Viện KSND TP.HCM: Vụ án Công ty Alibaba không khởi tố theo yêu cầu của người bị hại

Phan Thương
Phan Thương
22/12/2022 11:23 GMT+7

Sau phần đối đáp của các luật sư và 23 bị cáo, đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa tiếp tục đối đáp bổ sung trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba.

Sáng 22.12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba), do bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm thực hiện.

Cũng trong sáng nay, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) đối đáp bổ sung quan điểm bào chữa của các luật và 23 bị cáo.

Sáng 22.12, VKS tiếp tục đối đáp bổ sung đối với quan điểm bào chữa của luật sư và 23 bị cáo

NHẬT THỊNH

Vợ chồng Nguyễn Thái Luyện, nữ tướng Alibaba và đồng phạm nói lời sau cùng

Viện KSND TP.HCM giữ nguyên quan điểm luận tội

Theo đó, VKS trình bày giữ nguyên quan điểm tranh luận và tội danh của 23 bị cáo.

Về quan điểm nhiều luật sư đề nghị HĐXX thay đổi tội danh bị cáo Nguyễn Thái Luyện từ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai”, hoặc “lừa dối khách hàng”, VKS đối đáp, Nguyễn Thái Luyện đã có hành vi gian dối, đưa ra những thông tin không có thật, làm bị hại tin tưởng có thật để ký kết hợp đồng mua bán đối với 58 “dự án”. Hơn nữa, trong phần luận tội và đối đáp, VKS viện dẫn những điều luật mà Nguyễn Thái Luyện đã vi phạm, như vi phạm Điều 12 luật Kinh doanh bất động sản 2013 là: “Dự án trước khi đưa vào kinh doanh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư”; vi phạm vào Điều 41 Nghị định 43/2014 về hướng dẫn thi hành luật Đất đai: “... chủ đầu tư khi phân lô, bán nền phải hoàn thiện, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật...,phải được phê duyệt tỷ lệ 1/500...”.

Vì vậy, từ những hành vi trên, VKS truy tố Nguyễn Thái Luyện phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là phù hợp.

Về vai trò đồng phạm của 21 bị cáo trong nhóm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKS đưa ra các cơ sở để xác định đồng phạm, như: Các bị cáo đều khai thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện. Luyện cũng xác định chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện ý chí của mình; các bị cáo đồng phạm khai không có tiền mua đất, không có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp nhưng vẫn đứng tên, ký kết hợp đồng kinh doanh để ký kết triển khai dự án; không biết dự án tên gì; không biết con dấu công ty; khi làm việc với CQĐT mới biết tên công ty…; quan trọng nhất các khách hàng đã bị chiếm đoạt tiền từ “dự án” do các bị cáo xây dựng nên.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại phiên xử

NHẬT THỊNH

“Từ đầu đến cuối, các bị cáo đều thực hiện chuỗi hành vi với vai trò phạm giúp sức là có căn cứ. Trong luận tội, VKS cũng đã nhận định vai trò đồng phạm của từng bị cáo, có bị cáo VKS nhận định giúp sức tích cực, nhưng có bị cáo chỉ là giúp sức”, VKS nhận định.

Trực tuyến tuyên án Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm vụ Alibaba vào sáng 29.12.2022

"Nghe - nhìn - chứng kiến - ký biên bản nhưng nói không biết..."

Về tội danh “rửa tiền”, trong phần đối đáp bổ sung, VKS nhấn mạnh, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) chứng kiến việc khám xét trụ sở Công ty Alibaba của CQĐT, trong đó tại buổi khám xét, quyết định nêu rõ lý do khám xét… “Mai chứng kiến, biết rõ sự việc, Mai còn mở két sắt. Bị cáo nghe - nhìn - chứng kiến - ký biên bản mà nói không biết vụ việc thì không biết như thế nào là biết”, VKS nêu.

Về nguồn tiền của Công ty Alibaba, theo VKS, bị cáo Mai là Giám đốc tài chính, quản lý hoạt động, giám sát toàn bộ hoạt động chi tiêu công ty. Quá trình điều tra, Mai khai nguồn tiền Công ty Alibaba có được là thu từ của khách hàng, ngoài ra không có nguồn thu nào khác. Nên luật sư nói bị cáo Mai không biết nguồn tiền 13 tỉ đồng bị cáo rút ra, sử dụng đến nay không thu hồi được, sau khi vụ án bị khởi tố; cho rằng bị cáo Mai có vai trò thứ yếu trong vụ án là không chấp nhận.

Về một số tình tiết giảm nhẹ mà các luật sư đề nghị HĐXX, VKS chấp nhận cho các bị cáo, VKS đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá theo quy định pháp luật.

Nữ tướng Alibaba rơi lệ: “Không chỉ mất tiền mà cả tương lai, thanh xuân"

Khởi tố căn cứ vào hành vi của các bị cáo

Quá trình xét xử, nhiều bị cáo cho rằng tại sao nhiều người dân từ chối làm người bị hại, không tố cáo Luyện nhưng các bị cáo vẫn bị xử lý hình sự. Bị cáo Luyện cũng đề nghị được xem đơn tố cáo của khách hàng.

Trong phần đối đáp bổ sung, VKS nêu đây là vụ án không khởi tố theo yêu cầu của người bị hại mà căn cứ vào hành vi của các bị cáo có phạm tội theo luật hình sự hay không. Cụ thể, khi nhận được một đơn tố cáo của khách hàng, cơ quan tiến hành tố tụng không lập tức khởi tố mà phải xác minh đơn tố cáo có đúng. CQĐT đã xác minh tại Phòng TN-MT các tỉnh có dự án. Nếu hợp đồng các bên ký kết đúng là đúng theo quy định nào, sai thì sai theo quy định nào, có phạm tội hay không, hay là vi phạm hành chính, hay đây là thỏa thuận dân sự. Khi xác minh hành vi các bị cáo phạm tội thì CQĐT mới khởi tố.

Cáo trạng của Viện KSND TP.HCM quy buộc Nguyễn Thái Luyện dùng Công ty Alibaba và 22 công ty con để "xây dựng" nên 58 dự án "ma" lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.400 tỉ đồng của 4.550 người bị hại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.