Theo báo cáo này, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về chỉ số tinh thần khởi nghiệp và thứ 1 về thái độ tích cực đối với tiềm lực của bản thân trong số gần 49.000 người tham gia khảo sát ở 44 quốc gia. Đây là lần thứ 8 Tập đoàn Amway phối hợp cùng Trường Đại học hàng đầu nước Đức - Technische Universitat Munchen (TUM), công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK) thực hiện báo cáo này, và là năm thứ 3 có mặt Việt Nam trong báo cáo.
Báo cáo về tinh thần khởi nghiệp 2018 (AGER 2018) với chủ đề “Yếu tố thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp” kiểm tra các khía cạnh ngoại và nội tại của tinh thần khởi nghiệp: những trở ngại về tài chính và rủi ro tài chính, dịch vụ cá nhân có giá trị hơn kỹ thuật số. Trong đó, Việt Nam giữ vững vị trí số 1 về chỉ số tinh thần khởi nghiệp với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp như là nghề nghiệp đáng ao ước. Vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia và Nam Phi.
Tài chính và rủi ro tài chính
Điểm nổi bật của kết quả AGER 2018 chỉ rõ nguy cơ thất bại và triển vọng được đầu tư là những trở ngại chính cho người khởi nghiệp tiềm năng. Trong đó, chỉ số của Việt Nam luôn nằm ở vị trí top đầu bảng khảo sát:
- Có đến 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi bắt đầu khởi nghiệp. Trong khi chỉ số trung bình của thế giới chỉ ở mức 47%
- 89% người Việt Nam được hỏi tin rằng mình có thể triển khai thực hiện và phát triển ý tưởng kinh doanh của riêng mình, so với con số trung bình của thế giới là 52%
- 78% biết cách gây quỹ cho ý tưởng kinh doanh của mình. Chỉ số này trên thế giới chỉ có 38%.
Chăm sóc khách hàng vẫn là vấn đề đáng quan tâm
76% người Việt được hỏi trả lời rằng họ quan tâm đến mảng “chăm sóc khách hàng trực tiếp”. Trong khi đó chỉ có 24% người được hỏi quan tâm đến mảng “chăm sóc khách hàng qua nền tảng kỹ thuật số”. Con số này đối nghịch giữa thời đại công nghệ, thương mại điện tử phát triển từng ngày như hiện nay.
Đáng chú ý hơn là 76% người quan tâm đến việc tương tác trực tiếp với khách hàng có độ tuổi dưới 35. Điều đó chống lại những nhận định về việc những người trẻ ưa thích tương tác ảo trên mạng xã hội hơn tương tác trực tiếp. Con số này cũng chỉ rõ chăm sóc khách hàng trực tiếp vẫn được đánh giá cao trên toàn thế giới.
Kết quả của AGER 2018 đã chỉ rõ: giảm rủi ro và gánh nặng tài chính, đầu tư vào dịch vụ cá nhân là những phương diện có thể được sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, doanh nhân trong cộng đồng kinh tế thế giới.