Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền

Vũ Hân
Vũ Hân
03/12/2018 17:05 GMT+7

Sau khi nộp Báo cáo quốc gia về nhân quyền chu kỳ 3 lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào ngày 22.10, Việt Nam sẽ trình bày và đối thoại về báo cáo này tại Liên hợp quốc vào 22.1.2019.

Tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức ngày 3.12, ông Đặng Hoàng Giang, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, cho biết Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt và nộp lên Hội đồng Nhân quyền vào ngày 22.10.
Theo lịch, Việt Nam sẽ trình bày và đối thoại về báo cáo này trước Hội đồng Nhân quyền vào 22.1.2019, cùng với Chile.
Trong báo cáo được xây dựng rất công phu với sự tham gia của 18 bộ, ngành liên quan và các tổ chức xã hội, phía Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Tại UPR chu kỳ 2 vào năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận 182/227 khuyến nghị nhận được và đến nay đã thực hiện xong 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), cao hơn tỷ lệ 96/123 (78%) của chu kỳ 1 năm 2009.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), để thực hiện các khuyến nghị, Việt Nam đã sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh để nhấn mạnh quyền con người, trong đó có những văn bản hết sức quan trọng như Hiến pháp 2013, bộ luật Hình sự, bộ luật Dân sự...
Về các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước páp luật của mọi công dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và 2 nghị định hướng dẫn thực thi luật cũng đã ra đời để đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ năm 2015 – 2017, cũng đã có 5 cơ sở đào tạo tôn giáo mới được thành lập tại Việt Nam. Việt Nam cũng hiện có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, 50 triệu người dùng internet (chiếm 54% dân số), 58 triệu tài khoản facebook...
Về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, bà Nga cũng “tự hào thông tin” là Việt Nam đã thực hiện 100% khuyến nghị, thậm chí còn vượt lên trên các khuyến nghị, vì đây cũng là những ưu tiên trọng điểm của Việt Nam.
Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 7,69% năm 2017; hơn 1,6 triệu lao động đã được tạo việc làm; 93,4% tỉ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh trong cả nước năm 2016; 570 hộ nghèo nông thôn được hỗ trợ nhà ở. Thực hiện khuyến nghị của Indonesia, Nga... Việt Nam cũng đã trợ cấp cho hơn 1 triệu người khuyết tật nặng, cấp thẻ bảo hiểm cho hơn 800.000 người, trợ cấp cho hơn 80.000 nạn nhân chất độc da cam và con đẻ của họ với mức 232.000 đồng/tháng.
Việt Nam cũng chú trọng đến các khuyến nghị về đảm bảo bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái; đảm bảo quyền trẻ em; hỗ trợ nạn nhân buôn bán người...
Về các khó khăn, thách thức trong thực hiện các khuyến nghị, bà Nga cho biết có những khó khăn chủ quan, khách quan trong việc đảm bảo nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là quyền của các nhóm yếu thế trong xã hội; giáo dục quyền con người và trao đổi thông cần thêm nhiều nỗ lực và thời gian; khuôn khổ pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện và việc cân bằng giữa bảo vệ các giá trị văn hóa, phong tục của cộng đồng với việc bảo đảm chống phân biệt đối xử và phổ cập thụ hưởng quyền con người cũng là một thách thức không nhỏ.
Sau khi trình bày báo cáo và lắng nghe khuyến nghị của các nước vào tháng 1.2019, Việt Nam dự kiến sẽ thông báo các khuyến nghị có thể chấp nhận vào tháng 6.2019.
Về phía Liên hợp quốc, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành báo cáo và khẳng định UNDP sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để triển khai những khuyến nghị này, qua đó góp phần bảo đảm và thúc đẩy ngày các tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam.
Theo Bộ Ngoại giao, kể từ lần rà soát UPR trước (2014), những thành tựu phát triển của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, trong đó có việc hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và đang bước đầu đạt kết quả khả quan trong triển khai các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG); thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng từ 15-20%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017. Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, với trên 50 triệu người dùng internet.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.