Tự động phát
Lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn đã đụng độ với quân đội Ukraine trong thời gian gần đây. Nga cũng đã tăng cường binh lực ở biên giới với Ukraine.
Phát biểu với BBC quan chức Nga nhấn mạnh nước này có thể can thiệp để “bảo vệ” các công dân của mình và cảnh báo căng thẳng leo thang có thể đánh dấu “khởi đầu của đoạn kết” đối với Ukraine. Mỹ và Đức đã thể hiện lo ngại về tình hình trên.
|
Vậy tại sao Nga và Ukraine lại “hục hặc”?
Nga đã liên tục tăng cường binh lực tại biên giới với Ukraine, nhưng đồng thời kêu gọi phương Tây không nên xem đây là mối đe dọa.
Theo thư kí báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, số lượng binh sĩ Nga tại đây đạt mức cao nhất kể từ năm 2014 khi xung đột ở miền đông Ukraine bắt đầu.
Nga không cung cấp chi tiết về số lượng binh sĩ. Nhưng Ukraine ước tính đến cuối tháng 3.2021 đã có khoảng 20.000 binh sĩ Nga chuyển đến biên giới với Ukraine.
|
Điều này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng giữa Nga và NATO, và Moscow đã cảnh báo NATO không được đưa quân tới Ukraine.
Trong vài tháng gần đây, quân đội Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở Donbass đã liên tục đụng độ.
Cái chết của một binh sĩ Ukraine hôm 8.4 đẩy tổng số thiệt hại nhân mạng trong các cuộc đụng độ năm nay lên 25. Trong năm 2020, đã có 50 binh sĩ Ukraine thiệt mạng.
Lực lượng ly khai cho biết cũng có 1 người thiệt mạng trong cùng ngày 8.4 khi quân đội Ukraine bắn đạn cối vào một ngôi làng ở ngoại ô thành phố Donetsk.
Hôm 8.4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm khu vực xung đột để thị sát “căng thẳng leo thang” và để “chia sẻ cùng các binh lính trong thời gian khó khăn ở Donbass”.
|
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine khiến tình hình ở miền đông căng thẳng hơn.
Căng thẳng Nga-Ukraine bắt nguồn từ tháng 3.2014 khi Nga sáp nhập khu vực Crimea, khiến quan hệ với các quốc gia phương Tây rạn nứt. Nga bị liên minh châu Âu và Mỹ cấm vận.
Một tháng sau đó, các nhóm vũ trang tại Donbass - khu vực đa số nói tiếng Nga - chiếm Donetsk và Luhan.
Phương Tây và NATO lên án Nga triển khai binh sĩ ở biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, Nga xem các tay súng Nga tại đây là “tình nguyện viên”.
Tổng thống Ukraine Zelenskiy cam kết thiết lập hòa bình khi nhậm chức. Một lệnh ngừng bắn được ký kết hồi tháng 7.2020. Cả Nga lẫn Ukraine đều cáo buộc đối phương vi phạm lệnh đình chiến trên. Xung đột này đã khiến khoảng 14.000 người thiệt mạng.
Bình luận (0)