Đưa thuốc mới vào bảo hiểm y tế chi trả
Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2025 với hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhà tài trợ, Cục sẽ đánh giá về HIV kháng thuốc tại VN. Hiện bệnh nhân HIV/AIDS kháng thuốc gặp ở nhóm điều trị phác đồ bậc 1.
Tại VN, ở nhóm người lớn, có 9% đang sử dụng thuốc phác đồ bậc 2 là do thất bại khi điều trị phác đồ bậc 1, tới đây sẽ đánh giá tiếp để xác định những người đang sử dụng phác đồ bậc 2 có tình trạng kháng thuốc xảy ra hay không.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, từ năm 2008, VN đã triển khai chương trình dự phòng giám sát HIV kháng thuốc với hướng dẫn của WHO, và hiện vẫn đang theo dõi, quản lý các hoạt động cảnh báo sớm về kháng thuốc với bệnh nhân HIV/AIDS đang sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV).
Theo các dữ liệu tại VN năm 2017 - 2020, tỷ lệ HIV kháng thuốc mắc phải (trong quá trình điều trị ARV thì gặp phải tình trạng kháng thuốc) tại VN thấp. Năm 2020, tỷ lệ HIV kháng thuốc sau 12 tháng là 2,5%; sau 36 tháng là 4,6%; sau 48 tháng là 3,4%.
Vi rút HIV có gien đột biến kháng thuốc, chủ yếu rơi vào nhóm sử dụng phác đồ điều trị bậc 1, không ghi nhận kháng thuốc ở nhóm dùng phác đồ bậc 2 cũng như chưa có trong nhóm đang sử dụng phác đồ bậc 3.
Về thuốc mới điều trị HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết luôn cập nhật phác đồ mới của WHO và đã đưa thuốc mới vào bảo hiểm y tế chi trả. Hiện trong 183.000 bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV tại VN, có hơn 82% đang sử dụng thuốc mới.
Ngoài ra, với thuốc PrEP tiêm (là loại thuốc kháng vi rút ARV để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao nhưng chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV lên đến 99%), hiện chưa có tại VN, để đưa vào sử dụng, thuốc này cần đăng ký lưu hành tại VN. Cục Phòng chống HIV/AIDS đã làm việc với các nhà tài trợ để thí điểm sử dụng tại VN. Kết quả thí điểm là bằng chứng để triển khai tại VN.
Thuốc PrEP tiêm có tác dụng kéo dài phòng ngừa HIV được sử dụng bằng cách tiêm 2 tháng một lần, trong khi viên uống cần sử dụng hằng ngày. Hiện thuốc PrEP sử dụng tại VN là loại viên uống hằng ngày.
Mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS
Tại VN, kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 có địa chỉ ở TP.HCM, cả nước hiện có khoảng 267.000 người đang sống chung với HIV, tại 100% tỉnh thành.
Trong 9 tháng năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Trong số phát hiện mới, 82,9% là nam giới, từ 15 - 29 tuổi chiếm 40% và 30 - 39 tuổi chiếm 27,3%. Chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới: 42,2%.
Các giám sát cho thấy hình thái lây nhiễm HIV tại VN thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính, khi tăng từ 47,5% (năm 2010) lên 70,8% (tháng 9.2024).
VN đặt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS trước năm 2030. Kết thúc dịch bệnh không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà đảm bảo rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với các tiêu chí như: số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca/năm và tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%.
Sáng 29.11, phát biểu tại mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh AIDS (1.12), Phó thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, cho biết VN đã đạt được mục tiêu giảm số người nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. VN đã cùng cộng đồng quốc tế thông qua tuyên bố chính trị với mục tiêu: "Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030".
Phó thủ tướng Lê Thành Long đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác phòng chống HIV/AIDS.
Bình luận (0)