Israel diệt chỉ huy cấp cao Hamas, tiếp tục chịu 'mưa' hỏa tiễn

13/05/2021 20:54 GMT+7

Các phiến quân Hamas tiếp tục nã hỏa tiễn sang phía Israel sau khi các cuộc không kích của Israel đã khiến nhiều chỉ huy cấp cao của Hamas thiệt mạng và một tòa nhà nhiều tầng ở Gaza đổ sụp. Nhiều địa điểm khác ở phía nam Israel đã bị trúng hỏa tiễn.

Ít nhất 67 người ở Gaza, trong đó có 14 trẻ em, và 7 người ở Israel đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột. Bộ Y tế Gaza cho biết còn có 360 người khác bị thương.
Các phiến quân Palestine đã bắn hỏa tiễn về phía Israel từ tối 10.5. Israel sau đó trả đũa bằng các cuộc không kích nhằm vào nhiều mục tiêu ở lãnh thổ Palestine. Từ đó đã có hàng trăm cuộc không kích và vụ tấn công bằng hỏa tiễn được tiến hành.

Hình ảnh một tòa nhà ở Gaza trước và sau khi bị các cuộc không kích của Israel đánh sụp.

Reuters

Xung đột bắt nguồn từ các vụ đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát Israel ở đền al-Aqsa tại Jerusalem hôm 10.5.
Phát biểu vào tối 12.5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định chính phủ ông sẽ dồn hết sức để bảo vệ Israel khỏi kẻ thù bên ngoài và những kẻ bạo loạn ở bên trong.
Các phiến quân ở dải Gaza cho biết đã bắn 130 hỏa tiễn vào Israel để đáp trả lại cuộc không kích đã phá hủy tòa nhà al-Sharouk - là nơi có đài truyền hình al-Aqsa của lực lượng Hamas. Đây là tòa nhà thứ 3 bị Israel không kích phá hủy trong tuần này.
Israel khẳng định đã tiêu diệt một số chỉ huy Hamas cấp cao và phá hủy các bãi phóng tên lửa của đối thủ. Hamas xác nhận chỉ huy Bassem Issa, lãnh đạo cao nhất của lực lượng này tại thành phố Gaza, và “các lãnh đạo” khác đã thiệt mạng.

Bên trái: ngọn lửa bùng lên ở phía nam Dải Gaza sau một cuộc không kích của Israel. Bên phải: hỏa tiễn của Hamas nhắm vào nhà máy lọc dầu ở Ashkelon (Israel)

AFP

Hỏa tiễn của Hamas vào sáng sớm 13.5 đã bắn tới khu vực thung lũng Jezreel, đánh dấu lần đầu tiên Hamas phóng rốc két tới phía bắc Israel kể từ khi xung đột giữa hai bên bùng phát.
Trước đó, Hamas cho hay đã phóng 15 quả rốc két hướng về phía thị trấn Dimona, nơi gần lò phản ứng hạt nhân chính của Israel, theo Đài RT. Không có thông tin về thương vong.
Israel trong ngày 12.5 tuyên bố các cuộc tấn công mới vào Gaza là có quy mô lớn nhất kể từ sau xung đột năm 2014.
Dù cư dân được báo trước để sơ tán trước khi chiến đấu cơ Israel tấn công các tòa nhà, nhân viên y tế địa phương cho biết vẫn có dân thường thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em.
Sáng 13.5, quân đội Israel cho biết Hamas đã bắn khoảng 1.500 hỏa tiễn từ ngày 10.5. Trong số này, khoảng 350 quả bị lỗi rơi trong địa phận Gaza. Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel cũng đã ngăn chặn phần lớn hỏa tiễn bay về phía lãnh thổ nước này.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel hoạt động, ngăn chặn phần lớn hỏa tiễn do Hamas bắn ra.

Reuters

Trong sáng 12.5, một binh sĩ Israel đã thiệt mạng do trúng tên lửa chống tăng bắn từ Gaza, và 2 người chết ở TP. Lod (Israel) khi tên lửa bắn trúng xe của họ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cho biết ông "vô cùng lo ngại" trước tình hình bạo lực đang diễn ra. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp để thảo luận về vấn đề này, nhưng chưa đưa ra tuyên bố.
Ngày 13.5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết phía Mỹ đã liên hệ để thúc giục Israel và Palestine hạ nhiệt căng thẳng và nhấn mạnh rằng Israel có trách nhiệm phải tránh thương vong dân thường.

Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ đã điều nhân viên ngoại giao đến gặp lãnh đạo Israel và Palestine để thảo luận về xung đột.

Reuters

“Tôi đã yêu cầu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Hady Amr ngay lập tức đến khu vực để gặp gỡ các lãnh đạo Israel và Palestine. Ông ấy sẽ đại diện tôi và Tổng thống Joe Biden để thúc giục giảm leo thang bạo lực", ông Blinken cho biết.
Cùng ngày 13.5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đề cập đến vấn đề này trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ông cho biết đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phát biểu: “Kỳ vọng và hy vọng của tôi là điều này sẽ sớm kết thúc, nhưng Israel có quyền tự bảo vệ mình khi có hàng ngàn hỏa tiễn bắn về lãnh thổ của họ”.
Nga đã kêu gọi họp khẩn cấp với Bộ tứ Trung Đông, gồm Mỹ, EU, Liên Hiệp Quốc và Nga. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga dẫn lời người phát ngôn của Hamas cho biết phong trào này sẵn sàng ngừng bắn nếu Israel ngừng "các hành động bạo lực" ở Đông Jerusalem và "các biện pháp bất hợp pháp đối với các cư dân Ả Rập bản địa".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.