Việt Nam có tiềm năng năng lượng xanh

Việt Nam có tiềm năng năng lượng xanh

Phương Thúy
Phương Thúy
19/06/2024 18:53 GMT+7

Lễ công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không diễn ra vào sáng 19.6 đã trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050.

Sáng 19.6, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Cục Năng lượng Đan Mạch tổ chức Lễ công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không. Theo báo cáo, mục tiêu Việt Nam đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn là một kịch bản hiệu quả nhất về chi phí. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, phát thải CO₂ của Việt Nam cần đạt đỉnh vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cần được thực hiện khẩn trương với tốc độ nhanh hơn so với trước đây.

Lễ công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Công thương, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Cục Năng lượng Đan Mạch. Báo cáo lần này là ấn phẩm thứ tư trong chuỗi các Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch.

Báo cáo đã trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, tập trung vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Báo cáo nêu thông điệp Với tiềm năng to lớn về điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, Việt Nam cũng có điều kiện tốt để chuyển đổi ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Việt Nam có thể chuyển đổi xanh hiệu quả về chi phí và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, điện hóa các ngành công nghiệp và giao thông vận tải, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào năng lượng nhập khẩu… Điều quan trọng là cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam để tránh những chi phí lớn không cần thiết.

Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể về cách Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050 và đảm bảo đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Việt Nam có tiềm năng năng lượng xanh- Ảnh 1.

Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Đoàn Ngọc Dương

ĐẠI SỨ QUÁN ĐAN MẠCH TẠI VIỆT NAM

Tại buổi lễ, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Đoàn Ngọc Dương cho biết nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.

Kể từ năm 2013, Chính phủ Đan Mạch và Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác dài hạn trong lĩnh vực năng lượng. Các dự án, chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam về đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững. Vào đầu năm nay, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt cả hai mục tiêu là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đại sứ cho rằng để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, Chính phủ Việt Nam cần thông qua những chính sách tham vọng và các khung pháp lý rõ ràng nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Đại sứ Đan Mạch tin rằng Việt Nam có thể trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi trong khu vực, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.