Cơ quan quản lý, giới chuyên môn nói gì về tranh chấp tên cuộc thi hoa hậu?

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
23/06/2022 06:33 GMT+7

Bài viết Tranh chấp khi trùng lặp tên gọi ở các cuộc thi hoa hậu đăng tải trên Thanh Niên ngày 22.6 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả lẫn các bên liên quan. Chúng tôi tiếp tục đem vấn đề này đặt câu hỏi với các cơ quan quản lý văn hóa, cũng như giới chuyên môn.

Bà Trần Ly Ly - quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn trả lời PV Thanh Niên vào sáng 22.6: “Vấn đề trùng lặp tên gọi các cuộc thi hoa hậu thì nên hỏi bên phía Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Bản quyền, họ sẽ trả lời vì có luật, nên chúng tôi không phát biểu nhiều. Theo như tôi biết, họ không bảo hộ tên cuộc thi”. Khi liên lạc với ông Trần Hướng Dương - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn vào trưa 22.6, ông cũng cho biết việc tên gọi cuộc thi thuộc về Cục Bản quyền nên ông không phát biểu gì thêm.

Thùy Tiên đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế - Miss Grand International và cuộc thi này đang được tổ chức tại VN với tên gọi Hoa hậu Hòa bình VN (Miss Grand Vietnam)

Cơ quan chức năng không bảo hộ tên cuộc thi

Theo công văn báo cáo của Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi cho Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL về việc áp dụng quy định của pháp luật liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đối với các cuộc thi người đẹp, người mẫu mà PV Thanh Niên có được thì Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến cuộc thi người đẹp - người mẫu, đơn vị tổ chức cuộc thi phải có trách nhiệm tuân thủ quy định tại điểm d khoản 2 điều 4 của Nghị định 144/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Về việc thực thi luật Sở hữu trí tuệ, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ dựa vào quy định tại luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009 và năm 2019. Theo đó, Bộ VH-TT-DL thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan; Bộ Khoa học - Công nghệ quản lý về quyền sở hữu công nghiệp (quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu). Luật quy định rõ: “Tác giả sáng tạo tác phẩm có quyền đặt tên cho tác phẩm, tuy nhiên tên tác phẩm không phải là một trong các loại hình được bảo hộ quyền tác giả. Ngoài ra, VN hiện nay là thành viên của các điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan như Công ước Berne, Hiệp định quy định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp ước của Wipo về quyền tác giả. Nên VN có nghĩa vụ bảo hộ đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật của các quốc gia thành viên và cũng được các quốc gia thành viên này bảo hộ lại”.

Bà Vũ Thị Mỹ Dung, Trưởng ban tổ chức Miss Tourism Vietnam nêu quan điểm: “Thực trạng hiện giờ rõ là tréo ngoe khi xảy ra việc trùng tên tiếng Việt ở các cuộc thi hoa hậu, nhưng chắc chắn không thể giống nhau luôn ở cả tên tiếng Anh. Ví dụ, công ty chúng tôi đang sở hữu bản quyền quốc tế cuộc thi Miss Tourism Vietnam, thì không cuộc thi nào ở VN có thể sử dụng tên gọi này, còn tên tiếng Việt có thể trùng với cuộc thi khác với tên gọi Hoa hậu Du lịch VN, vì Cục Bản quyền không bảo hộ tên cuộc thi. Tuy nhiên, nội dung trong đêm chung kết, các cuộc thi Hoa hậu Du lịch khác không được tổ chức vòng thi trang phục Eco (thời trang sinh thái), trang phục vùng miền…vì như thế sẽ vi phạm bản quyền mà chúng tôi đã đăng ký sở hữu”.

Thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình VN 2022 (Miss Peace Vietnam)

NVCC

Tên cuộc thi không quan trọng bằng chất lượng tổ chức

Một chuyên gia am hiểu về pháp lý của Bộ VH-TT-DL đã trao đổi với PV Thanh Niên, cho biết cách giải quyết những tranh chấp kéo dài về việc trùng lặp tên gọi cuộc thi, ảnh hưởng quyền, lợi ích của những người liên quan: “Đầu tiên khi làm hồ sơ đăng ký để cơ quan chức năng thẩm định thì phải tra cứu nhiều cách như tìm kiếm trên Google, hỏi bằng công văn gửi đơn vị quản lý… để xem đã từng có cuộc thi nào có tên như thế để mình tránh ra và họ sẽ hướng dẫn, hỗ trợ kỹ càng về chuyên môn, nghiệp vụ, thủ tục hành chính sao cho thông suốt. Tuy nhiên, hiện nay, có thể thấy năng lực xử lý vấn đề theo đúng quy định pháp luật ở các tỉnh - thành trong nước chưa đồng bộ, còn yếu, nên sẽ xảy ra những lủng củng hoặc buông lỏng. Theo quy định của Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là khi một doanh nghiệp đăng ký tổ chức một cuộc thi nào đó thì Sở VH-TT-DL các tỉnh khi giải quyết xong hồ sơ phải đăng tải kết quả lên website, để mọi người ở các tỉnh thành khác cũng có thể biết. Thế nhưng, hiện họ không làm điều này, thông tin chưa được thông suốt và các website hiện rất sơ sài nên khi tra cứu để tránh trùng lặp tên cuộc thi của nhau rất khó. Điều này cần cải thiện. Khi buộc dừng một cuộc thi hoa hậu thì phải chứng minh có căn cứ rõ ràng rằng họ đã sai phạm gì, xâm phạm quyền, thiệt hại cho đơn vị khác ra sao, và phải ra tòa phân xử, chứ không thể cảm tính phân định ai đúng ai sai, nên điều này rất khó và sẽ kéo dài thời gian. Vì thế, theo tôi sẽ có chuyện 2 cuộc thi trùng tên ở một khía cạnh nào đó, quan trọng là cuộc thi nào tổ chức thành công thì mới có giá trị và tồn tại, được công chúng nhớ đến”.

Luật bảo hộ tác phẩm tổng thể

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền, Bộ VH-TT-DL, nói về việc các cuộc thi hoa hậu đưa ra các chứng nhận bản quyền tác phẩm viết kịch bản cuộc thi. “Trong đối tượng tác phẩm, loại hình tác phẩm được quy định trong luật Sở hữu trí tuệ không có loại hình là tên tác phẩm. Luật bảo hộ tác phẩm tổng thể, không bảo hộ tên tác phẩm riêng. Tác phẩm viết thì bảo hộ toàn bộ tác phẩm, chứ không phải bảo hộ riêng một cái tên”, bà Oanh nói.

Về việc nhiều cuộc thi hoa hậu trùng tên, bà Oanh cho rằng: “Còn việc tổ chức cuộc thi, ngày xưa khi chưa có Nghị định 144 thì Cục Nghệ thuật biểu diễn họ cấp phép và sẽ xem được tổng thể. Còn giờ về địa phương cấp phép thì như vậy”.

Trinh Nguyễn (ghi)

Bà Thúy Nga - Tổng giám đốc Công ty Elite, đơn vị có thâm niên tổ chức nhiều cuộc thi nhan sắc tại VN cũng đồng tình: “Tên cuộc thi là gì thực ra không quá quan trọng. Hai cuộc thi lớn Miss World, Miss Universe được khán giả quan tâm, nổi tiếng bao nhiêu năm nay là vì họ tổ chức chuyên nghiệp, quy tụ những thí sinh chuyên nghiệp… nên tên gọi của họ mới uy tín, giá trị chứ ban đầu không phải cái tên cuộc thi đó đã có giá trị. Vì thế, các cuộc thi hoa hậu ở VN có tồn tại hay không, quan trọng nhất là do chất lượng cuộc thi, uy tín của nhà tổ chức, thí sinh bước ra khỏi cuộc thi làm được điều gì ý nghĩa cho xã hội, chứ không phải chỉ là phút đăng quang trong một khoảnh khắc trên sân khấu. Hoa hậu không phải là một cuộc thi về nghề nghiệp để kiếm tiền như cuộc thi người mẫu, mà giá trị của cuộc thi hoa hậu là tìm ra người truyền cảm hứng, có đóng góp ý nghĩa cho xã hội. Hãy yên tâm là cuộc thi nào kém, thí sinh không nổi bật, người đăng quang không tạo ra được giá trị gì cho cộng đồng thì sẽ bị đào thải ngay thôi, khán giả chẳng mấy ai nhớ và quan tâm đến”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.