Bản tin Covid-19 ngày 9.8: TP.HCM tiếp tục được phân bổ vắc xin

09/08/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 9.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 9.8.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 9.340 ca Covid-19, 4.423 ca khỏi

Bản tin của của Bộ Y tế tối 9.8 cho biết tính từ 6h đến 18h30 ngày 9.8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận thêm 4.185 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trong ngày lên 9.340 ca.

Sở Y tế TP.HCM cập nhật hướng dẫn chăm sóc F0 Covid-19 cách ly tại nhà mới nhất

Có 4.423 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 9.8.
Chiều 9.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 360 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố; nâng tổng cố bệnh nhân tử vong lên 3.757 ca.
Thông tin về 9.340 ca Covid-19 được công bố trong ngày 9.8 gồm:
- 17 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
- 9.323 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.556 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (3.991), Bình Dương (2.887), Đồng Nai (538), Tây Ninh (290), Long An (287), Tiền Giang (251), Bà Rịa - Vũng Tàu (242), Cần Thơ (98), Phú Yên (84), Hà Nội (78), Đồng Tháp (77), Đà Nẵng (60), Vĩnh Long (57), Bình Định (45), An Giang (37), Bình Thuận (34), Khánh Hòa (33), Lâm Đồng (30), Thừa Thiên Huế (27), Kiên Giang (20), Quảng Ngãi (18), Hậu Giang (18), Trà Vinh (15), Hà Tĩnh (15), Gia Lai (14), Đắk Nông (14), Nghệ An (12), Hải Dương (12), Quảng Nam (11), Ninh Bình (10), Bình Phước (5), Quảng Bình (3), Đắk Lắk (3), Thái Bình (2), Sơn La (1), Lào Cai (1), Cà Mau (1), Bạc Liêu (1), Bắc Giang (1).
- Tính đến chiều 9.8, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 219.745 ca nhiễm trong đó có 2.362 ca nhập cảnh và 217.383 ca nhiễm trong nước.
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 215.813 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 75.920 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 509 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 23 ca.

Bộ Y tế nêu tên 8 địa phương tiêm vắc xin Covid-19 chậm

Chiều 9.8.2021, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 360 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố.
Đây là các bệnh nhân Covid-19 tử vong thứ 3.398 đến thứ 3.757 tại Việt Nam. Gồm:
TP.HCM: 269 ca.
Tiền Giang: 39 ca.
Đồng Nai: 38 ca.
Long An: 3 ca.
Cần Thơ: 2 ca
Bình Định: 2 ca.
Đồng Tháp: 2 ca.
Vĩnh Long: 2 ca.
Hà Nội: 1 ca.
Khánh Hòa: 1 ca.
Tây Ninh: 1 ca.
Như vậy tính đến nay, Việt Nam đã công bố tổng cộng 3.757 ca Covid-19 tử vong; trong đó TP.HCM nhiều nhất với 3.013 ca.
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4 đến nay đã thực hiện 7.293.781 xét nghiệm cho 20.367.442 lượt người.
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 9.405.819 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 8.460.013 liều, tiêm mũi 2 là 945.806 liều.

Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM cần thêm nhân lực

Sáng 9.8, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM cùng một số bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn TP.HCM, trong đó có Bệnh viện hồi sức Covid-19, giao ban trực tuyến về công tác điều trị Covid-19.
Theo báo cáo của BS.CKII Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện kiêm nhiệm công tác tại Bệnh viện hồi sức Covid-19, từ khi được đưa vào hoạt động đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 1.031 bệnh nhân, phần lớn là bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Hiện tại, Bệnh viện hồi sức Covid-19 điều trị cho 582 bệnh nhân, trong đó có 129 bệnh nhân thở máy, 11 bệnh nhân lọc máu liên tục và 4 bệnh nhân ECMO.
“Trong tuần này, Bệnh viện hồi sức Covid-19 sẽ đáp ứng được 700 giường theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế. Bệnh viện cần được bổ sung nhân lực để đáp ứng công tác điều trị ở quy mô này”, bác sĩ Việt nói.

