Bài viết có tít How Vietnam has become one of Asia's fastest growing markets with new multiplexes, a movie-hungry audience & vibrant local film biz (tạm dịch Làm thế nào VN trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á với các cụm rạp chiếu mới, lượng khán giả yêu thích phim và nền điện ảnh nội địa sôi động) của tác giả Liz Shackleton mở đầu bằng thông tin về loạt phim chiếu Tết Nguyên đán 2024.
Cô viết: "Tết Nguyên đán là giai đoạn quan trọng ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, nhưng không nơi nào năm nay cạnh tranh gay gắt như ở VN, nơi một số phim nội chen chân với phim Nhật và Hollywood trong kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần (từ 9 đến 15.2).
Mai của Trấn Thành chiến thắng rõ ràng tại thời điểm viết bài, đang đứng đầu phòng vé với doanh thu 400 tỉ đồng (16,4 triệu USD). Phim có khả năng phá vỡ kỷ lục Nhà bà Nữ cũng của Trấn Thành, phát hành vào thời điểm này năm ngoái. Đây là bộ phim có doanh thu cao nhất từ trước đến nay ở VN với 476 tỉ đồng (19,4 triệu USD).
Gặp lại chị bầu của Nhất Trung đứng thứ hai với 72 tỉ đồng (3 triệu USD). Hai bộ phim nội khác cũng khởi chiếu vào ngày 10.2 là Sáng đèn của Hoàng Tuấn Cường và Trà của Lê Hoàng đã rút lui khỏi rạp sau vài ngày vì doanh thu thấp. Cùng mở màn trong giai đoạn này là phim hoạt hình Nhật Bản Gia đình x Điệp viên mã: Trắng, tiếp theo là các phim Mỹ Madame Web, Argylle: Siêu điệp viên…
Lịch phát hành dày đặc kể trên phản ánh một thị trường sôi động, chứng kiến sự phục hồi xuất sắc sau đại dịch. Đây là sự phục hồi nhanh thứ hai ở châu Á sau Ấn Độ cùng với ngành công nghiệp điện ảnh trẻ nhưng năng động".
Tăng trưởng ổn định
Theo Liz Shackleton, doanh thu phòng vé VN tăng trưởng ổn định 10% hằng năm trước đại dịch, vượt qua Thái Lan. Năm ngoái, doanh thu phòng vé Việt từ 1.100 rạp đạt 150 triệu USD, tương đương khoảng 90% mức trước đại dịch. "Không hề tệ đối với một thị trường mà năm 2010 chỉ có 90 rạp chiếu và doanh thu hằng năm dưới 15 triệu USD", tác giả bài viết nhận định.
Một trong những yếu tố lớn nhất thúc đẩy sự tăng trưởng này là việc xây dựng hệ thống phát hành phim do các nhà đầu tư Hàn Quốc CJ CGV và Lotte Entertainment thực hiện, cùng với các hãng phim trong nước như Galaxy Cinema và BHD Star Cineplex. Gần đây, VN có thêm sự xuất hiện của các chuỗi rạp chiếu phim mới, như Beta Cinemas, Cinestar cung cấp giá vé thấp hơn dành cho sinh viên và khán giả có thu nhập trung bình.
Bài viết cho biết CJ ENM và Lotte của Hàn Quốc cũng tích cực tài trợ sản xuất, phân phối phim Việt. CJ ENM với các phim như Mai, Nhà bà Nữ, Lotte Entertainment với các tựa phim Hai Phượng, Người vợ cuối cùng.
Khán giả trẻ quyết định thị trường
Liz Shackleton dẫn lời giám sát phát hành CJ HK Entertainment (CJ ENM) Nguyễn Tuấn Linh: "Khán giả xem phim rất trẻ, ước tính có tới 80% là dưới 25 tuổi. Vì vậy, nhóm tuổi đó về cơ bản đang quyết định thị hiếu của thị trường phim nội địa cũng như phim ngoại nhập".
Justin Kim, Giám đốc sản xuất phim quốc tế của CJ ENM, nói với Liz Shackleton đây là đối tượng khán giả khó tính: "Họ rất tích cực hoạt động trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, Instagram và sẽ phản ứng nhanh chóng nếu phim hay hoặc dở".
Tác giả Shackleton nhận định, hiện tại khán giả trẻ thích phim nội hơn phim ngoại. Giám đốc điều hành ProductionQ Nguyễn Hoàng Quân, người cùng với đạo diễn Trần Hữu Tấn thực hiện phim kinh dị thành công về doanh thu Kẻ ăn hồn, giải thích công ty đạt được thành công lớn qua những câu chuyện bắt nguồn từ văn hóa và truyền thống dân gian địa phương, cũng như chuyển thể từ tiểu thuyết của các nhà văn trẻ có lượng độc giả đông đảo thuộc thế hệ Z.
Tác giả bài viết nhận định: "Về lâu dài thị trường có thể đạt 200 triệu USD doanh thu phòng vé trong vòng vài năm tới".
Bình luận (0)