Người Mỹ chi hàng chục tỉ USD mua hàng từ VN
Một dữ liệu mới đây được Nikkei Asia trích đăng gây chú ý đối với hàng hóa xuất khẩu VN. Trong quý đầu năm, xuất khẩu của VN sang Mỹ đạt 25,7 tỉ USD, tăng đến 24% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng lớn nhất trong các thành viên ASEAN. Nếu so với các nước trong khu vực thì VN vượt xa Thái Lan (chỉ đạt 12,6 tỉ USD) và Singapore (12 tỉ USD). Tổng xuất khẩu sang Mỹ của khối ASEAN trong quý đầu năm nay đạt 67,2 tỉ USD, vượt hơn 10 tỉ USD so với xuất khẩu sang Trung Quốc (57 tỉ USD).
Người Mỹ đang tăng mua những mặt hàng nào tại VN để đẩy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ đến vậy?
Cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 5, xuất khẩu hàng hóa VN vào thị trường Mỹ đạt trên 9,7 tỉ USD, tăng 8,3% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng, đạt hơn 44,4 tỉ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, thị trường Mỹ đang chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN. Đáng chú ý, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của VN vào Mỹ đều tăng trưởng tốt.
Trong 5 tháng, dẫn đầu là nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch đạt gần 9 tỉ USD, tăng đến 50% so với cùng kỳ năm trước, chiếm trên 20% tỷ trọng xuất khẩu; nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 7,3 tỉ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 16,5%; thứ ba là hàng dệt may đạt 5,6 tỉ USD, chiếm gần 13% tỷ trọng xuất khẩu. Có nhiều mặt hàng tuy không đạt giá trị cao nhưng có tốc độ tăng mạnh trong 5 tháng qua như: sản phẩm từ chất dẻo tăng 43,5%, sắt thép các loại tăng 147%, hạt tiêu tăng 53%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 100%, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 80%, chè tăng 62%.
Theo nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu, nhiều mặt hàng thuộc nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm vốn là thế mạnh của DN nội địa VN cũng tăng trưởng tích cực. Đáng chú ý nhất là các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu đã khởi sắc sau một năm tăng trưởng âm. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỉ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thị trường quan trọng nhất là Mỹ đạt 635,5 triệu USD, tăng đến 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong nhóm 5 thị trường quan trọng nhất của ngành thủy sản VN, Mỹ cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN), chia sẻ: Trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều khó khăn thì tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ là điều rất đáng mừng. Nó sẽ tạo đà cho 6 tháng then chốt cuối năm và hy vọng những tín hiệu lạc quan có thể kéo dài. Tuy nhiên, hiện tại cộng đồng DN thủy sản cũng theo dõi sát các diễn biến thị trường để có thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chiến lược kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều DN dệt may cho biết khác với tình hình ảm đạm đơn hàng trong năm 2023, sang năm 2024, thị trường xuất khẩu dệt may từng bước khởi sắc rõ rệt. Đến nay, đa số DN đều có đơn hàng làm hết quý 3, thậm chí có một số mặt hàng đã ký hợp đồng làm đến tết dương lịch.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, cho biết đơn hàng xuất khẩu thì không đáng lo ngại, đa số có nguồn đơn hàng khá dồi dào, đủ để phân bố công việc ổn định từ nay đến cuối năm. Tuy vậy, có một vấn đề là năm 2023, với hàng xuất khẩu dệt may, không những đơn hàng giảm mà đơn giá cũng giảm. Nay đơn hàng đã quay trở lại, nhưng giá thì chưa thể như mong muốn. Nhiều DN chọn giải pháp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu riêng để tiếp cận thị trường xuất khẩu. Giải pháp thứ hai là đổi mới công nghệ, tăng năng suất, bù đắp cho chi phí đầu vào. Ông Thân Đức Việt cho biết công ty liên tục cải tiến công nghệ để năng suất tăng, giúp giảm giá thành, cạnh tranh về giá, chất lượng với các thị trường khác khi đưa hàng vào Mỹ.
