Chiều nay 18.9, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội nghị các đối tác phát triển ngành khí tượng thủy văn. Hội nghị có sự tham dự của nhiều đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực khí tượng đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có các đối tác truyền thống như Phần Lan, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Vương quốc Anh và Ngân hàng Thế giới.
Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho rằng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là nhu cầu tất yếu, khi đây là lĩnh vực không biên giới. Để giảm bớt thiệt hại và rủi ro do thiên tai, bên cạnh những nỗ lực của mỗi quốc gia, đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trên toàn thế giới, thông qua các hoạt động tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ sản phẩm dự báo và số liệu quan trắc, trao đổi chuyên môn, kiến thức về thay đổi và biến đổi khí hậu…
|
Theo ông Thái, chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đến năm 2020 đang có những kết quả rõ nét. Trong đó, mạng lưới 10 ra đa hiện đại đã được trang bị, mạng lưới định vị sét hoàn chỉnh 18 trạm trên cả nước, hệ thống tích hợp dữ liệu, hệ thống siêu máy tính đang được hoàn thiện đi vào vận hành...
Tuy nhiên, để đáp ứng được những yêu cầu về phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường thì ngành khí tượng thủy văn còn cần đầu tư nhiều hơn nữa cho giai đoạn 10 - 20 năm tới.
Chìa khóa để giảm thiệt hại do thiên tai
Tại hội nghị, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, bà Stefanie Stallmeister, cho rằng mỗi năm Việt Nam mất đi 1% GDP do thiệt hại từ thiên tai gây ra. Theo đó, đầu tư vào hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai cần được ưu tiên vì đây sẽ là chìa khóa để giảm bớt thiệt hại về con người và tài sản do thiên tai. Đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực của thiết bị, công nghệ dự báo, cảnh báo.
Ông Antonino Tedesco, Phó đại sứ Ý tại Việt Nam, cho rằng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức với công tác dự báo của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, một trong những quốc gia hứng chịu tác động nặng nề nhất. Tại Việt Nam, các hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan xuất hiện này càng nhiều, là một thách thức lớn nên cần có sự đầu tư mạnh mẽ để nâng cấp thiết bị, công nghệ và đào tạo nhân sự, chuyên gia cho công tác dự báo, cảnh báo.
Tại hội nghị, Việt Nam đề xuất sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác quốc tế với nhiều dự án đầu tư của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, có dự án trọng điểm tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; dự án tối ưu hệ thống tích hợp, hỗ trợ cảnh báo sớm của ngành khí tượng; dự án hiện đại hóa công nghệ quan trắc, phục vụ thu thập dữ liệu phục vụ dự báo cho khu vực Tây Bắc; dự án tăng cường năng lực quan trắc khí tượng trên cao và mạng lưới khí tượng nông nghiệp phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam…
Tổng kinh phí dự án kêu gọi tài trợ của các tổ chức quốc tế cũng như kinh phí đối ứng dự kiến lên tới trên 250 triệu USD.
Bình luận (0)