Việt Nam sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp

13/10/2022 06:16 GMT+7

Cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh đóng góp lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế. Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025 sẽ đạt 1,5 triệu doanh nghiệp, gấp đôi số lượng hiện tại. Dù khó khăn nhưng có nhiều cơ sở để đạt mục tiêu này.

Thành lập doanh nghiệp ngày càng đơn giản

Công ty AN VI F&B có trụ sở tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) mới được thành lập từ tháng 11.2021 với hoạt động nhập khẩu và phân phối các sản phẩm dinh dưỡng nước ngoài tại VN.

Cần tăng cường các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển

Phạm Hùng

Ông Vi Thiên Trung, Giám đốc công ty, chia sẻ trong thời gian đại dịch Covid-19, ông đã nghỉ việc ở một tập đoàn và tham gia các hoạt động thiện nguyện. Trong quá trình đó, ông đã trao đổi, gặp gỡ với nhiều người và nhận ra rằng hầu như ai cũng quan tâm vấn đề sức khỏe, các loại thực phẩm dinh dưỡng phù hợp... Vì vậy, ông đã thành lập công ty để mang lại những hàng hóa dinh dưỡng có chất lượng với giá hợp lý cho người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, ông Trung cho biết thủ tục thành lập công ty rất đơn giản, nhanh chóng và nhận giấy phép chỉ trong vòng một tuần. Hầu như mọi thủ tục, hồ sơ đều thực hiện trực tuyến.

“Thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN) đơn giản, nhanh chóng. Nhưng quan trọng nhất với các công ty mới ra đời là sẽ đối diện hàng loạt khó khăn về thị trường, khách hàng. Chẳng hạn chi phí về logistics từ khi nhập hàng về Việt Nam đến kênh phân phối còn khá cao. Hay việc làm thế nào để đưa được hàng vào hệ thống siêu thị cũng sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí… nên có tồn tại, phát triển hay không mới quan trọng”, ông Vi Thiên Trung chia sẻ.

AN VI F&B chỉ là một trong nhiều DN mới ra đời kể từ đại dịch Covid-19. Sau giai đoạn khó khăn, rất nhiều cá nhân, DN đã nhận thấy tiềm năng của thị trường, phát hiện được những cơ hội mới và đã tăng tốc hoạt động. Tính chung từ tháng 1 - 8.2022, có gần 150.000 DN mới và quay lại hoạt động, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số DN đăng ký thành lập mới đạt 101.300 đơn vị, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là cơ sở để kinh tế Việt Nam hồi phục và được đánh giá nằm trong nhóm đầu các nước đang có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Đặc biệt là cơ sở đạt mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025 sẽ khả thi.

Trước đó, từ cuối năm 2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 gồm nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu DN, trong đó có khoảng 60.000 - 70.000 DN quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu 5 - 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế; Kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với DN theo chuỗi giá trị…

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình phát triển DN tư nhân gồm Đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho các DN đến hết năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN giai đoạn 2021-2030; Đề án thúc đẩy DN ứng dụng tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo; Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025…

Doanh nghiệp càng nhiều, đất nước càng phát triển

Tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã có gần 860.000 DN đang hoạt động, khoảng 15.300 hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Với tổng dân số gần 100 triệu người, ước tính bình quân cứ 116 người dân có 1 DN. Đây là tỷ lệ khá thấp nếu so với bình quân các nước trong khu vực ASEAN là 80 - 90 người dân sẽ có 1 DN hay ở các nước Mỹ, Nhật Bản thì cứ 10 - 12 người dân sẽ có 1 DN.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh phân tích: một nền kinh tế muốn phát triển sẽ được đo theo tỷ lệ số lượng DN trên 1.000 dân. Cứ nhìn Singapore hay Hồng Kông sẽ thấy số DN đang hoạt động rất cao. Vì vậy, Việt Nam cần phải tiếp tục khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho các DN hoạt động song song với tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển lên thành DN. Hiện nhiều cơ sở kinh doanh có quy mô lớn, doanh thu hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mà mãi vẫn “không chịu lớn” là do vẫn nộp thuế khoán. Hộ kinh doanh thường hoạt động không giấy tờ kế toán theo chuẩn mực nên thiếu minh bạch, nhiều vấn đề như vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thực hiện nghiêm túc... Trong khi đó các DN phải đảm bảo các quy định về chứng từ kế toán, đảm bảo hoạt động công khai. DN là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều người, từ đó đóng góp vào ngân sách nhà nước, vào GDP chung của đất nước. Đặc biệt, bản chất hộ kinh doanh quy mô quá nhỏ thì không thể cạnh tranh hay hội nhập với quốc tế được.

