Chính quyền quân sự Myanmar đơn phương ngừng bắn

01/04/2021 11:00 GMT+7

AP ngày 1.4 đưa tin chính quyền quân sự Myanmar đơn phương công bố lệnh ngừng bắn trong một tháng, nhưng loại trừ đối với các hành động cản trở hoạt động an ninh và hành chính của chính quyền.

Thông báo được đưa ra sau các vụ đụng độ với ít nhất 2 tổ chức vũ trang của các dân tộc thiểu số Myanmar tại các khu vực gần biên giới.
Hơn 10 tổ chức tương tự đã đòi quyền tự trị nhiều hơn tại Myanmar trong nhiều thập niên qua, trong một số trường hợp bằng vũ trang. Trong thời bình thì quan hệ hai bên cũng thường căng thẳng.
Phong trào phản đối chính biến ngày 1.2 tại Myanmar đang tìm kiếm liên minh với các nhóm vũ trang thiểu số nhằm gây áp lực đối với chính quyền quân sự và thành lập “quân đội liên bang" để đối phó với lực lượng vũ trang của chính quyền.
Hiện chưa có phản ứng nào được đưa ra từ các nhóm vũ trang trên, sau khi chính quyền quân sự công bố ngừng bắn.
Một số nhóm nổi bật tại các bang Kachin, Karen và Rakhines trước đó đã lên án chính biến và tuyên bố sẽ bảo vệ người biểu tình tại khu vực do họ kiểm soát.
Tổ chức Quân đội độc lập Kachin đã tấn công một đồn cảnh sát tại thị trấn Shwegu ở bang Kachin vào rạng sáng 31.3. Những kẻ tấn công đã lấy đi vũ khí và làm một sĩ quan cảnh sát bị thương.
Tổ chức này đã tiến hành nhiều vụ tấn công vào các lực lượng của chính quyền quân sự tại Kachin sau chính biến, đồng thời cho hay vụ tấn công mới nhất nhằm đáp trả việc chính quyền tấn công 4 tiền đồn của họ.
Sau một vụ bị tấn công tại Kachin vào giữa tháng 3, quân đội đã đáp trả với vụ tấn công bằng trực thăng tại bang này.
Tại bang Karen, lực lượng du kích cũng đã chiếm một tiền đồn của quân đội vào ngày 27.3. Theo một nguồn tin, quân đội đáp trả bằng không kích vào ngày 31.3 khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hàng ngàn người bỏ chạy sang Thái Lan.
Tổ chức Liên minh quốc gia Karen sau đó ra thông cáo cho rằng quân đội Myanmar đang cho bộ binh “tiến vào khu vực của chúng ta từ mọi hướng”, và tuyên bố có thể đáp trả.
Xung đột ở phía đông Myanmar khiến khoảng 3.000 người tại Karen chạy sang Thái Lan để tạm trú ẩn. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho hay họ đã nhanh chóng tự nguyện về nước và không bị Thái Lan ép buộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.