Georg Chmiel hiện là Chủ tịch điều hành của công ty truyền thông và bất động sản Juwai IQI, kiêm Chủ tịch của mạng lưới cổng thông tin xe hơi iCar Asia hiện được niêm yết tại thị trường chứng khoán Úc (ASX).
Theo Georg Chmiel, thông thường các quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ được mọi người chú ý hơn cả do quy mô nền kinh tế của họ. Nhưng đối với các công ty mới thành lập (các công ty khởi nghiệp hay còn gọi là startup) thì Đông Nam Á mới là nơi để họ phát động mọi thứ.
Theo đó, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia đang sở hữu sự kết hợp lý tưởng giữa tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số, độ tuổi lao động, mức độ đầu tư và nhiệt huyết doanh nhân để biến họ thành những quốc gia đóng vai trò quan trọng trên thế giới cho các công ty khởi nghiệp. Các thị trường này là đều là 4 trong số các thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trung bình là 5,3%, trong đó Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, lên tới 7,1% trong năm 2018.
Những quốc gia này có dân số đủ lớn và phần đông là giới trẻ, tạo ra một thị trường có tổng dân số hơn 460 triệu người và 2/5 trong số đó là những người trẻ dưới 25 tuổi đi theo định hướng công nghệ. Đây là một phần lý do tại sao các nền kinh tế internet ở 4 quốc gia này đang phát triển nhanh chóng. Theo các nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Company, mức tăng trưởng kinh tế internet của Indonesia lên tới 49% mỗi năm kể từ năm 2015, ngay cả Malaysia nằm ở mức thấp hơn trong khu vực cũng tăng tới 20% hằng năm, một con số nổi bật khi so sánh với các nước khác trên thế giới.
"Một người vì mọi người"
Các mô hình kinh doanh hoạt động tốt ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam hoặc Malaysia thường sẽ được chuyển giao cho các quốc gia khác trong khu vực. Điều đó không có nghĩa là bạn có thể đánh giá thấp quy mô của các công ty địa phương. Chẳng hạn, công ty khởi nghiệp kỳ lân Gojek của Indonesia đang mở rộng thông qua các nhóm “sáng lập địa phương” và các tên thương hiệu riêng tại các quốc gia khác nhau, ở Việt Nam họ lấy tên Go Viet.
Nhưng trong cả bốn nền kinh tế, các công ty khởi nghiệp đang giúp giải quyết các vấn đề phổ biến đối với dân số của họ. Từ việc dư thừa lực lượng lao động nhàn rỗi cho đến việc mang các dịch vụ tài chính đến với các ngân hàng trước đây chưa được hỗ trợ, hoặc giúp người nông dân có được mức giá tốt hơn cho các sản phẩm nông nghiệp của họ. Nó cũng giúp phục vụ thị trường trung lưu đang phát triển nhanh chóng về giải trí, giao hàng, du lịch và hàng tá dịch vụ khác.
Theo ông Duco van Breemen, Tổng giám đốc của trung tâm khởi nghiệp Haymarket HQ có trụ sở tại Sydney (Úc), “nếu bạn đang phát triển công ty ở ở bất kỳ một trong số các quốc gia này, bạn có thể sử dụng các kênh tiếp thị tương tự để mở rộng sang các quốc gia khác”. Với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực này, ông đã tư vấn cho hàng trăm nhà sáng lập trong khu vực.
Theo Breemen, nếu doanh nghiệp của bạn được đặt tại một trong những quốc gia này, bạn cũng có thể nhận được sự trợ giúp trị giá ít nhất 50.000 USD/năm cho một công ty khởi nghiệp trong giai đoạn đầu. Các chính quyền địa phương ở đây đang ráo riết khích lệ các công ty khởi nghiệp qua thị trực, tài trợ và miễn phí không gian làm việc cũng như các chương trình kết nối mạng.
Trung tâm kỹ thuật số của Malaysia là một ví dụ, họ cung cấp thị thực miễn phí hoặc hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ đăng ký công ty và các thủ tục khác như ngân hàng, nhà ở và kết nối với các cố vấn nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà sáng lập nước ngoài để phát triển các doanh nghiệp địa phương. Các quốc gia còn lại cũng có những nỗ lực tương tự, từ các hội thảo và các chương trình vườn ươm sáng tạo đã góp phần thúc đẩy các công ty khởi nghiệp thành công trong thị trường rộng lớn của mình.
Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng
Theo báo cáo năm 2019 của StartupBlink, nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhờ sự chuyển dịch đầu tư của các công ty "nhảy" từ Trung Quốc sang do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trong đó có các nhà máy lắp ráp của Apple và Google.
Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 7,2% trong năm tài khóa 2019 khi các nhà sản xuất thế giới bắt đầu chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh chi phí và thuế quan cao hơn ở Trung Quốc. Thành phố cảng phía bắc là Hải Phòng hiện có ít nhất 90 công ty có vốn đầu tư lớn của quỹ đầu tư Greater China Captital, nơi đây đã chứng kiến tổng sản phẩm quốc nội tăng lên tới 16% chỉ tính riêng trong năm 2019.
Việt Nam hiện có dân số lớn 95 triệu người có sự đam mê mạnh mẽ đối với công nghệ và tinh thần kinh doanh cao. Ví dụ câu chuyện của lập trình viên Nguyễn Hà Đông tại Hà Nội. Năm 2013, Đông đã tạo ra trò chơi Flappy Bird lập kỷ lục trên kho ứng dụng Apple App Store về lượt tải xuống trong một tháng. Đến mức, gần đây trang công nghệ CNET đã đưa Flappy Bird vào top 25 ứng dụng quan trọng nhất trong thập kỷ qua, bên cạnh những ứng dụng phổ biến toàn cầu như Twitter, Facebook và Google Maps.
Nhờ những câu chuyện thành công thú vị như vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vào năm 2018 và 2017 đã thu hút gấp 3 lần các khoản đầu tư so với trước đó, đạt gần 900 triệu USD. Tạo ra những cơ hội lớn trên thị trường, theo một cuộc khảo sát gần đây, đã có tới 120 công ty Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực fintech (khởi nghiệp về công nghệ tài chính). Trong khi thị trường thanh toán di động tại đây cũng có thể tăng trưởng tới 18% mỗi năm và ước tính cán mốc 71 tỉ USD vào năm 2025.
Với những lý do nêu trên, cho dù bạn chọn Indonesia, Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam hoặc chọn mở rộng công ty trên tất cả các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á này, Chmiel tin rằng tất cả đều cung cấp môi trường tăng trưởng tốt nhất thế giới hiện nay cho các công ty khởi nghiệp.
Bình luận (0)