Tiềm năng còn rất lớn
Công ty CP Phúc Sinh là một trong những điển hình về thành công trong xuất khẩu sang Mỹ. Mỗi năm, DN xuất khẩu khoảng 1.200 container các mặt hàng cà phê, hồ tiêu sang nước này với doanh số ước khoảng 60 triệu USD. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh, chia sẻ: Khách hàng Mỹ thường mua số lượng rất nhiều, từ 10 - 20 container/lần. Trong khi đó, giá nông sản luôn có sự biến động lớn, đặc biệt năm nay là giá cà phê, tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Như vậy, cà phê xuất khẩu sang thị trường Mỹ với số lượng rất lớn, đồng nghĩa với rủi ro lớn. Nếu không kiểm soát tốt, DN sẽ chịu thua lỗ lớn và có nguy cơ phá sản.
Tuy vậy, ông Thông quả quyết: "Tôi chưa bao giờ nghĩ một thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ lại khiến nhà xuất khẩu mặt hàng tốt, có cơ hội phát triển cao tại thị trường này lại phá sản được. Kinh nghiệm của tôi tại thị trường này khá đơn giản, đi đến trực tiếp, gặp trực tiếp, trao đổi để hiểu tận cùng vấn đề, nhu cầu, mong muốn… Qua đó, có cơ hội giới thiệu đến họ nhiều hơn những container hàng kia".
Các chuyên gia cho rằng xu hướng xuất khẩu nói trên phản ánh việc Mỹ tăng cường mua chất bán dẫn và linh kiện điện tử từ ASEAN. Ngoài ra, những con số trên cũng phản ánh xu hướng các công ty Mỹ đang muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các nước ASEAN. Riêng giữa VN và Mỹ, nền kinh tế có tính hỗ trợ lẫn nhau. VN xuất khẩu điện thoại thông minh, hàng điện tử, nông, lâm, thủy sản, đồ gỗ, dệt may với giá cạnh tranh và tiềm năng xuất khẩu của VN sang thị trường Mỹ còn rất lớn, mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Việc Mỹ tăng nhập khẩu hàng hóa từ VN là tín hiệu tích cực khi VN ngày càng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Đáng nói, nhiều chính sách của Mỹ đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa của VN. Trong đó, quan trọng nhất là chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy trong năm 2023, điện thoại thông minh từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đã giảm 10% trong khi mặt hàng này được nhập khẩu từ Ấn Độ tăng gấp 5 lần, hay như máy tính xách tay từ VN sang Mỹ tăng gấp 4 lần.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng các DN Mỹ đang tìm kiếm nguồn cung thay thế cho hàng hóa Trung Quốc từ sau khi chính quyền thời Tổng thống Donald Trump áp thuế nhập khẩu lên rất nhiều mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục duy trì các mức thuế cao với hàng Trung Quốc. Đặc biệt, từ ngày 1.8 tới, Mỹ tiếp tục duy trì các mức thuế quan đối với 18 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc gồm thép, nhôm, bán dẫn, ô tô điện, khoáng sản, pin mặt trời… Trong đó, nhiều sắc thuế được tăng hơn so mức cũ, riêng thuế nhập khẩu ô tô điện từ Trung Quốc tăng gấp 4 lần, lên trên 100%, tăng gấp đôi thuế linh kiện bán dẫn lên 50%...
Chuyên gia Võ Trí Thành nói cơ hội cho hàng hóa VN vào Mỹ luôn lớn. Tuy vậy, có một số xu thế thay đổi đặt ra với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này. Đó là sự xanh hóa, số hóa và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư, thương mại. Ông khuyến nghị DN cần đặc biệt chú trọng các vấn đề quản trị rủi ro, tận dụng cơ hội và bắt kịp các xu thế. Năm 2023, dù chịu nhiều tác động do suy giảm kinh tế, lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, nhưng người Mỹ cũng chi cả trăm tỉ USD để mua hàng hóa từ VN. Nay với việc hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và đặc biệt tìm kiếm hợp tác trong ngành bán dẫn, năng lượng gió…, chắc chắn hàng hóa VN xuất đi Mỹ có cơ hội tăng trưởng tốt hơn nữa.
"Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và ưu tiên thị trường ASEAN, trong đó có VN như một trung tâm sản xuất xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị của các tập đoàn. Tuy vậy, điều cần hết sức lưu ý là việc trừng phạt áp thuế phòng vệ thương mại từ thị trường này nếu họ thấy có gì đó nghi ngờ. DN xuất khẩu cần chú trọng việc lưu trữ hồ sơ hàng hóa, xuất xứ, dữ liệu… để nếu có vấn đề gì, vẫn có thể đàng hoàng đĩnh đạc trao đổi và cung cấp khi cần…", ông Thành lưu ý.
Bình luận (0)