Mỹ muốn khôi phục toàn bộ lệnh cấm vận của LHQ đối với Iran

21/08/2020 15:21 GMT+7

Ngày 20.8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đã có động thái nhằm khôi phục tất cả lệnh cấm vận áp lên Iran của Liên Hiệp Quốc, vì Tehran đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân kí kết với các cường quốc năm 2015.

Chính Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này cách đây 2 năm vì cho rằng các hạn chế đối đặt ra cho các hoạt động hạt nhân của Iran không đủ mạnh tay.
“Các hành động hôm nay nhằm tăng cường áp lực lên Iran để quốc gia này hành xử như một quốc gia bình thường và quay lại bàn đàm phán", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.
Mỹ đã đệ trình thư lên Hội đồng Bảo an LHQ để cáo buộc Iran không tuân thủ. Điều này, về lý thuyết, sẽ khởi động một quy trình kéo dài 30 ngày để “phục hồi" các lệnh cấm vận của LHQ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo muốn khôi phục các lệnh cấm vận đối với Iran.

Reuters

Tuy nhiên, nhiều nước lớn như Nga, Pháp, Đức và Anh cho biết sẽ không ủng hộ nỗ lực phục hồi cấm vận Iran của Mỹ.
“Những người bạn của chúng tôi gồm Đức, Pháp và Anh, tất cả đều đã nói riêng với tôi rằng họ cũng không muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Hôm nay, cuối cùng họ không đưa ra lựa chọn khác. Không có quốc gia nào trừ Mỹ đủ can đảm và niềm tin để đưa ra giải pháp. Thay vào đó họ lại chọn đứng về phía Iran", theo ông Pompeo.

Iran công bố tên lửa hành trình và đạn đạo tự phát triển giữa căng thẳng với Mỹ.

Reuters

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói với Hội đồng Bảo an rằng Washington không có quyền kích hoạt lại các lệnh cấm vận vì đã rút khỏi thỏa thuận. Nga cũng ủng hộ lập trường của Iran.
Ông Pompeo nói thêm: “Đối với các quyết định của các quốc gia khác, họ là những quốc gia có chủ quyền, họ tự đưa ra lựa chọn của mình, nhưng đừng nhầm lẫn về điều đó, thật là một sai lầm lớn nếu không kéo dài lệnh hạn chế vũ khí này. Đúng là điên rồ. Và tôi cũng chưa từng nghe quốc gia nào nghĩ điều đó là khôn ngoan. Ngoại trừ có lẽ là Iran".
Lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc sẽ hết hạn vào tháng 10.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.