Bệnh viện hồi sức Covid-19 cần thêm nhân lực để triển khai 700 giường

Vắc xin Covid-19: Nơi lo thiếu, nơi chậm tiêm

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn rất phức tạp, một số nơi lại không đủ vắc xin để tiêm, có nơi có sẵn vắc xin mà tiến độ tiêm còn quá chậm.
Ngày 8.8, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 7.8 đã tiêm 262.471 người, trong đó có 398 người phản ứng sau tiêm 30 phút, tất cả an toàn. Ngày 8.8, tiêm thêm khoảng 200.000 người. Như vậy từ 22.7 - 9.8, TP.HCM đã tiêm được hơn 2,3 triệu người.
Số vắc xin TP.HCM đã nhận từ Bộ Y tế tính từ ngày 22.7 đến nay là gần 2,6 triệu. Với tốc độ tiêm khá cao hiện nay, nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ, dự kiến hết ngày 9.8, TP.HCM sẽ đối diện với việc thiếu vắc xin tiêm diện rộng như vừa qua.
Bộ Y tế cho biết đến ngày 8.8, gần 8,96 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm trên cả nước (hơn 8,008 triệu liều tiêm 1 mũi và hơn 888.000 liều tiêm mũi 2).
Về tỷ lệ "đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ở những người từ 18 tuổi", theo số liệu thống kê tại Cổng thông tin tiêm chủng (https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal), đến 17 giờ ngày 8.8, có 7 tỉnh, thành đạt từ 15% trở lên. Trong đó, TP.HCM 33.13%; Bắc Ninh 32,88%; Bắc Giang 25,98%, Hà Nội 22,7%; Điện Biên 20,63%; Quảng Ninh 20,17%.
Có 6 tỉnh, thành tỷ lệ này ở mức dưới 5%, trong đó, Nam Định: 3,84%, Nghệ An: 3,55%, Thanh Hóa: 2,11%.
Một số địa phương cho biết số liệu tiêm chủng được thống kê có thể chưa được cập nhật theo tiến độ tiêm thực tế.
 

Vắc xin Covid-19: Nơi lo thiếu, nơi chậm tiêm

TP.HCM có thêm 600.000 liều vắc xin Covid-19

Sáng 9.8, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sáng cùng ngày, TP.HCM được Bộ Y tế phân bổ thêm 600.000 liều vắc xin Covid-19 đợt 6, vắc xin AstraZeneca.
Như vậy, TP.HCM nhận đợt 1, 2, 3, 4 gần 1 triệu liều; đợt 5 hơn 2,5 triệu liều và đợt 6 là 600.000 liều. Tổng cộng các đợt là 4,1 triệu liều.
Đã có một lượng lớn vắc xin được dùng tiêm mũi 2, đặc biệt cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và các đối tượng ưu tiên khác.
3 loại vắc xin chính mà Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM là AstraZeneca, Moderna Pfizer.
 

TP.HCM có thêm 600.000 liều vắc xin Covid-19, tổng cộng nhận 4,1 triệu liều

Thủ tướng chỉ đạo về việc cấp phép và sử dụng vắc xin Nanocovax

Văn phòng Chính phủ hôm nay, 9.8, cho biết Thủ tướng vừa có ý kiến liên quan đến kiến nghị của chuyên gia về việc cấp phép sử dụng vắc xin trong tình huống khẩn cấp.
Cụ thể, mới đây Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản ngày 1.8.2021 của GS - TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chuyên môn Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe T.Ư, kiến nghị về việc cấp phép sử dụng vắc xin trong tình huống khẩn cấp.
Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vắc xin Nanocovax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền.
 

