Việt Nam là một trong những nơi tiên phong nghiên cứu ứng phó biến đổi khí hậu

Quý Hiên
Quý Hiên
07/11/2018 19:36 GMT+7

Theo GS Mai Trọng Nhuận (Đại học Quốc gia Hà Nội), có thể xem Việt Nam là một trong những nơi tiên phong mở đường đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững.

Chiều 7.11, tại Đại học quốc gia Hà Nội, ban tổ chức Diễn đàn Hà Nội 2018 có buổi trao đổi nhằm giới thiệu với báo giới về những nội dung và lịch trình hoạt động này, dự kiến tổ chức từ ngày 8 - 10.11, tại Hà Nội. Theo GS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng đảm bảo chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội, trọng tâm thảo luận của diễn đàn là Hướng đến phát triển bền vững - Ứng phó với biến đổi khí hậu để đảm bảo bền vững và an ninh.
GS Mai Trọng Nhuận nhận định, có thể xem Việt Nam là một trong những nơi tiên phong mở đường đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững, không chỉ với khu vực mà trong phạm vi toàn cầu, trong đó các hoạt động đào tạo nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội là một minh chứng tiêu biểu.
“Đại học Quốc gia Hà Nội là tổ chức đào tạo, nghiên cứu đầu tiên của châu Á xây dựng, tổ chức đào tạo chương trình thạc sĩ biến đổi khí hậu. Trước yêu cầu thực tiễn của Việt Nam là không chỉ ứng phó với biến đổi khí hậu mà quên đi sự phát triển thì Trường đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội lại tiếp tục mở mã ngành thạc sĩ mới là Biến đổi khí hậu gắn liền với phát triển, tiếp tục trở thành nơi đầu tiên của châu Á mở đào tạo thạc sĩ mã ngành này", GS Mai Trọng Nhuận nói.
Đại học Quốc gia Hà Nội, theo GS Mai Trọng Nhuận, cũng là nơi đầu tiên của châu Á có chương trình thạc sĩ về Quản trị an ninh phi truyền thống, nơi đầu tiên của Đông Nam Á tổ chức đào tạo chương thạc sĩ Khoa học bền vững. Các chương trình nói trên đều được tổ chức đào tạo tại Trường đại học Việt Nhật.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có 2 đề tài khoa học cấp nhà nước về phát triển bền vững. Một nghiên cứu tại Tây Nam bộ (do Đại học Quốc gia TP.HCM chủ trì), một nghiên cứu tại Tây Bắc (do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì). Các đề tài này tuy không chỉ nghiên cứu về biến đổi khí hậu nhưng áp dụng đầy đủ các cách tiếp cận nguyên lý của khoa học bền vững để phát triển bền vững cho những vùng được gọi là khó khăn bậc nhất của Việt Nam.
Diễn đàn Hà Nội 2018 khuyến khích những nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, kết hợp khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Diễn đàn là sáng kiến của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các đơn vị phối hợp tổ chức diễn đàn gồm: Quỹ Giáo dục cao học Hàn Quốc, Tập đoàn SK (Hàn Quốc), Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Khoa học - Công nghệ, UBND thành phố Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, như: bà Helen Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc UNDP; ông Stephen P. Groff, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK (Hàn Quốc); ông Youba Sokona, Phó chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC)…
Ban tổ chức cũng mời thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham dự phiên khai mạc và các phiên thảo luận của diễn đàn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.