Việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến

Đức Nguyễn
Đức Nguyễn
23/11/2023 04:14 GMT+7

Đó là thông điệp từ phong trào hiến đất mở đường do TP.Đồng Xoài (Bình Phước) phát động trong 5 năm qua. Sau 5 năm hưởng ứng phong trào này, người dân Đồng Xoài đã hiến gần 45 ha đất, trị giá 550 tỉ đồng, để xây dựng đường giao thông và nâng cấp hẻm thành đường trong khu dân cư.

Bài học thực tiễn từ cách làm của TP.Đồng Xoài cho thấy khi lợi ích giữa nhà nước và người dân hài hòa, khi cam kết, lời hứa với dân được thực hiện thì người dân sẵn sàng đồng thuận, ủng hộ những chủ trương đúng đắn của nhà nước.

Ngày 21.11 vừa qua, UBND P.Tân Thiện, TP.Đồng Xoài, làm lễ khởi công 2 tuyến đường giao thông có tổng chiều dài gần 2 km qua địa bàn phường. Tại buổi lễ, chính quyền địa phương tuyên dương 86 hộ dân hiến 2,8 ha đất, trị giá 30 tỉ đồng, để làm 2 tuyến đường nói trên. Trước đó, 95 hộ dân khác tại xã Tiến Hưng (TP.Đồng Xoài) cũng đồng loạt ký đơn hiến 0,75 ha đất, trị giá hơn 7 tỉ đồng, để mở rộng 2 con hẻm thành đường.

Trong số những gương điển hình của phong trào "Việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến" ở TP.Đồng Xoài, có câu chuyện lan tỏa từ gia đình ông Nguyễn Hữu Đây (70 tuổi, ngụ tổ 2, KP.Thanh Bình, P.Tân Bình). Gia đình ông Đây đã tự nguyện hiến cho nhà nước hơn 7.000 m2 đất, trị giá hơn 20 tỉ đồng, để mở đường Phan Bội Châu nối dài. Khi được hỏi về động lực hiến đất, ông Đây nói mộc mạc: "Hiến đất là hiến chứ tôi không nghĩ về giá trị của nó. Giờ đây, chiều chiều ngồi nhìn đường sá rộng rãi, xe cộ qua lại thuận lợi là trong lòng tôi thấy rất vui".

Ở một địa phương được coi là "tỉnh nghèo" của cả nước, người dân không chỉ hiến đất mà còn sẵn sàng chặt bỏ cả rẫy cao su, vườn điều, tháo dỡ tường rào, nhà cấp 4 để hiến đất mở đường và không đòi hỏi bất cứ điều kiện bồi thường nào. "Việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến" của người dân Đồng Xoài không chỉ là hành động đẹp, lan tỏa hiệu ứng tích cực mà còn góp phần chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn kiểu mẫu, cải thiện môi trường sống văn minh trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp.

Trước đó, khắp nơi trong tỉnh Bình Phước cũng như trên cả nước nói chung đã có không ít địa phương thực hiện hiệu quả phong trào vận động người dân hiến đất. Chẳng hạn, ở thành phố "đất chật người đông, tấc đất tấc vàng" như TP.HCM, báo cáo của Sở TN-MT cho biết trong 21 năm qua (từ năm 2000 - 2021) đã có hơn 168.000 hộ dân hiến 5,3 triệu m2 đất, trị giá hơn 10.000 tỉ đồng, phục vụ 5.230 công trình giao thông.

Hiệu quả của phong trào hiến đất mở đường là những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, không đạt quy chuẩn giao thông, mỹ quan đô thị và phòng cháy chữa cháy, nay trở thành những tuyến phố khang trang, đường làng sạch đẹp, ô tô có thể tới từng ngõ, từng nhà.

Điều quan trọng, như quan điểm của lãnh đạo TP.Đồng Xoài, là kiên trì cách làm theo phương châm: "Dân chủ - Công khai - Hài hòa lợi ích". Giải pháp tốt nhất để thuyết phục người dân hiểu lợi ích của việc hiến đất mở đường không chỉ ở lời nói, đối thoại suông, mà phải bằng những cam kết có trách nhiệm. Đó là việc công khai đồ án quy hoạch hạ tầng, cắm mốc thực địa, hỗ trợ nhanh nhất các thủ tục đất đai, ưu tiên nguồn vốn triển khai các dự án để người dân thấy được hiệu quả sau khi hiến đất. Cách làm như vậy không chỉ mang lại sự đồng thuận cao, mà còn góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả an sinh xã hội, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng khiếu kiện đông người, bức xúc dai dẳng kéo dài liên quan đến đất đai, đền bù giải tỏa.

Bài học kinh nghiệm từ phong trào hiến đất mở đường ở TP.Đồng Xoài cho thấy tiền rồi sẽ hết nhưng đường thì còn mãi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.