Toàn cầu vượt mốc 200.000 người chết vì đại dịch Covid-19

26/04/2020 09:59 GMT+7

Theo cổng thông tin của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến sáng 26.4, toàn thế giới đã có 2.892.508 trường hợp nhiễm virus corona gây dịch Covid-19 với 202.455 ca tử vong và 815.658 bệnh nhân hồi phục.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 25.4 đã ghi nhận 936.293 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19, tăng hơn 30.000 trường hợp trong 24 giờ trước đó, với số ca tử vong đã tăng thêm 1.623 người, lên tổng số 53.511 ca.
Thống đốc bang Georgia Brian Kemp cho phép khôi phục một số hoạt động kinh doanh như tiệm làm móng, phòng tập thể dục, hiệu xăm, nhà hàng,... Quyết định gây nhiều ý kiến trái chiều, trong đó một số cơ sở kinh doanh hoan nghênh nhưng một số khác tỏ ra dè dặt.
Bang Oklahoma cũng cho phép một số nhà bán lẻ, tiệm làm đẹp hoạt động trở lại từ ngày 24.4, trong khi Florida mở cửa các bãi biển từ cách đây một tuần. Tại Tennessee, gần như toàn bộ 56 công viên mở cửa trở lại, trong khi Nam Carolina nới lỏng quy định từ đầu tuần. Ngoài ra, quy định yêu cầu người dân ở nhà tại nhiều bang dự kiến hết hiệu lực vào cuối tháng 4, theo Reuters.

Nhân viên y tế lấy mẫu máu của người dân để xét nghiệm Covid-19 ở New York (Mỹ)

Reuters

Giới chuyên gia y tế cảnh báo việc nới lỏng quy định ngăn dịch Covid-19 quá sớm có thể dẫn tới tình trạng số ca nhiễm và tử vong tăng thêm. Nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư Raymond James cho thấy chỉ có 4 tiểu bang gồm Kansas, Montana, Washington và Wyoming đáp ứng tiêu chuẩn mà chính quyền đưa ra để nới lỏng quy định một cách an toàn.
Đài CBS News hôm 25.4 dẫn lời Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cảnh báo bất cứ bang nào mở cửa sớm cũng sẽ gây nguy hiểm cho những bang còn lại. New York là bang thiệt hại nặng nhất nhưng gần đây ghi nhận một số dấu hiệu tích cực khi số ca tử vong ngày 24.4 giảm xuống mức thấp nhất từ đầu tháng 4 và số bệnh nhân còn điều trị tại bệnh viện giảm gần 25% so với đỉnh dịch. Tuy nhiên, ông Cuomo cảnh báo vẫn còn một chặng đường dài phía trước vì tình hình vẫn diễn biến theo chiều ngang và đó là “điều gây lo lắng”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ quay lại làm việc từ ngày 27.4

Reuters

Chính phủ Anh hôm 25.4 xác nhận Thủ tướng Boris Johnson sẽ trở lại làm việc vào ngày 27.4 sau khi đã hồi phục từ căn bệnh Covid-19 do virus corona gây ra khiến ông phải vào phòng chăm sóc đặc biệt trong 3 đêm hồi đầu tháng 4.
Ông Johnson, 56 tuổi, sẽ lấy lại quyền kiểm soát chính phủ hiện đang chịu áp lực sụp đổ kinh tế từ việc đóng cửa nhằm mục đích kiềm chế sự lây lan của virus corona đang khiến nhiều người tử vong. Tính đến tối 25.4, nước Anh đã ghi nhận hơn 20.000 (20.381) trường hợp tử vong do Covid-19 trong tổng số 149.569 trường hợp nhiễm nhưng chỉ có khoảng 774 người hồi phục.
Sự chỉ trích đang gia tăng dành cho các phản ứng của chính phủ đối với đại dịch vì xét nghiệm hạn chế và thiếu thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế và người chăm sóc. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 25.4 thông báo Anh sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh vắc xin toàn cầu vào ngày 4.6 nhằm khuyến khích cộng đồng quốc tế chung tay phát triển vắc xin phòng Covid-19.

Các nhân viên tang lễ chuẩn bị thực hiện nghi lễ cho người đã khuất bì bệnh Covid-19 tại thành phố Guayaquil (Ecuador) hôm 15.4

Reuters

Bộ trưởng Nội vụ Ecuador Maria Paulo Romo thông báo tổng số ca bệnh Covid-19 tại nước này đã tăng gấp đôi lên thành 22.719 người, trong đó có 576 người tử vong. Trước đó một ngày, số bệnh nhân Covid-19 tại Ecuador chỉ là 11.183 người trong đó 560 người tử vong, theo Reuters.
Giải thích về diễn biến này, Bộ trưởng Romo nói do một lô kết quả xét nghiệm bị thông báo trễ sau khi nước này gia tăng xét nghiệm, chứ không phải do dịch bệnh bùng phát mạnh. Giới chức Ecuador thừa nhận số người tử vong vì Covid-19 tại nước này có thể cao hơn so với con số được công bố vì nhiều người chết mà không được xét nghiệm với con số ước tính là khoảng 1.060 người.
Để giải quyết tình trạng này, chính quyền thông báo sẽ tiến hành “giám định pháp y bằng lời nói”, hỏi thăm người thân của nạn nhân về những triệu chứng trước khi tử vong để xác định nguyên nhân thay vì dùng các phương pháp xét nghiệm khoa học.

Một Imam đeo khẩu trang đọc kinh Koran và livestream trên mạng xã hội bên trong nhà thờ Hồi giáo Sunda Kelapa tại Jakarta (Indonesia) hôm 25.4

Reuters

Còn tại khu vực Đông Nam Á, trong 24 giờ trước đó đã có thêm hơn 1.200 ca nhiễm, 50 người chết vì đại dịch. Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto hôm 25.4 thông báo nước này ghi nhận thêm 31 ca Covid-19 tử vong và 396 ca nhiễm, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm lần lượt lên 720 và 8.607 ca.
Indonesia hiện là quốc gia có số ca Covid-19 tử vong cao nhất ở Đông Nam Á. Hôm 24.4, Tổng thống Donald Trump cho hay Mỹ sẽ gửi máy thở cho Indonesia theo đề nghị của Tổng thống Joko Widodo, theo Reuters.
Đứng sau Indonesia về số ca Covid-19 tử vong là Philippines. Bộ Y tế Philippines cùng ngày ghi nhận 17 ca tử vong, nâng tổng số người chết tại nước này lên 494. Ngoài ra, Philippines cũng ghi nhận thêm 102 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 7.294 người, theo Reuters.

Người dân được xịt dung dịch vệ sinh tay khi đi chợ tại Singapore

Reuters

Trong khi đó, đứng đầu Đông Nam Á về số ca nhiễm Covid-19 là Singapore. Bộ Y tế Singapore hôm 25.4 ghi nhận 618 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.693, theo Reuters. Tính đến tối cùng ngày, số ca Covid-19 tử vong ở Singapore vẫn là 12.
Bộ Y tế Malaysia ghi nhận 2 ca Covid-19 tử vong và 51 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và tổng số ca nhiễm lên lần lượt 98 và 5.742 ca. Còn ở Thái Lan, phát ngôn viên Taweesin Wisanuyothin thuộc Trung tâm ứng phó tình hình Covid-19 cho hay nước này ghi nhận 1 ca Covid-19 tử vong và 53 ca nhiễm, nâng tổng số ca tử vong và tổng số ca nhiễm lần lượt là 51 và 2.907 ca, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.