Theo trình tự luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, năm 2023, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM), đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 và các phiên họp liên quan của ACDM, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (AHA)...
Việc đăng cai tổ chức diễn đàn lớn về quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN là nghĩa vụ của Việt Nam, đồng thời là cơ hội để chủ động dẫn dắt, nâng cao hiệu quả, vị thế và thể hiện vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai nói riêng và trong xây dựng cộng đồng ASEAN nói chung.
“Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu - ASEAN hướng đến mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai” là chủ đề do Việt Nam đề xuất và được cơ quan quản lý thiên tai của các quốc gia ASEAN thống nhất lựa chọn cho hợp tác khu vực về quản lý thiên tai năm 2023.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết từ đầu năm đến nay, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN, AHA, các đối tác ASEAN cùng với các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai và huy động các nguồn lực để thực hiện các hoạt động quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp trong năm.
Theo ông Luận, từ ngày 12 - 20.2, tại TP.Đà Nẵng, Việt Nam đã phối hợp với AHA tổ chức đào tạo đội đánh giá và ứng phó khẩn cấp thiên tai ASEAN (ASEAN - ERAT) cho các cán bộ phòng, chống thiên tai của 10 nước thành viên ASEAN.
Đây là một trong những cơ chế hợp tác mang tính hành động thiết thực trong khu vực. ASEAN - ERAT được thành lập theo sự đồng thuận của 10 nước ASEAN để tăng cường khả năng sẵn sàng và năng lực của các nước thành viên, đảm bảo ứng phó nhanh, đồng bộ, thống nhất trong nội khối, phát huy sức mạnh tổng hợp của khu vực trong việc hỗ trợ nước thành viên bị ảnh hưởng bởi thảm họa, thiên tai. Các thành viên của các đội ASEAN - ERAT luôn là nòng cốt trong các hoạt động cứu trợ, ví dụ như cứu trợ tại Myanmar sau bão MOCHA vừa rồi.
"Để chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống thiên tai cũng như các thành tựu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai với các nước trong khu vực, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch tổ chức một số cuộc hội thảo, diễn đàn chuyên môn và tham quan thực tế cho đại diện các cơ quan phòng, chống thiên tai trong khu vực trọng điểm cũng như các công trình phòng, chống thiên tai lớn, quan trọng tại Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL", ông Luận nói.
Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương trước thiên tai nhất trên thế giới. Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc về châu Á - Thái Bình Dương, các thảm họa thiên nhiên bao gồm lũ lụt, bão, nắng nóng, hạn hán, thậm chí là động đất và sóng thần đã làm các quốc gia trong khu vực chịu thiệt hại kinh tế trung bình hàng năm lên tới 86,5 tỉ USD.
Theo thống kê từ năm 2012 - 2020, ít nhất 2.916 thảm họa, thiên tai đã xảy ra tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có một số trận quy mô lớn như bão Bopha (2012) ở Philippines; bão Haiyan (2013) ở Philippines; động đất và sóng thần miền Trung Sulawesi (2018) ở Indonesia; bão Mangkhut (2018) ở Philippines và bão Damrey (2017) ở Việt Nam…
Đứng trước bối cảnh này, hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong quản lý thiên tai đã trở thành một điểm sáng nổi bật trong sự hợp tác, cam kết đa ngành, đa lĩnh vực trong khu vực, cũng như với các đối tác ngoài khu vực. Giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN nhằm đạt được mục tiêu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030.
Bình luận (0)