Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) mới đây đã đăng tải phân tích về quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng mà Mỹ tiến hành những năm qua.
Nội địa lẫn "cận bờ" đều hạn chế
Theo phân tích trên, chuyển hoạt động sản xuất trở lại Mỹ đã trở thành một trọng tâm trong chính sách của cả Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn người tiền nhiệm Donald Trump. Trong thông điệp liên bang năm 2022, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh: "Thay vì phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, hãy làm điều đó ở Mỹ".
Nhà Trắng đã triển khai một số điều luật để hạn chế xuất khẩu. Từ năm 2018, dưới thời Tổng thống Trump, chính phủ thực hiện nhiều chính sách bảo hộ thép, nhôm và áp mức thuế cao nhằm vào khoảng một nửa số chủng loại hàng hóa nước này nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ đó đến nay, thời gian đã đủ dài để đánh giá hiệu quả của những biện pháp này.
Theo kết quả thống kê chính thức, sản lượng sản xuất của Mỹ đến giữa năm 2022 chỉ tăng 4% so với 10 năm trước đó. Mức tăng này là quá thấp, gần như sản lượng sản xuất của Mỹ không hề thay đổi. Trong giai đoạn Covid-19, sản lượng có lúc giảm xuống nhưng đã phục hồi lại. Cho nên, dù không còn nhập khẩu năng lượng đáng kể như cách đây nhiều thập niên, nhưng Mỹ vẫn có mức thâm hụt thương mại cao. Năm 2022, thâm hụt thương mại của Mỹ lên đến gần 950 tỉ USD.
Bên cạnh đó, nội bộ Mỹ cũng đề cập đến khái niệm "cận bờ" để ám chỉ việc chuyển một số hoạt động sản xuất chế tạo từ châu Á trở lại các nền kinh tế lân cận như Mexico và Canada. Việc thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ dưới tên USMCA đã được kỳ vọng khuyến khích chuyển sản xuất về "cận bờ". Nhưng thực tế USMCA sửa đổi không có những điều khoản mới để mở rộng tự do thương mại. Thậm chí, trên thực tế còn bổ sung các biện pháp bảo hộ trong lĩnh vực sản xuất ô tô.
Suốt nhiều năm, Mexico và Canada đều có tỷ trọng cao trong lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, nhưng gần như tỷ trọng không thay đổi đáng kể trong nhiều năm. Từ năm 2015 - 2021, tính cả Mexico lẫn Canada thì chiếm khoảng 26% trong tổng lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Canada là một nền kinh tế có mức lương cao, nên không phù hợp lắm để sản xuất nhiều loại sản phẩm mà Mỹ nhập khẩu từ châu Á. Mexico là một quốc gia đang phát triển có mức lương thấp, nhưng môi trường đầu tư có nhiều bất ổn nên các doanh nghiệp Mỹ khó mở rộng sản xuất tại Mexico.
Chuỗi cung ứng mới sau đại dịch: Việt Nam cần gì để củng cố vị trí?
Xuất khẩu Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn
Trong khi đó, việc Mỹ áp dụng các hàng rào thuế quan nhằm vào hàng hóa Trung Quốc không làm thay đổi đáng kể tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng tỷ trọng của hàng hóa Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ thì có giảm từ mức 24% xuống còn 20% trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021.
Mỹ đã chuyển dịch nhập khẩu nhiều mặt hàng sang một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là các sản phẩm như linh kiện bán dẫn hay thiết bị viễn thông. Báo cáo nghiên cứu nêu cùng việc tỷ trọng hàng hóa Trung Quốc trong lượng hàng Mỹ nhập khẩu giảm thì tỷ trọng hàng hóa từ các nước khác ở châu Á, bao gồm Việt Nam, lại tăng tương đương (tăng 4 điểm % từ năm 2018 - 2021). Sự gia tăng vừa nêu đến từ một số mặt hàng như đồ chơi, dụng cụ thể thao, đồ nội thất và điện thoại di động. Và mức tăng đặc biệt lớn đã được ghi nhận trong 3 dòng sản phẩm: phụ kiện máy tính, linh kiện bán dẫn và thiết bị viễn thông.
Đáng lưu ý, nghiên cứu do Brookings đăng tải cho thấy chuỗi sản xuất cung ứng cho thị trường Mỹ đã dịch chuyển từ Trung Quốc sang nhiều nước Đông Nam Á, trong đó nổi trội là Việt Nam. Điển hình, Mỹ áp đặt thuế cao đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc vào năm 2012 khiến cho việc xuất khẩu tấm pin mặt trời của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm xuống gần như bằng 0, thì số lượng sản phẩm của mặt hàng này do Đông Nam Á xuất khẩu sang Mỹ đã tăng vọt, và Việt Nam là một trong những nhà cung cấp chính.
Tuy nhiên, qua phân tích được đăng tải bởi Viện Brookings cho thấy dù Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để tăng cường xuất khẩu sang Mỹ nhưng cũng cần cải thiện ở một số lĩnh vực để tiếp tục mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là các chuỗi công nghệ cao.
Từ năm 2018 - 2022, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng hơn 130%, từ mức 47,5 tỉ USD lên 109,4 tỉ USD.
Bình luận (0)