Đi nhiều đến vậy nhưng hễ mỗi lần kéo va li ra sân bay, tôi như nhảy chân sáo, rạng rỡ thấy thương khi được mấy ngày tự do không phải đi làm, gặp sếp, chủ, nhân viên...
Gần 80 nước, 47 bang Mỹ và hơn nửa số tỉnh thành ở Việt Nam đã in đậm dấu chân tôi trong suốt tháng ngày trai trẻ lẫn trung niên. Mười tám năm gắn bó với một công ty, đôi khi tôi được vài quyền lợi mà không một ai có. Thật ra các chuyến đi ấy không dài. Lâu lắm là hơn một tuần, ít thì chỉ ba ngày.
Có chuyến khá đặc biệt, quyết định trong vòng vài tiếng đồng hồ. Stress quá, chán làm, tôi lên mạng book vé, nhắn cho sếp một tin nghỉ làm. Thế là một mình một cõi, với ba lô, máy ảnh, điện thoại, ít tiền mặt và thẻ credit.
Cái lạnh 0°C ở độ cao 3.400m so với mực nước biển
|
Để nói hết các chuyến đi trong năm qua, chắc tôi viết mười cuốn sách còn chưa hết. Trong khuôn khổ bài báo này, tôi chỉ kể vài chuyện khá thú vị.
Vùng đất Nam Mỹ luôn kích thích trí tò mò trong tôi. Quito (Ecuador) là thành phố phải đến bởi đó là nơi có đường kinh tuyến số 0, chia cắt trái đất thành hai nửa địa cầu Nam - Bắc và còn là thủ đô có độ cao trên mực nước biển đứng thứ hai trên thế giới (2.850m) sau La Paz (Bolivia).
Đó là một ngày đầy nắng và gió, thổi bụi bốc đầy nhưng không thể ngăn bước chân của hàng ngàn người đang chậm rãi đi về tượng đài có đường sơn vàng chia đôi trái đất.
Tôi vốn là người đi nhanh, nói lẹ, ăn mau, làm vội, nhưng ở thành phố có độ cao kinh khủng này, mọi thứ đều phải chậm rãi, nhẹ nhàng chứ nhanh quá là không đủ dưỡng khí để thở vì loãng, căn bệnh suyễn lại nổi lên hành hạ. Để đến được Machu Picchu (một thành phố của Peru) phải nói là vô cùng gian khổ.
Từ thủ đô Lima của Peru, tôi phải bắt chuyến bay sớm nhất khi mặt trời chưa mọc để đến Cuzco (cố đô của người Inca). Hàng ngàn người đứng, ngồi, nằm la liệt vật vã chờ chuyến bay thấy mà thương. Tới nơi cũng gần 6 giờ. Theo lịch trình, có người chở tôi tới nhà ga để bắt tàu đi Aguas Calientes. Cuzco rất lạnh bởi nằm giữa rừng thiêng nước độc ở độ cao 3.400 m so với mực nước biển. Tôi từng chịu đựng cái lạnh âm 20°C nhưng khi đến đây, cái lạnh 0°C từ từ, từng chút một thấm sâu vào tận xương tủy làm người ta rét run, muốn khuỵu xuống.
Hơn bốn giờ đồng hồ gật lên, gục xuống, được nhân viên cho ăn sáng, uống cà phê, ăn quá trời chanh dây, thử cảm giác bồng bềnh khi tàu băng qua những ngọn núi đồi hùng vĩ như chạm được tới mây, mấy con sông nhỏ to uốn lượn, qua những cánh đồng trơ sỏi đá. Tôi còn đi qua các thị trấn đặc trưng của Nam Mỹ: nhỏ, nhà thấp và thổ dân áo quần sặc sỡ cao dưới 1m50 nói cười, trao đổi, mua bán hàng hóa lẫn nhau.
Tàu đến Aguas Calientes, anh chàng tour guide đã chờ ở đó, dắt tôi ra xe bus, tiếp tục cuộc hành trình 30 phút, men theo những con đường nhỏ hẹp, lên đỉnh Cổ Sơn.
Machu Picchu vốn là một kinh thành xa xưa của một tộc người Inca vĩ đại. Ở đó, ngoài cung điện của thủ lĩnh, đền thờ thần mặt trời còn có nhà cửa, phòng ốc của dân chúng. Và đặc biệt là hệ thống ruộng bậc thang trồng trọt “đi trước thời đại”. Phải nói là hùng vĩ.
