Trông đợi gì từ chính sách ngoại giao của 'Tổng thống tân cử' Biden?

28/11/2020 07:30 GMT+7

Sau đây là một vài vấn đề chính sách mà đội ngũ ngoại giao của Tổng thống Mỹ tân cử Joe Biden phải đối mặt khi họ tìm cách đảo ngược lại các chính sách ngoại giao đôi khi tiền hậu bất nhất của nhiệm kỳ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Hữu nghị, đồng minh, và nhạy bén ngoại giao. Hai lựa chọn quan chức an ninh hàng đầu của Tổng thống tân cử Joe Biden: Antony Blinken cho vị trí ngoại trưởng và Jake Sullivan cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, hé lộ nhiều gợi ý về kế hoạch ngoại giao của nhiệm kỳ ông.
Antony Blinken, ứng viên Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Chúng ta phải tiến tới với mức độ khiêm tốn và tự tin ngang nhau”.

Nhà ngoại giao Antony Blinken là ứng viên Ngoại trưởng Mỹ của Tổng thống tân cử Joe Biden.

Reuters

Sau đây là một số vấn đề chính họ phải đối mặt: Trung Quốc có thể sẽ là thách thức chính.
Quan hệ Bắc Kinh - Washington đã rơi xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Ông Biden được dự đoán sẽ có chính sách nhất quán với Trung Quốc, trái ngược với cách tiếp cận không đồng nhất của Tổng thống Trump.
Chính phủ của ông Biden cũng dự kiến sẽ thống nhất được sự ủng hộ từ các đồng minh để gây sức ép lên Bắc Kinh trên nhiều vấn đề như thương mại, Hồng Kông và Biển Đông.
Đội ngũ ông Biden cũng sẽ chịu áp lực phải cho thấy họ không quay trở lại với cách tiếp cận của ông Obama, mà giới chỉ trích cho là quá ngây thơ khi muốn dẫn dụ Bắc Kinh tuân thủ luật quốc tế. 

Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden phát biểu tại trụ sở chính của đội ngũ ông ở Wilmington (bang Delaware).

Reuters

Tiếp theo, quan hệ nào có thể căng thẳng hơn? Nga. Theo ông Blinken, ông Biden tin vào việc chống lại sự lấn lướt của Nga thông qua biện pháp cấm vận. 
Có khả năng Mỹ quay lại mềm mỏng ngoại giao với Iran. Ông Biden khẳng định sẽ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân nếu Iran chấp nhận nghiêm túc tuân thủ các hạn chế.
Tuy nhiên, việc quay lại thỏa thuận ban đầu không hề đơn giản và Iran chắc chắn sẽ đòi thêm nhượng bộ.
Khi bàn đến Triều Tiên, ông Blinken công kích quan hệ giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un, cho rằng các hội nghị thượng đỉnh đã không dẫn đến nhiều tiến triển và đẩy Mỹ vào thế nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đã gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un 3 lần.

Reuters

Ông Blinken cam kết sẽ thúc đẩy Trung Quốc gây áp lực kinh tế để đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán.
Cuối cùng, Tổng thống tân cử Biden sẽ đối mặt với các quyết định khó khăn ở Afghanistan. Đây là nơi ông Trump đã cắt giảm gần một nửa số lượng binh sĩ Mỹ, làm giảm lợi thế trước lực lượng Taliban.
Theo ông Blinken, cách điều động binh sĩ Mỹ không có chiến lược rõ ràng như vậy sẽ kết thúc. Tuy nhiên, những quyết định trên phụ thuộc vào đánh giá và tham vấn quân sự với các đồng minh, để ngỏ cánh cửa cho việc tiếp tục hiện diện của binh sĩ Mỹ tại đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.