'Việt Á và Học viện Quân y cùng ký, vì sao chỉ Việt Á bị truy tố?'

28/12/2023 14:25 GMT+7

Bào chữa cho Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, luật sư hỏi rằng: văn bản do 2 phía cùng ký, nhưng vì sao chỉ người ký bên Việt Á bị truy tố, xét xử, còn người ký bên Học viện Quân y thì không?

Ngày 28.12, phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ án liên quan đến Học viện Quân y và Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) tiếp tục với phần tranh luận.

Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á lãnh 25 năm tù

Trong số các bị cáo, Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, bị đề nghị 6 - 7 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

'Việt Á và Học viện Quân y cùng ký, vì sao chỉ Việt Á bị truy tố?'- Ảnh 1.

Bị cáo Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á

PHÚC BÌNH

Phó tổng giám đốc nhưng chỉ làm công ăn lương?

Bào chữa cho Vũ Đình Hiệp, luật sư cho rằng mức án mà đại diện viện kiểm sát đề nghị là quá nghiêm khắc, mong hội đồng xét xử cân nhắc thêm.

Theo phân tích của luật sư, mặc dù nói là giữ chức Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, nhưng nhưng trong hồ sơ không có bất cứ quyết định nào bổ nhiệm Hiệp vào vị trí này. Thực tế, Hiệp chỉ là thư ký cho tổng giám đốc (bị cáo Phan Quốc Việt - PV).

"Bị cáo không có cổ phần, chỉ hưởng lương cố định hàng tháng, cũng không phải bộ phận kinh doanh nên không được hưởng lợi theo doanh số bán hàng, vì vậy hoàn toàn không có động cơ vụ lợi cá nhân", luật sư nói.

Vẫn theo luật sư, Vũ Đình Hiệp có ký vào một số văn bản để hợp thức hóa việc đấu thầu sau khi đã ứng kit cho Học viện Quân y. Tuy nhiên, việc ký này chỉ là theo ủy quyền của tổng giám đốc.

Chưa kể, thời điểm ký, Công ty Việt Á có tính toán, cân đối, vì người ký của phía Học viện Quân y là giám đốc học viện, để cho cân xứng thì Hiệp phải ký với vai trò là Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, chứ không thể nào lại ký với vai là thư ký của tổng giám đốc.

Phan Quốc Việt: 'Riêng về xét nghiệm, công trạng Việt Á phải lớn hơn Bộ Y tế'

Đáng chú ý, một luật sư khác khi bào chữa cho Vũ Đình Hiệp đặt vấn đề rằng, Hiệp là người được ủy quyền, ký vào văn bản thì bị truy tố, thế nhưng người ký của Học viện Quân y lại không bị truy tố, xét xử.

Luật sư này viện dẫn khoản 5 điều 13 Nghị định 30/2020, quy định rõ người ký văn bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ nội dung văn bản. "Học viện Quân y là đơn vị chủ quản, Việt Á không chủ động móc nối để bán kit, tại sao lại là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án?", luật sư bào chữa.

'Việt Á và Học viện Quân y cùng ký, vì sao chỉ Việt Á bị truy tố?'- Ảnh 2.

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN

PHÚC BÌNH

Xem nhanh 20h ngày 28.12: Ông trùm Việt Á kể công

'Việt Á và Học viện Quân y cùng ký, vì sao chỉ Việt Á bị truy tố?'- Ảnh 3.

"Nếu ở hoàn cảnh của tôi, mọi người sẽ chọn cái nào?"

2 bị cáo khác trong vụ án là Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN và cựu thượng tá Hồ Anh Sơn, cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y, lần lượt bị đề nghị 15 năm tù và 11 - 13 năm tù, cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tự bào chữa trước tòa, cựu thượng tá Hồ Anh Sơn nói ngắn gọn, đồng thời bày tỏ băn khoăn: "Tôi chỉ có một câu không biết phải hỏi ai. Nếu ở hoàn cảnh như tôi, trước chất lượng 2 loại kit như vậy (một là do Học viện Quân y nghiên cứu, một là do Công ty Việt Á cung cấp - PV), mọi người sẽ chọn cái nào, sẽ làm gì?".

Tham gia bào chữa cho cựu sĩ quan thuộc Học viện Quân y, các luật sư cùng cho rằng mức án mà viện kiểm sát đề nghị đối với thân chủ là quá nghiêm khắc.

Luật sư phản đối quan điểm của phía công tố khi cho rằng ông Sơn "phạm tội trong dịch bệnh để trục lợi". Bởi lẽ, với trách nhiệm của một nhà nghiên cứu khoa học, một người lính, bị cáo nhận thấy bản thân và đồng nghiệp có khả năng nghiên cứu thành công kit test nên mới nhận, chứ không hề có âm mưu, thủ đoạn, hay mục đích vụ lợi.

Dẫn bối cảnh dịch bệnh cấp bách, với áp lực tìm ra quy trình sản xuất kit test trong thời gian ngắn, luật sư nói cựu thượng tá nhận thức đơn giản, "nghĩ 2 cơ quan (Học viện Quân y và Công ty Việt Á) song song thực hiện, sản phẩm bên nào tốt hơn thì ưu tiên".

Chính vì nhận thức như vậy, khi thấy bộ kit của Công ty Việt Á nhạy hơn, các bị cáo đã chọn để đưa vào nghiệm thu đề tài, thay vì sử dụng sản phẩm cho Học viện Quân y nghiên cứu. "Nhưng cái sai mà sau này ông Sơn mới nhận ra, đó là đã không đưa cả kit của Học viện Quân y đi kiểm nghiệm", luật sư bào chữa nói.

Xem nhanh 12h ngày 28.12: Ông trùm Việt Á bị đề nghị mức án

Về phía mình, bị cáo Trịnh Thanh Hùng cũng băn khoăn về việc bị xử lý ở cả 2 vụ án. Trong đó, một vụ do Bộ Quốc phòng điều tra, đang xét xử; vụ còn lại do Bộ Công an điều tra, sẽ xét xử vào ngày 3.1.2024 tới đây.

"Bị cáo luôn được cơ quan tố tụng nói rằng một hành vi sai phạm chỉ bị khởi tố và xét xử một lần, nhưng cuối cùng vẫn bị tách ra xét xử ở 2 tòa án khác nhau, điều này rất thiệt thòi cho bị cáo", cựu vụ phó Bộ KH-CN nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.