Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20: Cụ Phan Châu Trinh hội kiến với Đề Thám

01/06/2022 06:27 GMT+7

Vào nửa sau thế kỷ 19, hầu hết những cuộc kháng Pháp diễn ra rời rạc ở khắp các vùng miền, dễ dàng bị giặc thanh toán từng khu vực một như người ta bẻ gãy từng chiếc đũa trong bó đũa.

Sang thế kỷ 20, trình độ dân trí của người Việt đã có những tiến bộ nhất định, công cuộc kháng Pháp cũng chuyển sang những hình thái mới phù hợp hơn với điều kiện xã hội trong và ngoài nước lúc bấy giờ.

“Linh hồn” của phong trào Đông du

Những năm đầu thế kỷ 20, với sự vận động, cổ xúy của các nhân sĩ, trí thức, nhiều phong trào cách mạng bùng lên, lấy mục tiêu khai dân trí và đấu tranh chính trị làm phương châm, nhất là trong điều kiện mà sự liên kết giữa nước này với nước khác đang ngày càng trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Dù chưa đạt được những thắng lợi quan trọng, các biến động chính trị và xã hội tại VN vào thời kỳ này đã dự báo nhiều thuận lợi cho các phong trào cách mạng về sau.

Nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867 - 1940)

Ngay khi vừa chiếm xong 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) vào năm 1862, thực dân Pháp đã bắt đầu thiết lập một hệ thống cai trị bền vững nhằm từng bước thuộc địa hóa dần những phần đất còn lại. Để đạt được hiệu quả cao trong việc này, họ phải sử dụng một số người Việt có hiểu biết để vừa giúp họ điều hành một đất nước còn khá xa lạ, vừa làm chiếc cầu nối giữa các quan chức Pháp và hầu hết những người dân thuộc địa còn sống trong cảnh nghèo khó và lạc hậu.

Các viên chức người Việt cộng tác cùng bộ máy cai trị của Pháp với nhiều cương vị khác nhau, từ các đốc phủ sứ, phủ, huyện, đến các thông ngôn, ký lục…, ngoài việc thực hiện công việc do các tham biện Pháp (administrateurs des services civils) giao phó, họ còn vận dụng số kiến thức thu thập được qua việc tiếp cận với nền văn hóa phương Tây để quảng bá trong công chúng. Thập niên 1880, tờ Gia Định Báo với sự đóng góp của các cây bút Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của… đã phổ biến nhiều bài viết nhằm nâng cao dân trí như núi lửa hoạt động ra sao, hiện tượng động đất như thế nào, cách “ở ăn cho được mạnh khỏe”…

Nhà cách mạng Phan Châu Trinh (1872 - 1926)

Hoạt động vì xã hội của thành phần nhân sĩ trí thức vào nửa sau thế kỷ 19 đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành một tầng lớp trí thức mới đầu thế kỷ 20, tạo ra những chuyển biến thuận lợi cho công cuộc giành lại nền độc lập đã mất. Đi đầu trong các phong trào yêu nước vào giai đoạn này là hai cụ Phan Bội Châu (1867 - 1940) và Phan Châu Trinh (1872 - 1926). Người trước là linh hồn của phong trào Đông Du, cổ xúy việc đưa thanh niên VN sang Nhật Bản học hỏi những cái mới lạ của một đất nước châu Á đang phát triển mạnh mẽ. Người sau cùng một số đồng chí phát động phong trào Duy Tân nhằm nâng cao dân trí, “mở mang mọi phương diện nông, công, thương, học kỹ thuật, khoa học của Âu Tây”, thành lập Đông Kinh nghĩa thục, một trung tâm giáo dục quan trọng lúc bấy giờ (Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân - Phong trào Duy Tân - NXB Đà Nẵng - 2002, trang 679).

Để phong trào đạt được những kết quả đề ra, không thể tách rời hai yếu tố chính trị - xã hội với quân sự. Vào đầu thế kỷ 20, phần lớn các cuộc kháng chiến lẻ tẻ trước đó đã bị Pháp vô hiệu hóa, chỉ còn cuộc khởi nghĩa Yên Thế của “hùm thiêng” Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) có đủ thực lực để buộc giặc phải mất ăn mất ngủ.

Lãnh tụ kháng chiến Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913) - Ảnh chụp năm 1903 của báo Illustration số 3214

TƯ LIỆU LÊ NGUYỄN

Trong tình hình đó, cả hai cụ Phan cùng mưu tính kết hợp các cuộc vận động chính trị và xã hội của họ với thực lực quân sự của họ Hoàng. Cuối năm 1902, cụ Phan Bội Châu thân hành đến đồn điền Phồn Xương thuộc chiến khu Yên Thế để tương kiến với Hoàng Hoa Thám, chẳng may gặp lúc vị lãnh tụ nghĩa quân đang đau nặng nên tiếp cụ chỉ có người con trai cả của ông là Cả Trọng và một số đồng chí tại Phồn Xương (Phan Bội Châu - Phan Bội Châu niên biểu - NXB Văn nghệ TP.HCM 2001, trang 63 - 64).

Mãi đến gần 4 năm sau (1906) mới có cuộc hội kiến thực sự giữa cụ Phan Bội Châu và Đề Thám. Cụ Phan đã lưu trú tại Phồn Xương hơn 10 ngày và hai bên đạt được những thỏa thuận quan trọng trong chiều hướng kết hợp giữa chính trị và quân sự:

- Đề Thám gia nhập Duy Tân hội với hội chủ là Kỳ Ngoại hầu Cường Để - Đề Thám sẽ ứng viện khi người dân Trung kỳ xướng nghĩa, đồng thời dung nạp những nghĩa sĩ miền Trung bị Pháp truy nã.

- Duy Tân hội phụ trách công tác ngoại giao chung và miền Trung sẽ chi viện khi Phồn Xương cần (Phan Bội Châu - sđd - trang 136 - 137; G.Marr - Vietnamese Anticolonialism - Berkeley 1971 - trang 134).

Sự kiện Hà thành đầu độc năm 1908 là kết quả những thỏa thuận giữa hai bên trên tinh thần này. Cụ Phan Châu Trinh cũng có cuộc hội kiến với Đề Thám vào khoảng năm 1907, song kết quả cuộc gặp là một thất bại, sau khi cụ Phan đưa ra mấy đề nghị, trong đó có việc Phồn Xương nên mở mang công thương nghiệp, tránh cho dân phải đóng góp quá nhiều; mặt khác cần cấm chỉ việc hút á phiện trong hàng ngũ nghĩa quân… mà không nhận được sự đồng tình của phía họ Hoàng (Tôn Quang Phiệt - Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám - Hà Bắc 1984, trang 76).

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.