Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2020: Khi khủng hoảng khí hậu lên tiếng

22/01/2020 12:09 GMT+7

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế thường niên ở Davos , mọi tập trung dồn vào nhà hoạt động trẻ tuổi Greta Thunberg khi thiếu nữ này tuyên bố sẵn sàng thách thức các nhân vật tinh hoa trong giới tài chính toàn cầu tham gia chống biến đổi khí hậu.

"United Behind Science" (Đoàn kết đằng sau khoa học) là khẩu hiệu của các nhóm hoạt động bảo vệ môi trường và học giả về khí hậu trước thềm Diễn đàn Kinh tế thường niên ở Davos (Thụy Sĩ).
Đây là sự kiện quy tụ nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu cùng giới tinh hoa tài chính, đã chính thức khai mạc hôm 21.1.
Biến đổi khí hậu dự kiến là đề tài thảo luận ưu tiên năm nay. Ngay cả sự xuất hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không thể làm lu mờ vấn đề này, một phần nhờ có sự hiện diện của "ngôi sao" môi trường Greta Thunberg.
Theo hãng tin Reuters, nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi này dự kiến sẽ có bài phát biểu, nhưng nhóm của cô cho biết cô không khỏe lắm. Tuy nhiên, Thunberg vẫn có thể sẽ cung cấp ý kiến bình luận cho ngày khai mạc thượng đỉnh, và khi đó nhân vật 17 tuổi này một lần nữa sẽ khiến các nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới lắng nghe.
Thunberg là người phát động chiến dịch FridaysforFuture (Thứ sáu đấu tranh cho tương lai) vào năm 2018, dẫn đến các cuộc biểu tình đòi giới lãnh đạo toàn cầu tập trung sửa chữa vấn đề môi trường và khí hậu.

Người biểu tình phản đối tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2020.

Reuters

Tuần trước, cô cùng 10.000 người tuần hành vì môi trường tại thành phố Lausanne ở Thụy Sĩ.
Nhưng nhà sáng lập Diễn đàn Davos Klaus Schwab cho biết còn có nhiều tiếng nói trẻ khác sẽ vang lên tại Davos.
"Chúng ta không nên chỉ tập trung vào Greta. Cô bé chắc chắn đã có được danh tiếng. Nhưng tôi đang nghĩ đến cô gái trẻ mà chúng tôi cũng mời đến đây. Ở tuổi 19 cô ấy đã thay đổi toàn bộ chính sách về nhựa từng gây quan ngại của Indonesia".
Hàng trăm người biểu tình chống chọi lại cái lạnh để đi bộ 40km lên Davos. Nhiều người hóa trang thành gấu koala để nhắc nhở về thảm họa cháy rừng tiêu diệt nơi sinh sống của loài gấu túi tại Úc.
Chính phủ Úc không công nhận mối liên hệ giữa cháy rừng và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những đám cháy đã làm gia tăng lo ngại về hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Thunberg và các nhà hoạt động trẻ tuổi tại Davos chắc chắn sẽ nhắc đến vấn đề khí hậu này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.