Không hiểu bằng cách nào mà những con người thấp bé ấy có thể khuân đá, mài nhẵn đắp xây kinh thành và tạo nên hệ thống tưới tiêu dày đặc để trồng bắp, khoai tây rồi lợi dụng hướng gió cất giữ cho nhiều ngày sau.
Tôi nhủ thầm, không biết người xưa nghĩ gì mà cứ chọn trong thẳm sâu núi rừng xây cất để giờ hậu thế phải lần mò đi khám phá.
Đi đến... tận cùng trái đất!
Chuyến bay hơn mười tiếng đồng hồ cuối cùng đã đưa tôi đến thủ đô Buenos Aires - Argentina, đất nước được coi là “tận cùng trái đất”. Buenos Aires có Avenida 9 de Julio (Đại lộ 9 tháng 7 – kỷ niệm ngày độc lập của Argentina) rộng nhất thế giới với hơn 140 m và có 14 làn xe xuôi ngược. Mùa xuân, những con phố yên tĩnh rợp bóng cây xanh chen phượng tím trước các tòa nhà đậm chất Gô-loa. Người ta gọi Buenos Aires là một “Paris ở phương Nam” nhờ kiến trúc Pháp không bị pha lẫn bởi chất Mỹ Latin cuồng nhiệt. River Plate (Río de la Plata) rộng như biển, là biên giới tự nhiên giữa Argentina và Uruguay.
Dù mang tên là dòng sông Bạc, nhưng River Plate lại có màu nâu đỏ do thượng nguồn là mạch núi thần thoại Sierra de La Plata, tương truyền có nhiều mỏ bạc nên nhuộm đục dòng nước trong.
La Boca, khu ổ chuột nuôi dưỡng các thiên tài bóng đá, hiện lên trước mắt lắm sắc màu bởi nhiều bức tường được vẽ graffiti lộng lẫy và những ngôi nhà giống như khối hộp nhiều màu sắc được chồng và để cạnh nhau. Mộ phần của Evita Peron luôn đầy hoa và không bao giờ vắng người thăm viếng. Với người Argentina, ăn tối và xem tango ở các câu lạc bộ trở thành nét văn hóa ăn sâu vào máu.
Do mua vé rẻ nên họ xếp tôi vào bên cánh gà cùng với chục người chẳng nói được tiếng Anh. Không vấn đề gì. Thời 4.0 mà. Google translate sẽ giúp ta giao tiếp một cách thoải mái nhất. Người Argentina ăn bánh mì, đậu và thịt suốt ngày (nhưng họ không mập).
Đèn vụt tắt. Tất cả hướng mắt lên sân khấu để xem vở kịch về mối tình bị cấm đoán của cô hầu gái và chàng chủ giàu có, đẹp trai, phải vượt qua định kiến của xóm giềng, dòng họ. Không lời ca hát, cũng chẳng có giọng thoại nhỏ to nào, tất cả chỉ là thanh âm của nhạc vĩ và dương cầm réo rắt, cùng tiếng giày gõ nhịp rộn ràng giữa ánh đèn màu nhảy múa trên gương mặt đẫm mồ hôi và những thân hình vạm vỡ, sexy phồn thực.
Từng màn, từng lớp, nhảy đôi, ba, bốn, các nghệ sĩ già, trẻ như quên hết mọi lo toan của đời sống thường ngày. Họ chỉ biết nhảy và nhảy, gục đầu lên vai, lên ngực, các cú bẻ twist điêu luyện được tưởng thưởng bằng những tràng vỗ tay vang dội. “Don’t cry for me Argentina! Don’t cry for me Argentina!”. Tất cả im phăng phắc. Giữa sân khấu chỉ còn đốm sáng mờ mịt khói. Cô ca sĩ trơ vơ, cất giọng hát trầm ấm rồi vút cao, như từng lớp sóng dạt dào, vỗ vào lòng người về người nữ anh hùng của dân tộc họ.
Tôi còn đến Costa Rica, Colombia, Chile, Brazil, hay đất nước rẫy đầy tội phạm El Salvador....
Kỷ niệm đẹp ở Ireland
Tôi chưa đọc hết bản nguyên tác Dubliners (Người Dublin**, 1914, của James Joyce) nhưng vẫn ngóng trông được một lần đến đất nước cỏ ba lá ấy. Tôi có một kỷ niệm rất đẹp với Ireland.
