Viện tư vấn cho Lầu Năm Góc nói xung đột Ukraine kéo dài không có lợi cho Mỹ

Viện tư vấn cho Lầu Năm Góc nói xung đột Ukraine kéo dài không có lợi cho Mỹ

La Vi
La Vi
Biên tập, dựng: La Vi. Đọc: Cẩm Tú
01/02/2023 09:30 GMT+7

Mặc dù cả Nga và Ukraine đều cho rằng tiếp tục giao tranh sẽ có lợi cho mình nhưng tình hình này lại không mang lại lợi ích tốt nhất cho Mỹ. Đó là nhận định của tổ chức tư vấn chính sách RAND của Mỹ, trong một báo cáo công bố hôm 27.1.

Được thành lập vào năm 1948 bởi tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ, RAND đã cố vấn về chính sách cho Lầu Năm Góc trong nhiều thập niên.

Theo báo cáo "Avoiding a Long War" (tạm dịch: Ngăn một cuộc chiến kéo dài), tác giả Samuel Charap và Miranda Priebe chấp nhận những quan điểm phổ biến về cuộc xung đột, nhưng lưu ý rằng lợi ích của Mỹ "thường phù hợp nhưng không đồng nhất với lợi ích của Ukraine".

Theo các tác giả, cuộc xung đột đã gây ra thiệt hại đáng kể về kinh tế, quân sự và uy tín đối với Nga, vì vậy "việc tiếp tục gây suy yếu [cho Nga] được cho không còn hỗ trợ đáng kể cho lợi ích của Mỹ".

Cái giá phải trả đối với phương Tây cũng không phải là nhỏ, từ sự gián đoạn đối với thị trường năng lượng, thực phẩm và phân bón cho đến chi phí "duy trì nhà nước Ukraine về kinh tế", mà chi phí này sẽ chỉ "tăng gấp nhiều lần theo thời gian".

Tác giả cho biết viện trợ quân sự của NATO cho Ukraine cũng có thể trở nên không bền vững sau một thời gian, trong khi Nga có thể "đảo ngược những bước tiến của Ukraine trên chiến trường".

Cuộc xung đột đang "ngốn" nhiều thời gian của các nhà hoạch định chính sách cấp cao và các nguồn lực quân sự của Mỹ, khiến Washington mất tập trung khỏi các ưu tiên toàn cầu khác, chẳng hạn như Trung Quốc, đồng thời đẩy Moscow xích lại gần Bắc Kinh, theo báo cáo.

Nghiên cứu nhận định cách chiến thắng mà Tổng thống Volodymyr Zelensky mong muốn - trong đó Ukraine sẽ phục hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ và buộc Nga phải tham gia các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh và bồi thường - là điều không thể xảy ra. Các tác giả cảnh báo Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cảm thấy bị đe dọa.

Báo cáo thừa nhận triển vọng về một số hình thức đàm phán hòa bình là khó xảy ra sớm, vì Kyiv tin rằng sự hỗ trợ của phương Tây sẽ tiếp tục vô thời hạn, trong khi Moscow không có lý do gì để tin rằng các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ.

Báo cáo đề xuất rằng Mỹ có thể điều chỉnh viện trợ quân sự trong tương lai dựa trên cam kết đàm phán của Ukraine, đồng thời đưa ra các cam kết an ninh cho Kyiv, nhưng không ràng buộc như các hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ hoặc thành viên NATO. Washington cũng nên đảm bảo với Moscow về tính trung lập của Ukraine và đặt ra các điều kiện để dỡ bỏ lệnh trừng phạt, theo các tác giả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.