Kenda hồn nhiên nghĩ mua về khuấy là sẽ ra hình, thế là có bao nhiêu cái hình Latte trên bao bì Kenda mua đủ hết luôn. mua về khuấy cỡ nào cũng không ra. đợt đó bị mẹ bắt uống hết cái đống cà phê mua về. Từ sự cay cú nhẹ đó mà quyết định xin vào quán cà phê để học cách làm Latte”.
|
Năm nhất đại học, Kenda bước một chân vào ngành cà phê khi trở thành nhân viên bán thời gian của một tiệm cà phê nhỏ tại TP.HCM. Sau đó, khi Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, cô bạn đã nhanh chóng xin làm nhân viên pha chế kiêm phục vụ, tuy nhiên vẫn chưa phải vị trí chính thức. Một năm sau, hãng cà phê này mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, cũng là quê gốc của Kenda, cô bạn xin ra và gắn bó tại đó suốt từ 2015 đến tháng 8.2020 mới trở về. “Ban đầu là pha chế chính, sau đó quản lý ca và có cơ hội tham dự cuộc thi pha chế cà phê trong nước để chọn đại diện gương mặt pha chế của Châu Á Thái Bình Dương”, Kenda thuật lại.
|
Ở thời điệm hiện tại, ngoài công việc đào tạo huấn luyện cho nhân viên nội bộ, Kenda còn đóng vai trò là một “Đại sứ cà phê” của khu vực, bao gồm 17 nước. Kenda là 1 trong 4 gương mặt được lựa chọn trở thành “Đại sứ cà phê” của Starbucks.
“Mình mới xong đợt tập huấn vị trí này hồi 2019, đến 2020 bắt đầu chạy. Bất kì bạn nào mong muốn có vị trí đó cũng có thể ứng cử qua bên phía khu vực Châu Á Thái Bình Dương, qua nhiều vòng phỏng vấn và thể hiện khả năng tương tác, kết nối người nghe về cà phê… là những yêu cầu cơ bản”, Kenda chia sẻ.
|
"Sẽ không có một bài thi nào cụ thể để hãng chọn ra vị trí này. Kiến thức chỉ giúp các bạn tự tin khi nói và trình bày chứ không phải để vượt qua một bài thi. Kenda phải cho thấy bạn có khả năng kết nối người khác, thuyết phục được người khác là tiêu chí cao tầng nhất. Ngoài ra, vị trí này cũng yêu cầu nói tiếng anh lưu loát và đạt được các giải thưởng pha chế do hãng tổ chức", vị đại diện truyền thông của hãng cà phê cho biết.
Khi được biết mình là một trong 4 gương mặt đại sứ cà phê, 9X Việt đã bật khóc. “3 bạn còn lại đều đến từ những thị trường đã trưởng thành, trong khi Việt Nam mới chỉ phát triển 6 – 7 năm. Đây là sự tự hào riêng với cá nhân mình”. Người đại diện truyền thông của Starbucks cũng cho biết ngay cả ban giám đốc Starbucks Việt Nam cũng rất vui mừng với sự góp mặt của Kenda trong top 4 này.
Được kể câu chuyện cà phê Việt với bạn bè thế giới
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Kenda thường có từ 2-3 chuyến công tác một năm tại các nước trong khu vực để vừa đào tạo, chia sẻ và tham gia làm giám khảo các cuộc thi pha chế cà phê. Mỗi lần đến bất kì nước nào, Kenda đều mang câu chuyện cà phê của Việt Nam để kể cho bạn bè thế giới nghe. Cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì được làm điều đó.
“Từ khi đc làm vị trí này, việc đầu tiên mình hay đi kể chuyện là người nông dân của mình đi trồng cà phê ra sao, nước mình thưởng thức cà phê thế nào. Đó là một trải nghiệm hoàn toàn mới không chỉ cho nhân viên Starbucks các nước khác mà còn khách hàng quốc tế cũng rất hào hứng”, Kenda nói với PV Thanh Niên.
|
Tại hãng cà phê 50 tuổi, cà phê được trồng tại Việt Nam chỉ được sử dụng và tiêu thụ với một số lượng nhỏ, do sản lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của hãng. Tuy nhiên, với riêng Kenda, thông qua các câu chuyện của mình, cô luôn muốn bạn bè quốc tế biết được nhiều thêm về cà phê Việt Nam và những đặc trưng không pha trộn của cà phê Việt với các loại cà phê khác trên thế giới. Cà phê Việt một ngày không xa sẽ khẳng định tên tuổi trên bản đồ thế giới cũng là mong ước của vị đại sứ cà phê 9X này.
|
Trước đó, cô bạn là sinh viên khoa văn học ngôn ngữ của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. “Bố mẹ đã phản đối mình ngay từ khi thi báo chí vì sợ con gái phải đi lại nhiều. Tuy nhiên, khi đã thuyết phục được học ngành báo rồi thì mọi quyết định sau này của mình đều được bố mẹ tôn trọng và ủng hộ”.
Trong thế giới cà phê mà Kenda biết, có một vị đại sứ cà phê đã gắn bó cả cuộc đời với Starbucks tên là ông Major Cohen, năm nay đã ngoài 60 tuổi. Ông được mệnh danh là huyền thoại đại sứ cà phê của hãng khi đi nhiều nước trên thế giới để kể các câu chuyện cà phê của riêng mình. Hâm mộ và ao ước được trở thành một người như ông Major Cohen là điều mà 9X Việt hướng tới.
Bình luận (0)