“Không có một DN Nhật, Hàn hay Mỹ nào đi bắt tay hợp tác với một hộ kinh doanh. Muốn lớn mạnh, phát triển hơn thì tất yếu phải hoạt động theo mô hình DN. Ban đầu thì quy mô nhỏ rồi sẽ phát triển dần thành lớn, thành tập đoàn. Có lần tôi sang Đức, nghe anh chị em người Việt ở đây kể khi muốn mở cửa hàng ăn, cơ quan nhà nước cấp quận xuống hướng dẫn, đào tạo và giúp đỡ nhiều thứ kể cả góp ý về thiết kế, trang trí như thế nào cho đẹp. Ngày khai trương quán họ còn tặng cả máy tính để kết nối với cơ quan thuế. Cán bộ hành chính của ta cũng phải làm sao giúp đỡ thiết thực như vậy để các hộ kinh doanh thấy được cái lợi khi chuyển lên DN”, TS Lê Đăng Doanh chia sẻ thêm.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng xu hướng kinh tế càng hiện đại thì hoạt động kinh doanh càng được chuẩn hóa và đó là mô hình DN. Muốn kinh tế ngày càng phát triển thì số lượng DN phải ngày càng nhiều. Cho dù là những DN quy mô nhỏ, nhưng trong các lĩnh vực dịch vụ thì vẫn tạo ra được nhiều việc làm cho người dân, mang lại nhiều đóng góp chung cho kinh tế hơn. Từ đó thu nhập bình quân đầu người cũng có cơ hội gia tăng.

Ông chia sẻ thêm với xu hướng kinh tế không biên giới, nông dân ở nhiều nước như Úc có thể tự phát triển thành một DN bán hàng cho toàn cầu khi họ có sản phẩm chế biến. Điều này cũng có thể diễn ra ở Việt Nam với việc hình thành các DN trong nông thôn khi người trẻ ngày càng áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Khi nông dân nhận thấy việc thành lập DN sẽ ký hợp đồng bán hàng thuận lợi hơn, được tiếp cận vốn dễ hơn hộ kinh doanh hay hợp tác xã thì họ sẽ thực hiện… “Ở Mỹ, bình quân cứ 10 người dân là có 1 DN. Vậy con số phấn đấu 1,5 triệu DN ở Việt Nam không phải là quá xa vời. Tất nhiên để đạt được mục tiêu đó thì vẫn có nhiều việc cần làm. Như tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan về thành lập và hoạt động của DN; tạo mọi điều kiện hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh chuyển sang mô hình công ty hay nói chung là xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để các DN tư nhân có cơ hội phát triển”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân bỏ vốn làm ăn

Theo phân tích của TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, thách thức để đạt được con số cả nước có 1,5 triệu DN vào năm 2025 là không nhỏ khi thời gian chỉ còn hơn 3 năm. Nhất là khi nhìn lại mục tiêu trước đây đề ra là 1 triệu DN vào năm 2020 đã không đạt được. Nếu mỗi năm số lượng DN thành lập và quay trở lại hoạt động rồi trừ đi số công ty rời khỏi thị trường vì nhiều lý do thì cũng chỉ có khoảng 100.000 DN. Nghĩa là chỉ nói về số lượng thì rất khó để đạt tới mục tiêu đã nêu. Tuy nhiên, Việt Nam đang có gần 5 triệu hộ kinh doanh và đã khuyến khích để thành phần kinh tế này chuyển lên mô hình DN. Làm hiệu quả thì số lượng DN mới vẫn có thể đạt được.

Nhưng theo ông Thành, vấn đề hoàn toàn không nằm ở con số mà quan trọng hơn là môi trường kinh doanh. Làm sao để DN mới, các công ty khởi nghiệp sẽ tự tin, phát triển tốt thì sẽ có thêm nhiều cá nhân, hộ gia đình tự động đăng ký lập DN. Cũng như các DN phải mạnh về năng lực công nghệ, quản trị, cạnh tranh được trên thị trường.

