Ba biết, con rất vui vì điều này. Ở trên đời, niềm hạnh phúc nhiều khi chỉ giản dị như vậy. Ai cũng hay nói: chúng ta sống là để yêu thương. Nhưng yêu thương không phải là nói, mà nó là…yêu thương, vậy thôi. Được yêu thương là hạnh phúc, mà yêu thương ai đó ngoài bản thân mình, cũng là hạnh phúc. Cứ mỗi khi nghĩ nhớ về mẹ mình, ba lại rơi nước mắt. Vì ba ân hận, ngày mẹ mình còn sống, mình đã yêu thương và chăm sóc mẹ mình chưa đủ. Tất cả bây giờ chỉ còn là ân hận. May là ba không phải đứa con bất hiếu, cũng không hề thiếu tình yêu thương, nhưng ngày còn trẻ, có lẽ do ham chơi ham vui, hay lo những việc gì khác nữa, mà cứ nghĩ mẹ mình dù sống xa mình vài trăm cây số, vẫn là sống bên mình, một cách hiển nhiên. Nhưng hiển nhiên không có nghĩa là mãi mãi. Khi mất mẹ mình, ba mới dần hiểu ra, cái khoảng trống ấy mãi mãi là khoảng trống.
Vậy thì hãy yêu thương mẹ mình khi còn có thể, khi mẹ mình còn hiện diện với mình. Có thể còn nhiều thế giới, nhưng chúng ta chỉ có một thế giới này để sống, để yêu thương.
Phải chăng, đó chính là ý nghĩa “Ngày của Mẹ”.
Trong ngày này, ba đã nghe lại 3 bài hát mà ba yêu thích viết về Mẹ: đó là “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của Nguyễn Văn Tý, đó là “Về thăm mẹ” của Trần Chung, đó là “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn. Đời ba gắn bó nhiều với những người mẹ chiến sĩ, những người mẹ kháng chiến, có thể là mẹ mình, có thể là những bà mẹ Việt Nam mà ba gặp trên những nẻo đường chiến tranh. Tất cả những bà mẹ ấy đều có một điểm chung: đầy yêu thương và nén chịu. Thậm chí cam chịu.
Đừng để mẹ mình phải nén chịu nhiều quá. Đó cũng là một thông điệp từ “Ngày của Mẹ” mà ba đọc ra.
Rồi con sẽ được làm mẹ. Không có hạnh phúc nào trên đời hơn thế.
Niềm hy vọng lớn nhất của ba là hạnh phúc của các con, không có gì hơn. “Ngày của Mẹ” chính là ngày để ta nghĩ về hạnh phúc.
Bình luận (0)