Thanh Niên đã có cuộc trao đổi cùng luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ - Phan Vũ Tuấn (sáng lập Phan Law Vietnam).
* Với các đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu đang bị trùng tên lẫn nhau, ai cũng có lý lẽ để bảo vệ tên của mình. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về việc “độc quyền” trong trường hợp này?
- Luật sư Phan Vũ Tuấn: Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, chưa có quy định rõ ràng về cơ chế độc quyền đối với tên gọi của các cuộc thi, đặc biệt là với cuộc thi sắc đẹp. Tuy nhiên dưới góc độ pháp luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) thì các đơn vị có thể được bảo hộ độc quyền tên gọi đối với các cuộc thi do mình tổ chức dưới hình thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Cụ thể, theo quy định Điều 123 và khoản 5 Điều 124 Luật SHTT, thì chủ sở hữu đối với nhãn hiệu có quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu của mình, như gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật SHTT thì quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này. Do đó, để được bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu thì các tổ chức, cá nhân có liên quan cần phải thực hiện các thủ tục đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ.
Công ty Minh Khang đã đăng ký nhãn hiệu Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, đại diện đơn vị này cho rằng Hoa hậu Hòa bình Việt Nam do Minh Khang tổ chức đầu tiên. Trong khi đó, công ty Sen Vàng cho rằng việc Minh Khang tổ chức cuộc thi với tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 - Miss Peace Vietnam sẽ gây ra sự nhầm lẫn với cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 (Miss Grand Vietnam 2022) của công ty Sen Vàng |
* Liên quan đến việc đăng ký quyền tác giả, nếu một đơn vị đăng ký quyền tác giả tại Cục bản quyền cho cuộc thi của họ, điều này nên được hiểu thế nào, thưa anh?
- Cần lưu ý rằng việc bảo hộ quyền tác giả không phụ thuộc vào việc đăng ký mà phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định (theo khoản 1 Điều 6 Luật SHTT). Và theo khoản 3 Điều 49 Luật SHTT, thì người đã được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả chỉ được miễn trách nhiệm chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
Như vậy, việc một đơn vị có đăng ký quyền tác giả tại Cục bản quyền hay không, không làm ảnh hưởng đến các quyền tài sản và nhân thân mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, việc bảo hộ quyền tác chỉ được bảo hộ về hình thức thể hiện mà không bảo hộ độc quyền với toàn bộ hoặc một phần tên gọi của tác phẩm, đồng thời cũng không bảo hộ ý tưởng để sáng tạo ra tác phẩm. Do đó, khi một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả thì cũng không đồng nghĩa với việc chủ sở hữu sẽ có độc quyền sử dụng tên gọi của tác phẩm đó.
* Theo anh, có hướng giải quyết thỏa đáng nào trước việc trùng tên các cuộc thi hoa hậu như hiện nay?
- Như tôi đã trình bày, trong trường hợp các tác giả sáng tạo, phát triển các ý tưởng của mình qua các bài hát, bài thơ... trong cùng một chủ đề thì việc đặt tên trùng nhau là hoàn toàn có thể xảy ra và việc này không tạo thành bất kể hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nào. Không chỉ bài hát trùng tên, mà chúng ta còn có thể kể đến rất nhiều các tác phẩm văn học, nghệ thuật khác vô cùng nổi tiếng có cùng tên gọi như là hai bài thơ Quê hương của tác giả Tế Hanh và tác giả Đỗ Trung Quân hay hai bài thơ Đất nước của tác giả Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm…
Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng việc trùng tên gọi của các tác phẩm văn học, nghệ thuật bản chất và mức độ ảnh hưởng, tác động đến công chúng là hoàn toàn khác nhau. Việc trùng tên gọi các bài thơ, bài hát không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến đông đảo công chúng hay ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của nhiều tổ chức, cá nhân và không xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân khác.
Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2021 do công ty URA Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra định kỳ 2 năm/lần. Và hiện đang có một cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2022 do hãng truyền thông Topstar tổ chức, sẽ diễn ra tại TP.Đà Nẵng vào tháng 7 này |
ngọc dương |
Trong khi đó, việc trùng tên gọi của một cuộc thi, đặc biệt là một cuộc thi hoa hậu ở quy mô toàn quốc thì lại khác, nó có thể gây ra sự nhầm lẫn cho các thí sinh đăng ký dự thi trên khắp cả nước, gây nhầm lẫn cho người hâm mộ giữa cuộc thi của đơn vị này và đơn vị khác, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh của các đơn vị tổ chức cuộc thi, xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ cũng như các quyền tài sản khác mà đơn vị tổ chức cuộc thi được bảo hộ theo quy định của pháp luật. Chính vì những tác động và ảnh hưởng lớn như vậy đến quyền và lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức nên việc có những cuộc thi hoa hậu trùng tên diễn ra dẫn đến các tranh chấp, kiện tụng như hiện nay là điều dễ hiểu.
Theo đó, trong trường hợp này, để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình, như tôi đã trình bày, các đơn vị tổ chức có thể cân nhắc việc thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với tên gọi của cuộc thi để mình có quyền độc quyền khai thác, sử dụng cũng như ngăn cấm cá nhân, tổ chức khác sử dụng các tên gọi trùng với tên gọi cuộc thi của mình.
Ngoài ra, trong quá trình quản lý và cấp phép cho các đơn vị thực hiện việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu trong phạm vi cả nước, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên có sự cân nhắc, xem xét và rà soát để tránh dẫn đến việc cấp phép cho các đơn vị tổ chức các cuộc thi hoa hậu trùng tên gọi với nhau để tránh sự chồng chéo trong quản lý và không gây ra các xung đột về quyền lợi giữa các tổ chức, cá nhân như hiện nay.
Bình luận (0)