Hồi mới qua Mỹ, đi xe buýt tới trường, vốn sợ lạnh nên đứng chờ xe trong gió rét, bão tuyết dày thì không gì có thể kinh hoàng bằng. Mỗi ngày, tôi đều nhìn nụ tầm xuân ven đường, mong cho nó to thêm một chút cũng có nghĩa mùa xuân ấm áp đã gần thêm chút. Và tới ngày lễ của thánh Patrick 17 tháng 3 thì ôi thôi lòng dạ hớn hở. Tới lớp, nhìn người ta mặc áo xanh mà ấm hết cả lòng vì biết rằng chỉ một hai tuần nữa thôi, mùa đông sẽ âm thầm rút lui có trật tự.
Dublin gió. Dublin mưa. Dublin bao phủ bởi mây mù. Tất cả được diễn ra trong vòng chớp mắt. Người Ireland uống bia như nước lạnh vậy. Whisky với họ là một tôn giáo, có cả viện bảo tàng nên không khó để gặp vài anh chàng cao to, mặt đỏ gay ngất ngưỡng giữa đường khi trời sáng.
Dù ngắn ngày, tôi cũng làm quen được với cái tánh.. cà khịa, nói nhiều (dù phải dỏng tai lên mới hiểu nổi ngữ âm) và vô pub ăn bữa sáng có xúc xích, bacon dày khui, kèm trứng và không thể thiếu đậu với một ly bia to gần một lít.
Từ Dublin, tôi ngồi tàu lên Belfast, thủ phủ của Bắc Ireland mà không phải làm thủ tục thông quan. Sau cuộc chia cắt vào năm 1921, hai miền Nam - Bắc không thể nào hoà hợp nhau được nữa. Miền Bắc gia nhập vào Vương Quốc Anh, xài đồng bảng tới tận bây giờ. Thật ra tôi thấy không có sự khác biệt nào về văn hoá, ẩm thực hay tính cách con người giữa hai miền ấy. Khác chăng là thổ âm của miền Bắc nặng gấp đôi miền Nam.
Cuộc hành trình đến trại tập trung Auschwitz có thể nói là một trải nghiệm không thể nào quên được. Từ Budapest (Hungary) tôi bay tới Krakow rất sớm nhưng cũng không bắt được tour cuối cùng của buổi sáng. Cô nhân viên dễ thương chỉ tôi ra trước phi trường để tìm một chiếc taxi nào đó có thể chở tôi đi về trong ngày mà không bị chặt chém.
Đứng lớ ngớ một hồi cũng tìm được một anh chàng nói tiếng Anh khá. Tiếc là anh ta không thể đi xa nhưng giúp tôi gọi một người khác tới. 60 euro cho cả chuyến đi về. Anh taxi bụng phệ đưa tôi danh thiếp. Nick Ivanov và xổ một tràng tiếng Ba Lan bất chấp tôi có hiểu hay không.
Suốt cuộc hành trình, tôi nói tiếng Anh, anh ta nói tiếng Ba Lan, chỗ nào không hiểu thì đưa hình ảnh chỉ chỉ trỏ trỏ, thế mà vẫn tìm được đến nơi và về đúng giờ. Auschwitz có hai trại riêng biệt. Một nơi chủ yếu là lao động khổ sai với đường ray và toà điếm canh nổi tiếng. Bên kia là nơi ăn ở, ngủ nghỉ, trại giam và phòng hơi ngạt. Do không có vé trước nên tôi phải xếp hàng tới hơn một giờ để mua. Sau đó chờ thêm một tiếng nữa mới có tour bằng tiếng Anh.
Vừa nhìn thấy cánh cổng với tấm bảng đề dòng chữ “Lao động là vinh quang”, tim tôi bỗng như thắt nghẹn lại, người bần thần, mắt mờ đi. Tôi được sinh ra sau cuộc chiến, nhưng qua sách báo, phim ảnh, lời kể của người lớn, tôi cũng hình dung ra được sự khốc liệt của nó như thế nào. Tôi sống xứ người, gia đình chia cắt, một nửa ở Mỹ, một nửa ở Việt Nam cũng vì chiến tranh. Nên khi nhìn và nghe về phòng hơi ngạt, lò thiêu, về những cái chết... vẫn thấy lạnh cả sống lưng, ngỡ linh hồn họ vẫn chưa siêu thăng, còn vương trong gió lộng.
Bình luận (0)