Bệnh nhân (BN) là nam (ngụ Hà Nội) bị viêm tụy cấp, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện (BV) T.Ư Quân đội 108 trong tình trạng đau bụng dữ dội.
BN đã có 6 lần điều trị viêm tụy cấp ở các BV khác. Nhập viện lần này, BN được điều trị tại Khoa Cấp cứu tiêu hóa - Viện Điều trị các bệnh tiêu hóa. Kết quả chụp chẩn đoán và xét nghiệm cho thấy, ổ bụng BN có hình ảnh viêm tụy cấp phù nề; men tụy tăng cao, mức độ triglyceride lúc vào là 157 mmol/L (mức bình thường dưới 2,3 mmol/L). BN được điều trị bằng truyền dịch, giảm đau và hạ mỡ máu bằng truyền insulin đường tĩnh mạch. Sau 1 tuần điều trị, BN hết đau bụng, mức độ mỡ máu về giới hạn cho phép và được xuất viện.
Theo bác sĩ Khoa Cấp cứu tiêu hóa, viêm tụy cấp do tăng mỡ máu gặp khoảng 30 - 35% trong số BN viêm tụy cấp nhập viện. Tăng mỡ máu (triglyceride) liên quan trực tiếp viêm tụy cấp. Trong đó, với mức triglyceride trên 5,6 mmol/L, BN có nguy cơ bị viêm tụy cấp. Nếu triglyceride trên 11,3 mmol/L, nguy cơ mắc viêm tụy cấp là 5%, tỷ lệ này tăng lên 10 - 20% khi mức triglyceride từ trên 22,6 mmol/L.
TS Ngô Thị Hoài, bác sĩ thuộc Khoa Cấp cứu tiêu hóa, chia sẻ: "Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm tụy cấp do tăng mỡ máu thường nặng hơn và đe dọa tính mạng BN hơn so với các nguyên nhân khác. Nếu mỡ máu của BN không được điều trị thì nguy cơ viêm tụy cấp tái phát, tiếp đó sẽ dẫn đến viêm tụy mạn gây suy cả tuyến tụy nội tiết và ngoại tiết".
Bác sĩ Hoài cũng khuyến cáo: Người bị bệnh rối loạn chuyển hóa mỡ máu nên đến khám và điều trị mỡ máu; duy trì kiểm soát mỡ máu bằng chế độ ăn, cân nặng và thuốc.
Theo Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, triglyceride là chất béo trung tính được tìm thấy trong máu, chiếm đến 95% chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật) trong khẩu phần ăn hằng ngày. Sau ăn, cơ thể chuyển bất kỳ lượng calo nào vừa ăn vào chưa sử dụng ngay thành chất béo trung tính và lưu trữ trong các tế bào mỡ. Sau đó, các hormone giải phóng chất béo trung tính để tạo năng lượng cho cơ thể.
Nếu một người thường xuyên ăn nhiều calo hơn số lượng calo được đốt cháy, nhất là những thực phẩm nhiều năng lượng thì cơ thể chứa nhiều chất béo trung tính hơn, đồng nghĩa lượng triglyceride trong máu tăng cao.
Người có chỉ số triglyceride tăng cao thường thừa cân, ăn quá nhiều đồ ngọt, uống nhiều bia rượu, hút thuốc, ít vận động hoặc mắc bệnh đái tháo đường với lượng đường trong máu cao.
KIỂM SOÁT MỠ MÁU BẰNG CÁCH NÀO ?
Tăng cường ăn rau, hoa quả.
Hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu bia, nhất là người có bệnh về tim mạch, tăng huyết áp.
Không nên ăn quá nhiều tinh bột.
Tăng cường tập thể dục đều đặn hoặc chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như: đi bộ, chơi cầu lông, bơi, tập thể dục dưỡng sinh…
Nên đi khám bệnh định kỳ để được chỉ định xét nghiệm mỡ máu. Khi mỡ máu cao, cần điều trị, tuân theo chỉ định và tư vấn của bác sĩ, không tự động mua thuốc để điều trị.
(Nguồn: Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư)
Bình luận (0)