Tháng 3 năm 2020: khi dịch Covid-19 làm rung chuyển thế giới
03/04/2020 15:23 GMT+7
Tháng 3 năm 2020 đánh dấu 31 ngày để lại ký ức khó phai cho cả thế giới khi virus corona chủng mới gây ra bệnh Covid-19, tác nhân gây ra hàng chục nghìn ca nhiễm tại Trung Quốc, trở thành đại dịch toàn cầu.
Tự động phát
Vào ngày 1.3, gần 89.000 ca nhiễm Covid-19, là bệnh do virus corona chủng mới gây ra, được ghi nhận trên toàn cầu. Khi đó, đại đa số các ca nhiễm tập trung tại Trung Quốc, tâm điểm gốc của dịch bệnh. Cuối tháng 3, số ca nhiễm trên toàn cầu đã tăng gần 10 lần, lên đến con số 860.000 ca nhiễm, và số ca tử vong tăng vọt từ hơn 3.000 lên đến hơn 40.000 ca.
Nhưng làm thế nào mọi chuyện lại xấu đi rất nhanh như vậy?
Covid-19 lây lan toàn cầu
Đầu tháng 3, Iran và Ý báo cáo số ca nhiễm tăng vọt. Bộ trưởng Bộ Y tế Iran là một trong những viên chức đầu tiên có biểu hiện nhiễm bệnh rõ rệt. Tại Iran, bệnh nhanh chóng lây nhiễm cho những nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ, và rất nhiều những ngôi mộ tập thể xuất hiện tại vùng nông thôn.
|
Tại Ý, virus lây lan nhanh chóng, mặc dù chính quyền đã cố gắng hành động sớm để bảo vệ người dân. Quốc gia này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước cuối tháng 1, sau khi một đôi vợ chồng người Trung Quốc du lịch tại Rome được xác định dương tính với Covid-19.
Ý đã báo cáo ca nhiễm đầu tiên vào ngày 20.2, nhưng các nhà khoa học tin rằng virus đã lây lan trong nước này một thời gian dài trước đó. Trong suốt cao điểm mùa cúm tại Ý, người dân được chẩn đoán chỉ mang bệnh cúm thường, trong khi họ có thể đã bị nhiễm Covid-19.
Số ca nhiễm tại Ý đã tăng từ 4 ca vào ngày 20.2 lên đến gần 106.000 ca nhiễm vào trước cuối tháng 3. Cuối tháng 3, đã có gần 12.500 ca tử vong được báo cáo liên quan đến Covid-19…hơn gấp 3 lần số tử vong tại Trung Quốc, mặc dù chính phủ đã ra lệnh phong tỏa cả nước vào ngày 9.3.
|
“Quyết định đúng đắn hiện nay chính là ở trong nhà, tương lai của nước Ý đang nằm trong tay chúng ta.” – Giuseppe Conte, Thủ tướng Ý.
Các chuyên gia y tế Trung Quốc đến hỗ trợ nước Ý cho biết còn nhiều việc cần phải thực hiện. “Tôi vẫn thấy phương tiện công cộng còn hoạt động và người dân thì vẫn đi lại xung quanh, và rất nhiều người ăn tối hay tham dự tiệc tại các khách sạn, và cũng rất nhiều người không đeo khẩu trang.” – Sun Shuopeng, Giám đốc điều hành Hội chữ thập đỏ Trung Quốc.
Tây Ban Nha "tạm dừng"
Theo sau Ý, Tây Ban Nha trở thành nước có số ca tử vong vì Covid-19 nhiều thứ hai trên thế giới. Tháng 3 đã có gần 8.500 người chết. Và số ca nhiễm tăng vọt lên gấp 1.000 lần. Vào ngày 15.3, chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố phong tỏa gần như toàn diện để kìm chế sự lây lan nhanh chóng của virus. Nhưng sau 2 tuần, hàng ngàn ca nhiễm mới vẫn được ghi nhận mỗi ngày, làm cho các bệnh viện và dịch vụ y tế bị quá tải.