Thủ tướng chỉ đạo về việc cấp phép và sử dụng vắc xin NanoCovax ngừa Covid-19

Phạt 2 chủ tài khoản Facebook sau tin giả "bác sĩ Khoa"

Theo thông tin từ Trung tâm báo chí TP.HCM, liên quan đến thông tin về bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường cho sản phụ được đăng tải và lan truyền trên mạng internet những ngày qua, chiều 9.8.2021, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã có buổi làm việc với chủ thể đăng ký và sử dụng tài khoản Facebook “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ” về việc cung cấp, chia sẻ thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của thành phố.
Tại buổi làm việc, hai chủ tài khoản facebook này thừa nhận, do mong muốn chia sẻ cảm xúc đối với sự hy sinh của “bác sĩ Khoa”, nhưng thiếu kiểm chứng thấu đáo nguồn tin, nên đã vô ý chia sẻ thông tin theo nội dung đăng tải trên tài khoản facebook “Trần Khoa”. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã xác định nội dung tin nêu trên là tin giả, không có thật.
Hai chủ tài khoản Facebook cho biết mình đã gỡ bài và đăng lời xin lỗi.
Cùng ngày, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai chủ tài khoản Facebook “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ” về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội theo điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Tuyệt đối không để thiếu hàng hóa cục bộ khiến người dân bức xúc

Sáng nay 9.8, UBND TP.HCM có công văn 2653 về tăng cường thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM gửi Sở Công thương và các quận huyện, TP.Thủ Đức, lãnh đạo các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố.
UBND TP.HCM chỉ đạo nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương, khôi phục và đưa vào hoạt động trở lại các điểm bán hàng thiết yếu tại chợ truyền thống hoặc hình thành các điểm bán nhỏ ưu tiên mặt hàng tươi sống, rau củ quả.
Cụ thể, UBND TP.HCM giao Sở Công thương chủ động nắm bắt tình hình, chủ động điều phối hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh kết nối cung cầu… Phối hợp với các địa phương tổ chức điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoặc các mặt bằng lân cận; tăng cường bán hàng lưu động, trực tuyến… Hướng dẫn cho UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức tổ chức hoạt động chợ truyền thống và các điểm bán hàng hóa trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Tuyệt đối không để thiếu hàng hóa cục bộ khiến người dân bức xúc trong dịch Covid-19

Theo chân đội giao tro cốt bệnh nhân Covid-19 đến tay người thân

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các đội kết hợp với đơn vị liên quan nhận tro cốt của người dân mất vì Covid-19 về lưu giữ trong cơ quan quân sự hoặc nơi trang nghiêm.
Sau đó, nếu gia đình đủ điều kiện thì các đơn vị tổ chức bàn giao về gia đình; nếu gia đình còn đang cách ly thì tạm thời để nơi trang trọng, ấm cúng chờ gia đình hoàn thành việc cách ly y tế sẽ trao lại.
Đối với trường hợp gia đình bệnh nhân Covid-19 tử vong chưa thể nhận được tro cốt, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, cho biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM đã chọn chùa Long Hoa (đường Trần Minh Quyền, phường 11, quận 10) làm nơi thờ tạm tro cốt của người qua đời vì Covid-19 theo nguyện vọng của gia đình khi chưa đủ điều kiện tiếp nhận từ đơn vị quân đội. Sau khi gia đình có đủ điều kiện thì có thể liên hệ để nhận tro cốt.
Để nhận lại tro cốt người thân về thờ tự người dân chỉ cần có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người mất.

Những chuyến xe chở tro cốt bệnh nhân Covid-19 tử vong về với gia đình

Dân chơi "thác loạn" trong quán karaoke bán ma túy giữa dịch Covid-19
Bất chấp địa phương đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, chủ quán karaoke Moza ở xã Phượng Mao, H.Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vẫn mở cửa phục vụ, thậm chí còn bán ma túy cho khách chơi.
Một đại diện Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, rạng sáng 8.8.2021, Công an H.Quế Võ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan phá chuyên án tội phạm mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy tại quán karaoke Moza.
Ập vào kiểm tra bất ngờ, lực lượng chức năng bắt quả tang Lại Đình Vương (30 tuổi, ở xã Quế Tân, H.Quế Võ; là nhân viên của quán) đang bán trái phép chất ma túy cho Bùi Văn Hiển (25 tuổi, ở H.Thanh Hà, Hải Dương), là khách tới quán sử dụng dịch vụ.
Tiếp tục kiểm tra tại 2 phòng hát của quán này, lực lượng chức năng phát hiện thêm hàng chục nam nữ thanh niên đang có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, “bay lắc” trong tiếng nhạc lớn. Qua kiểm tra nhanh, lực lượng chức năng phát hiện 25 người dương tính với chất ma túy.

