Số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 1 ngày tại Brazil cao kỷ lục

20/05/2020 09:27 GMT+7

Theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đến sáng 20.5.2020, cả thế giới đã ghi nhận hơn 4,892 triệu người nhiễm Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra, trong đó có ít nhất 322.821 người tử vong. Trong số các ca nhiễm Covid-19, đã có hơn 1,686 triệu ca hồi phục hoàn toàn.

Đến sáng 20.5, Mỹ đã ghi nhận 1.527.355 triệu ca nhiễm Covid-19 với ít nhất 91.845 ca tử vong. Ngày 20.5, tất cả các tiểu bang tại Mỹ sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 dù tỷ lệ ca nhiễm tại nhiều khu vực vẫn tăng.

Biển hiệu cảm ơn nhân viên các ngành nghề thiết yếu tại bang Connecticut (Mỹ).

Reuters

Tiểu bang mới nhất nới lỏng lệnh hạn chế chống Covid-19 là Connecticut. Ngày 20.5, nhà chức trách bang này cho phép các nhà hàng mở cửa khu vực ngoài trời, văn phòng, cửa hàng bán lẻ và trung tâm thương mại cũng như các bảo tàng và sở thú cũng sẽ được mở cửa với một số quy định mới. 
Chính phủ Nga hôm 19.5 cho biết nước này ghi nhận thêm 9.263 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại Nga lên 299.941 ca. Nga là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Đến sáng 20.5, Nga đã ghi nhận 2.873 ca tử vong vì Covid-19.

Nhân viên mặc đồ bảo hộ toàn thân sát khuẩn đường ray tại Moscow giữa đại dịch Covid-19.

Reuters

Theo trang Mediazona, nhân viên y tế và bác sĩ Nga có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao gấp 16 lần so với lực lượng này tại các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao tương đương.
Theo bộ Y tế Brazil, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19 trong vòng24 giờ cao kỷ lục trong ngày 19.5 kể từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào tháng 2. Theo đó, Brazil ghi nhận 1.179 ca tử vong và 17.408 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm Covid-19 tại nước này lần lượt lên 17.971 và 271.628 ca.

Chôn cất bệnh nhân Covid-19 qua đời tại Brazil.

Reuters

Sao Paulo là bang bị dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất Brazil, ghi nhận 324 ca tử vong vì dịch bệnh trong vòng 24 giờ qua. Brazil là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga. Hôm 19.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang cân nhắc lệnh cấm di chuyển với khu vực Mỹ Latinh, cụ thể là Brazil.
Theo Reuters, số người tử vong vì bệnh Covid-19 trong vòng 24 giờ qua tại Ý tăng thêm 162 người, sau 4 ngày liên tục giảm. Như vậy, đã có 32.169 người tử vong vì Covid-19 tại Ý. Số người bị nhiễm Covid-19 tại Ý đến sáng 20.5 là 226.699 người, tăng 451 ca trong vòng 24 giờ qua. 

Người dân Roma ra đường trở lại sau khi chính phủ Ý nới lỏng các lệnh hạn chế.

Reuters

Trước đó ngày 18.5, Ý đã cho phép các quán bar, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, tiệm làm tóc và bảo tàng mở cửa trở lại tại hầu hết các khu vực sau gần 10 tuần áp dụng lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19. Ý là quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Anh.
Nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát khiến nhiều nước phải nâng cao cảnh giác, thậm chí cân nhắc kỹ kế hoạch nới lỏng phong tỏa để khôi phục hoạt động kinh tế, xã hội. Giới chức Hàn Quốc ngày 19.5 thông báo tính đến cùng ngày có tổng cộng 187 ca bệnh Covid-19 liên quan đến đợt bùng phát mới tại khu phố giải trí Itaewon ở Seoul, theo Yonhap. Vào cuối tháng 4, tình hình dịch Covid-19 tại Hàn Quốc ghi nhận tín hiệu khả quan, chính quyền sau đó thông báo dỡ bỏ dần các lệnh phong tỏa.

Trẻ em Hàn Quốc đeo khẩu trang chống dịch Covid-19.

Reuters

Tuy nhiên, những diễn biến tích cực bị đảo ngược sau khi một người bị nhiễm bệnh nhưng không hay biết đã đến nhiều hộp đêm ở khu Itaewon vào tối 1.5 và đến ngày 6.5 mới được xét nghiệm dương tính. Chính quyền Seoul ngày 9.5 ra lệnh đóng cửa vô thời hạn đối với toàn bộ hộp đêm, quán bar... trong thành phố và xét nghiệm cho hàng ngàn người đã đến khu vực này.
Bên cạnh đó, giới chức y tế Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng báo động về chùm lây nhiễm mới tại Trung tâm y tế Samsung, một trong 5 bệnh viện công lớn tại Hàn Quốc. Theo Yonhap, ít nhất 4 y tá tại bệnh viện đã nhiễm bệnh sau khi trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 18.5 nhưng chưa rõ nguồn lây.
Tại đại hội thường niên của WHO ngày 19.5, các nước đã thông qua nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) trình lên. Nghị quyết kêu gọi đánh giá công bằng, độc lập và toàn diện ứng phó của quốc tế đối với đại dịch Covid-19, theo AFP. Nghị quyết nêu rằng việc đánh giá nên bao gồm điều tra những hành động của WHO từ đầu đợt dịch.

TP.Vũ Hán (Trung Quốc) là nơi đầu tiên xuất hiện virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19.

Reuters

Nghị quyết còn kêu gọi các nước cam kết đảm bảo cho phép tiếp cận minh bạch, công bằng và kịp thời đối với bất kỳ loại thuốc hay vắc xin nào được phát triển để ngăn ngừa và chống lại Covid-19.
Nghị quyết còn hối thúc WHO giúp đỡ điều tra nguồn gốc động vật của Covid-19 và đường lây lan từ động vật sang con người. Nghị quyết không mang tính ràng buộc và không nhắc đến quốc gia cụ thể nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.