Việt Nam độc lập, tự cường qua năm tháng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
31/08/2020 06:23 GMT+7

Trưng bày Việt Nam - Độc lập, tự cường khai mạc sáng 30.8 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) là hoạt động do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT-TT và Bộ VH-TT-DL tổ chức.

Trưng bày kể câu chuyện đất nước từ những năm đen tối tới khi độc lập và sau đó là thống nhất, xây dựng cho đến ngày nay.
“Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố với chính phủ các nước trên thế giới rằng: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ trên thế giới”, những dòng tuyên bố này với chính phủ các nước trên thế giới năm 1950 được nhấn màu nền đậm hơn trong trưng bày Việt Nam - Độc lập, tự cường.
Với hơn 200 tài liệu, hình ảnh tiêu biểu, trưng bày có 5 phần. Phần 1: Đường tới độc lập tự do, điểm lại các mốc lịch sử của cách mạng Việt Nam từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược 1858 đến Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Phần 2: Kháng chiến kiến quốc, thể hiện giai đoạn khó khăn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, những đối sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng T.Ư Đảng và Chính phủ nhằm giải quyết nạn đói, nạn dốt, chống thù trong giặc ngoài để giữ tự do, độc lập. Phần 3: Xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khói lửa chiến tranh, cho thấy hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Phần 4: Xây dựng lại đất nước và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, điểm lại những thành quả đất nước đạt được, trong đó có cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc. Phần 5: Đổi mới, hội nhập và phát triển, cho thấy bước ngoặt Đổi mới đã thay đổi vị thế đất nước. 
Xuyên suốt trưng bày là hình ảnh Việt Nam luôn muốn xây dựng quan hệ hòa bình, xây đắp dân chủ trên thế giới. Đồng thời người dân cũng luôn cùng Đảng, Nhà nước, cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua những giai đoạn khó khăn. Trưng bày, vì thế, có hình ảnh của Tuần lễ vàng khi các nhà hào phú, công thương và nhiều tầng lớp nhân dân xếp hàng lên lễ đài đóng góp vàng vào Quỹ Độc lập tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1945. Trưng bày cũng có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) năm 1955. Khi đó, Người nhắc nhở cán bộ, công nhân ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam. Những hình ảnh của các phong trào thi đua với Trường Bắc Lý (Hà Nam), hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình)... cũng được giới thiệu tới công chúng.
Bên cạnh trưng bày Việt Nam - Độc lập, tự cường, Bảo tàng Hồ Chí Minh kết hợp với Hội Tem Việt Nam trưng bày sưu tập tem có chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” với hàng ngàn mẫu tem và vật phẩm bưu chính. Trong số này, có bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa in năm 1946. 
“Phó chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng ký sắc lệnh 173 ngày 27.8.1946 để phát hành bộ tem gồm 5 mẫu có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ tem do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế, in bằng giấy mực và công nghệ Việt Nam”, ông Vũ Văn Tỵ, cố vấn BCH Hội Tem Việt Nam, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.