Quán karaoke phục vụ, bán ma túy cho khách “thác loạn” bất chấp yêu cầu đóng cửa phòng Covid-19

Tâm sự của những 'chiến binh' ở tuyến cuối điều trị Covid-19

Thời gian qua, khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy luôn được đặt trong tình trạng khẩn cấp khi liên tục tiếp nhận các ca bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch từ các nơi chuyển đến.
Tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca mắc mới liên tục tăng cao kéo theo số lượng bệnh nặng tăng nhanh. Xác định cuộc chiến với Covid-19 còn kéo dài, các điều dưỡng, bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới đã rời thu dọn đồ đạc vào bệnh viện ở để tiện việc chăm sóc bệnh nhân cũng như tránh nguy cơ lây nhiễm cho người nhà.
Gần 3 tháng trực chiến tại bệnh viện, cũng là chừng ấy thời gian các nhân viên y tế chưa một lần về thăm gia đình, chưa một lần được ôm con nhỏ. Phương tiện duy nhất kết nối họ với gia đình là chiếc điện thoại thông minh. Thế nhưng, những cuộc trò chuyện cũng diễn ra chóng vánh với khoảng thời gian hiếm hoi sau mỗi ca trực.

3 tháng xa gia đình, vào bệnh viện tuyến cuối làm “chiến binh” chống Covid-19

Người Sài Gòn ra bưu điện nhận gạo tiếp sức ngày khó khăn vì Covid-19

Sáng 9.8.2021, nhiều người lao động tự do thất nghiệp, công nhân, người cao tuổi gặp khó khăn cũng đến bưu cục Q.3 (nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan) nhận gạo hỗ trợ chống dịch theo phiếu được phát trước đó.
Từ ngày 6 đến 15.8.2021, Bưu điện Việt Nam tổ chức phát 700 tấn gạo ngon (trị giá khoảng 10 tỉ đồng) tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.

Người Sài Gòn ra bưu điện nhận gạo tiếp sức ngày khó khăn vì Covid-19

Bưu cục Q.3 sẽ phát hơn 20 tấn gạo cho bà con, dự kiến mỗi ngày sẽ phát từ 250 - 300 phần. Theo đó chương trình sẽ phát gạo miễn phí cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người tàn tật, sinh viên ngoại tỉnh, người lao động tự do, người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bưu điện cũng đã liên hệ với chính quyền địa phương để phát phiếu cho người dân. Trên mỗi phiếu cũng ghi khung giờ cụ thể để tránh tập trung đông người. Bên cạnh đó, bất cứ người nào có nhu cầu khi đến bưu cục cũng sẽ được phát phiếu là lần lượt nhận gạo, tuân thủ đúng quy định 5K.

4 thợ hồ từng ăn mì tôm 2 tuần đã được tiêm vắc xin Covid-19

Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, 4 người thợ hồ là ông Nguyễn Khắc Bính, ông Lê Duy Kỳ và hai cha con ông Trần Đăng Gấm (quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) đã dần tạm ổn.
Họ là những người “mắc kẹt” lại trong một cái lán công trình ở quận Gò Vấp và từng phải ăn mì tôm 2 tuần liền để cầm cự qua bữa vì hết tiền và không có giấy tờ để đi ra ngoài.
 

4 thợ hồ từng ăn mì tôm 2 tuần đã được tiêm vắc xin Covid-19

Bên cạnh những lời hỏi thăm, động viên từ gia đình, họ còn được chính quyền gọi đi tiêm vắc xin Covid-19. Hoàn thành mũi tiêm đầu tiên, ông Trần Đăng Gấm đã có thể an tâm hơn. Người thân ông ở nhà biết được cũng đỡ lo cho hai cha con khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 9.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.