Vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba: Viện kiểm sát giữ quan điểm về khung hình phạt đối với Nguyễn Thái Luyện

21/12/2022 10:33 GMT+7

Đối đáp trở lại quan điểm bào chữa của các luật sư đối với 23 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba, Viện KSND TP.HCM khẳng định cáo trạng truy tố tội danh là đúng.

Sáng 21.12, đại diện Viện KSND TP.HCM (viết tắt VKS) giữ quyền công tố tại tòa đối đáp với quan điểm bào chữa của luật sư cho 23 bị cáo trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba).

Đại diện Viện kiểm sát đối đáp

NHẬT THỊNH

Đối với Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc điều hành công ty), khi tự bào chữa, Luyện kêu oan. Theo Luyện, toàn bộ hoạt động mua bán đất là công khai, minh bạch, nên bị cáo đề nghị xem xét việc mua bán là giao dịch dân sự; còn luật sư bào chữa cho Luyện cho rằng hành vi của thân chủ có dấu hiệu của tội vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai, thay vì lừa đảo như cáo trạng cáo buộc.

Viện kiểm sát lập luận “bẻ” từng quan điểm kêu oan của Nguyễn Thái Luyện

Viện kiểm sát giữ quan điểm và khẳng định Nguyễn Thái Luyện lừa đảo

Đối đáp, VKS nêu, theo khoản 4 Điều 5 luật Kinh doanh bất động sản, các bất động sản được đưa vào kinh doanh như sau: loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại... Trong vụ án, các loại đất được Nguyễn Thái Luyện đưa vào kinh doanh, chào bán cho khách hàng là đất nông nghiệp, đất quốc phòng, đất lâm nghiệp.

Ngoài ra, theo Điều 55 luật Kinh doanh bất động sản quy định về điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai đưa vào kinh doanh, và Điều 168 luật Đất đai 2013, thì dự án được chuyển nhượng sau khi có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Thực tế một số dự án, Luyện và đồng phạm chỉ mới thỏa thuận mua bán chủ đất hoặc đặt cọc, nhưng bị cáo vẫn triển khai mở bán và thu tiền của khách hàng.

Nguyễn Thái Luyện tự bào chữa

NHẬT THỊNH

VKS còn phân tích Luyện đã vi phạm Điều 12 luật Kinh doanh bất động sản 2013 là: “Dự án trước khi đưa vào kinh doanh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư”; vi phạm vào Điều 41 Nghị định 43/2014 về hướng dẫn thi hành luật Đất đai: “...chủ đầu tư khi phân lô, bán nền phải hoàn thiện, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật..., phải được phê duyệt tỷ lệ 1/500...”.

Trong vụ án này, căn cứ kết quả điều tra, lời khai của các bị cáo bán "dự án", đều giới thiệu với khách hàng là dự án đều có tính pháp lý, đất bán là đất thổ cư, gần sân bay quốc tế Long Thành, gần khu công nghiệp, gần trường học và các tiện ích khác, thanh toán linh hoạt và dễ sinh lời... từ đó các bị hại tin tưởng và ký kết hợp đồng.

Ngoài ra, theo VKS, vốn điều lệ 1.600 tỉ đồng của Công ty Alibaba là không có thật. Đây là vỏ bọc để bị cáo tạo niềm tin cho khách hàng, là công ty có tiềm lực về kinh tế.

Các bị cáo nghe Viện kiểm sát đối đáp

NHẬT THỊNH

Từ nội dung đối đáp trên, VKS khẳng định Công ty Alibaba và Nguyễn Thái Luyện đã đưa ra thông tin gian dối trước khi ký kết hợp đồng đối với khách hàng để thu tiền; tất cả đất mà công ty Alibaba và khách hàng ký kết không phải đất dự án được cơ quan nhà nước phê duyệt chuyển nhượng theo quy định pháp luật.

Vì vậy, VKS nêu cáo trạng truy tố Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là có căn cứ và giữ nguyên quan điểm về khung hình phạt đối với Luyện.

Đối với các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, theo VKS, quá trình luận tội và đề nghị mức án, VKS đã xem xét phân hóa trách nhiệm, áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Do đó, với đề nghị của một số luật sư bào chữa liên quan, VKS đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá thêm.

Nữ tướng Alibaba rơi lệ: “Không chỉ mất tiền mà cả tương lai, thanh xuân"

Theo cáo trạng, Luyện thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân tín đứng tên. Các công ty này mua số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận; tự vẽ ra 58 dự án “ma” và quảng bá là dự án khu dân cư để bán cho khách hàng. Qua đó, Luyện và đồng phạm chiếm đoạt hơn 2.400 tỉ đồng của 4.550 khách hàng.

Ở phần luận tội, ở nhóm phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKS đề nghị HĐXX tuyên Nguyễn Thái Luyện tù chung thân, Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện, Giám đốc Công ty Alibaba) và Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (nhân viên pháp lý Công ty Alibaba) bị VKS đề nghị từ 16 - 18 năm tù. Các bị cáo đồng phạm còn lại bị VKS đề nghị từ 12 - 20 năm tù.

Nhóm phạm tội “rửa tiền” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKS tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh, đề nghị bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện, tổng giám đốc tài chính công ty), bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) cùng mức án 30 năm tù; bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán) bị VKS đề nghị từ 5 - 6 năm tù về tội “rửa tiền”.

Về trách nhiệm dân sự trong vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba, VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Nguyễn Thái Luyện và vợ là bị cáo Võ Thị Thanh Mai liên đới bồi thường hơn 2.400 tỉ đồng cho 4.550 người bị hại, do 2 bị cáo này trực tiếp chiếm đoạt và sử dụng toàn bộ số tiền chiếm đoạt; đề nghị HĐXX buộc bị cáo Mai nộp lại 13 tỉ đồng đã lấy từ hành vi rửa tiền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.