“Muốn vậy, có nhiều việc phải làm. Ví dụ trên thị trường vẫn có những độc quyền nhất định cần phải tiếp tục xem xét. Kế tiếp là các DN đều phải được tiếp cận nguồn lực như mặt bằng sản xuất, nguồn vốn, nhân lực. Trong những nguồn lực đó thì vai trò của Nhà nước khá lớn để tạo ra sự công bằng, minh bạch. Sau đó vẫn là tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, hiệu quả như tiếp tục cải cách hành chính để giảm chi phí cho DN”, ông Thành đề xuất.

TS Đinh Thế Hiển cũng nhấn mạnh: Để thành lập DN không khó, nhưng để DN sống được, phát triển lâu dài được là một quá trình lâu dài. Hiện VN đã có những thay đổi tích cực từ cải cách hành chính công như thủ tục, quy định thành lập DN đơn giản, thông thoáng hơn. Hay việc thay đổi của ngành thuế khi áp dụng hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, dịch vụ khai báo thuế… cũng hỗ trợ DN thuận tiện trong hoạt động. Đây cũng là những yếu tố góp phần thúc đẩy các hộ kinh doanh tiến lên thành DN mà chúng ta đã và đang khuyến khích.

Song song đó, kinh tế Việt Nam vẫn đang phát triển nhanh. Những dịch vụ thương mại dựa trên công nghệ mới 4.0, mạng internet ngày càng bùng nổ và xu thế dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng cũng kéo theo những công ty công nghệ hỗ trợ ra đời. Hay định hướng phát triển về bất động sản khi sửa đổi luật Nhà ở, kinh doanh cũng giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Từ đó thu hút thêm dòng vốn vào lĩnh vực thương mại, kinh doanh thời gian tới. Nhưng quan trọng nhất là Chính phủ phải đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ DN nhỏ. Đồng thời gia tăng và thực hiện nghiêm quy định về sở hữu trí tuệ, sở hữu thương hiệu. Bởi theo xu hướng phát triển của công nghệ, số DN khởi nghiệp từ các ý tưởng, sáng tạo sẽ ra đời nhiều hơn. Khi có quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo hoạt động thì nhiều cá nhân sẽ mạnh dạn khởi nghiệp. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng phải phát huy được vai trò của thị trường vốn, hoạt động lành mạnh để thu hút ngày càng nhiều các tổ chức đầu tư mạo hiểm. Nguồn này gia tăng cũng góp phần thúc đẩy số lượng DN khởi nghiệp gia tăng.

Đến năm 2025, chuyển đổi ít nhất 10% số hộ kinh doanh có chuyển sang thành DN

Số DN hoạt động của cả nước tăng 3 lần từ con số 279.360 đơn vị vào năm 2010, lên 857.559 DN tính đến ngày 31.12.2021. Khu vực DN đang tạo việc làm cho khoảng 14,7 triệu lao động (bình quân giai đoạn tăng 3,39%/năm). Tương tự, vốn và doanh thu thuần cũng tăng lên, lần lượt tăng 14,55%/năm và 11,47%/năm trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, ước tính có khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đề nghị nâng chỉ tiêu về số lượng DN được hỗ trợ chuyển đổi số và làm rõ mức độ chuyển đổi số. Đồng thời, cân nhắc sử dụng một số mục tiêu cụ thể hơn, như dự thảo cần điều chỉnh nội dung theo hướng DN tư nhân đăng ký chính thức theo luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP. Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ. Đồng thời, đến năm 2025 sẽ chuyển đổi ít nhất 10% số hộ kinh doanh có đăng ký chính thức sang thành DN hoạt động theo luật Doanh nghiệp; có ít nhất 20% số DN sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn...

Tạo mọi điều kiện để các hộ kinh doanh chuyển thành DN

Hà Nội và TP.HCM muốn trở thành trung tâm kinh tế mạnh thì phải khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các hộ kinh doanh chuyển thành DN. Cán bộ nhà nước từ phường, quận phải hướng dẫn, đào tạo nhiệt tình, tận tâm để các cá nhân, gia đình thấy thuận lợi khi muốn đăng ký thành DN và trong lúc hoạt động. Chỉ khi hộ kinh doanh không ngần ngại, lo lắng nữa mà thấy việc lên DN sẽ có nhiều lợi ích hơn thì họ sẽ thực hiện.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất

Doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.

Ông Trần Tuấn Anh (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.