Viện trợ nối lại, Ukraine có phản công trong năm nay?

Viện trợ nối lại, Ukraine có phản công trong năm nay?

16/07/2024 08:30 GMT+7

Theo tờ The New York Times, một số vũ khí được cam kết cung cấp cho Ukraine vẫn chưa được sản xuất.

Tờ New York Times dẫn dự đoán từ các quan chức NATO rằng Ukraine sẽ không thực hiện nỗ lực mới nhằm đẩy lùi quân đội Nga trong năm nay, dù các đồng minh đã cam kết sẽ cung cấp thêm nhiều tỉ USD viện trợ quân sự mới.

Tuần trước, Kyiv nhận được cam kết sẽ có thêm viện trợ tên lửa, xe bọc thép và đạn dược trị giá đến 40 tỉ USD tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, và Mỹ cùng các đồng minh đã ký một cam kết hỗ trợ dài hạn.

Tuy nhiên, New York Times cho biết khoản viện trợ mới sẽ mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng để đến tiền tuyến, và phần lớn thuộc loại hỗ trợ dài hạn.

Một quan chức cấp cao của NATO giấu tên nói với tờ New York Times rằng khoản viện trợ này giúp Ukraine tiến hành cuộc tấn công mới vào năm tới. Một người khác cho biết quân đội Ukraine sẽ vẫn ở thế phòng thủ thêm ít nhất 6 tháng nữa.

Cuộc phản công của Ukraine trong năm 2023 đã không đạt được kỳ vọng. Trong giai đoạn cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Ukraine rơi vào thế khó vì quốc hội Mỹ tranh cãi về viện trợ bổ sung, khiến các lực lượng Ukraine bắt đầu cạn kiệt đạn dược cũng như các trang thiết bị khác.

Viện trợ nối lại, Ukraine có phản công trong năm nay?- Ảnh 1.

Một binh sĩ thuộc Lữ đoàn cơ giới số 24 của Lực lượng vũ trang Ukraine khai hỏa pháo tự hành 2S1 Gvozdika về phía quân đội Nga gần thị trấn Chasiv Yar ở vùng Donetsk, ngày 14.7.2024

REUTERS

Trong thời gian đó, các đồng minh châu Âu của Ukraine đã rất chật vật để giúp Ukraine bù đắp thiếu hụt. Tận dụng thời cơ, Nga đã có thể giành thêm lãnh thổ ở mặt trận phía đông. Tuy nhiên, việc Mỹ nối lại viện trợ vào tháng 4 đã cho phép Ukraine ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga.

Giới chức Ukraine thường xuyên phàn nàn rằng viện trợ từ phương Tây được chuyển đến không đủ và kịp thời, nên khó tạo ra thay đổi mang tính quyết định trên chiến trường. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã đặt ra những giới hạn về cách Ukraine có thể sử dụng một số loại vũ khí, cấm Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa trong các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng 7 cho biết lực lượng Kyiv luôn trong tình trạng chờ đợi vũ khí.

Ông nói với hãng tin Bloomberg rằng “Chúng tôi có mong muốn [phát động một cuộc phản công], nhưng các phương tiện vẫn chưa đến. Nghĩa là, chúng tôi có các lữ đoàn không có vũ khí, chúng tôi có lực lượng dự bị, chúng tôi có 14 lữ đoàn thiếu vũ trang không có vũ khí phù hợp”.

Trong khi đó, các quan chức phương Tây quy một phần lỗi cho phía Kyiv. Tổng thống Zelensky được cho là đã nhiều lần vượt quyền giới lãnh đạo quân đội Ukraine để ưu tiên các mục tiêu chính trị hơn quân sự.

Ví dụ, vào đầu năm 2023, ông đã đưa quân đến để phòng thủ tại thành phố Bakhmut, bỏ qua lời kêu gọi của các quan chức quân sự Mỹ về việc rút lui và bảo toàn quân đội để phản công.

Nga cho biết viện trợ nước ngoài cũng không thể làm thay đổi kết quả của cuộc xung đột và sự hỗ trợ bên ngoài này sẽ kéo dài tình trạng thù địch một cách không cần thiết. Ngoài ra, các quan chức Nga đã khẳng định vũ khí do phương Tây sản xuất cũng sẽ bị phá hủy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.