Anh thay đổi chiến lược
Trong khi hầu hết các nước châu Âu đã ban hành quy định hạn chế di chuyển với người dân, nước Anh ban đầu lại sử dụng biện pháp khác. Vào đầu tháng 3, thủ tướng Boris Johnson và các cố vấn y tế và khoa học hàng đầu của ông cho rằng không cần thiết để người dân thay đổi thói quen của họ. Chính phủ Anh hy vọng kiểm soát được tỉ lệ ca nhiễm trong dân số Anh để hệ thống y tế cộng đồng không bị quá tải. Nhưng chính phủ đã sớm thay đổi thái độ ấy, sau khi một nghiên cứu của Đại học Hoàng gia Anh cho rằng số ca tử vong nếu áp dụng chiến lược này có thể lên đến 250.000 ca. Khi số ca nhiễm mới tăng lên, ông Johnson vẫn chỉ khuyến khích mọi người tự cách ly khi bị bệnh và thực hiện giữ khoảng cách xã hội. Nhà hàng, quán bar và các tụ điểm giải trí vẫn được mở cửa, cho đến tận ngày 20.3.
|
“Chúng tôi muốn nói với tất cả quán café, quan bar và nhà hàng hãy đóng cửa vào thời gian sớm nhất có thể tối nay và không mở cửa vào ngày mai.” Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết liệt.
Lúc đó, gần 4.000 người tại Anh Quốc được xác nhận dương tính với Covid-19. Vài ngày sau, Thái tử Charles cũng được xác nhận dương tính, và chính Thủ tưởng Johnson sau đó cũng nhiễm bệnh, tự cách ly và tiếp tục làm việc tại nhà bằng cách họp video.
Trong suốt tháng 3, số ca nhiễm tại Anh tăng từ 36 lên đến hơn 25.000 ca. Và từ chỗ không có ca tử vong nào vào ngày 1.3, quốc gia này chứng kiến gần 1.800 ca tử vong vì dịch bệnh vào cuối tháng.
Tăng vọt đột biến tại Mỹ
“Chúng ta đang nói về việc có rất ít ca nhiễm tại Mỹ. Chúng ta đều đã làm rất tốt.” – Tổng thống Trump. Đó là phát biểu của Tổng thống Donald Trump vào đầu tháng 3, khi mà chỉ có 158 ca nhiễm Covid-19 trên toàn nước Mỹ. Chỉ trong 2 tuần, số ca nhiễm tăng vọt lên 9.197. Mặc dù có những thông điệp trái ngược nhau từ Nhà Trắng, nhưng chính phủ cuối cùng cũng nhất trí thúc giục người dân ở nhà nếu chính họ hoặc người thân có triệu chứng nhiễm virus, và hạn chế tụ tập dưới 10 người.
|
Bác sĩ Deborah Birx: “Chúng tôi rất mong người dân không gặp nhau vào thời điểm này.” Nhưng sau hai tuần kêu gọi, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng đến hơn 188.000 ca. Và số tử vong đã hơn 4.000 người.
Tổng thống Trump đã hoãn kế hoạch để nước Mỹ quay lại làm việc trước lễ Phục Sinh sau khi ban chỉ đạo chống Covid-19 dự đoán khoảng 2,2 triệu người có thể tử vong vì Covid-19 nếu không có thêm biện pháp mạnh.
“Càng làm đúng cách thì cơn ác mộng này sẽ nhanh chấm dứt. Chính vì thế, chúng tôi sẽ tăng thời gian thực hiện biện pháp của chúng tôi đến ngày 30.4 để làm chậm sự lây lan nhanh chóng này.”
Trung Quốc công bố thành công
Trong khi số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng vọt vào tháng 3, thì cuộc sống dần dần trở lại bình thường tại Trung Quốc đại lục. Số ca nhiễm mới và ca tử vong giảm mạnh tại đất nước này, với đa số các ca nhiễm mới đều là những người nhập cảnh từ nước ngoài. Chính quyền tin rằng việc phong tỏa hoàn toàn tỉnh Hồ Bắc, cũng như là việc thắt chặt lệnh cách ly tại các thành phố khác, chính là những nhân tố chính yếu trong việc ngăn chặn virus.
Đối với nhiều quốc gia đang phải đối phó sự lây lan của Covid-19, những tuần sắp tới đây rất quan trọng, và sẽ quyết định liệu tình hình tháng 4 có sáng sủa hơn tháng 3 hay không.
Mỹ
Covid-19
đại dịch Covid-19
đại dịch toàn cầu
tháng 3 chết chóc
Tây Ban Nha
Ý
ca nhiễm Covid-19
tử vong vì Covid-19
Bình luận (0)