Việt Nam thiếu rất nhiều sân bay nhỏ: Lợi thế thu hút vốn tư nhân

01/11/2022 06:25 GMT+7

Phát triển các sân bay nhỏ phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành hàng không sử dụng máy bay điện tầm bay ngắn, hướng tới taxi bay…

Việc phát triển các sân bay chuyên dùng sản lượng nhỏ rất phù hợp với địa hình Việt Nam, nhất là các tỉnh thành vùng núi cao, hải đảo không có nhiều diện tích bằng phẳng để phát triển các sân bay thương mại lớn, nhưng vẫn có thể xây dựng các sân bay nhỏ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.

Hơn nữa, trước tình trạng đất chật, người đông, giao thông tắc nghẽn, nhiều quốc gia trên thế giới đã đề ra nhiều phương án, trong đó có định hướng phát triển ô tô bay, taxi bay để thay thế cho các phương tiện chạy trên mặt đất. Việc phát triển các sân bay nhỏ sẽ giúp Việt Nam đón đầu xu hướng mới này của hàng không thế giới.

Ưu tiên đầu tư sân bay cho các điểm đến tiềm năng là giải pháp cần thiết để du lịch, kinh tế địa phương phát triển

N.A

Vốn đầu tư thấp, dễ huy động vốn tư nhân

Trong khi các sân bay lớn cần một nguồn vốn rất lớn để triển khai lên đến hàng ngàn tỉ đồng, thời gian hoàn vốn lâu, kéo dài 40 - 50 năm, gây khó khăn trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư… thì việc phát triển một sân bay nhỏ đáp ứng nhu cầu sản lượng 300.000 hành khách (HK)/năm với diện tích dưới 50 ha, vốn đầu tư 500 - 800 tỉ đồng có đường cất hạ cánh 1.200m cho máy bay nhỏ từ 19 chỗ trở xuống sẽ phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau một thời gian hoạt động, khi sản lượng có triển vọng tăng lên 500.000 HK/năm, đường cất hạ cánh được nâng lên 1.600m để tiếp nhận thêm các máy bay 40 - 50 chỗ và nhà ga hành khách được mở rộng tương ứng. Khi sản lượng có triển vọng tăng lên 700.000 HK/năm, đường cất hạ cánh 1.600m được nâng cấp để tiếp nhận thêm các máy bay 70 - 90 chỗ và mở rộng tiếp nhà ga hành khách tương ứng.

Với quy mô sản lượng dưới 1 triệu HK/năm, sân bay có thể quy hoạch diện tích 100 ha, nhưng xây dựng phát triển dần dần từ nhỏ với mức sản lượng 100.000 HK/năm qua từng thời kỳ đến mức sản lượng lớn hơn.

Mặt khác, Việt Nam có rất nhiều sân bay quân sự do lịch sử để lại hiện đang hoạt động rất ít, các sân bay này có thể được chuyển thành sân bay lưỡng dụng để kết hợp nhu cầu dân sự quy mô nhỏ dưới 300.000 HK/năm, phục vụ du lịch, giao thương điểm nối điểm, kết nối giữa các địa phương mà không cần qua trung chuyển ở các sân bay lớn.

Thực tế cho thấy, hiếm có một trung tâm tài chính thế giới nào mà lại không có sân bay trực thăng. Các sân bay này nhằm hướng tới xây dựng mạng lưới giao thông ngày càng hiện đại và tốt hơn.

Nhiều nước, trong đó có Mỹ đang đẩy mạnh các hoạt động hàng không và phát triển các sân bay rất nhỏ. Mỹ có những sân bay chỉ có 1 đường cất hạ cánh ngắn dưới 1.000m và khu đỗ xe, phục vụ cho các chuyến bay tư nhân, bay dịch vụ y tế, bay dịch vụ nông nghiệp… với mạng lưới 5.000 sân bay.

Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm từ 2015 - 2020 đã xây hơn 2.800 sân bay nhỏ như thế để đảm bảo các khu dân cư vùng sâu vùng xa nào có dân cư khoảng 500.000 người cũng có sân bay. Số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không chạm mức 610 triệu vào năm 2018.

Các sân bay nhỏ, đường cất hạ cánh ngắn có nhiều lợi thế thu hút vốn tư nhân vào đầu tư

N.A

Chia cổ phần để thu hút doanh nghiệp

Trên thực tế, việc phát triển xây dựng các sân bay nhỏ, sân bay chuyên dùng phụ thuộc vào chính sách về hàng không chung hiện nay. Trong khi đó, quy hoạch hệ thống sân bay hiện nay vẫn đang “vắng bóng” sân bay nhỏ, sân bay chuyên dùng.

Quy hoạch các sân bay chuyên dùng do Bộ Quốc phòng chủ trì quản lý. Bộ Quốc phòng vẫn thẩm định và cấp phép phê duyệt quy hoạch sân bay chuyên dùng. Do Bộ Quốc phòng phê duyệt, quản lý sân bay chuyên dùng nên Bộ GTVT không đưa loại sân bay này vào trong đồ án quy hoạch.

Hiện nay hầu hết các cảng hàng không, sân bay ở Việt Nam đều là lưỡng dụng dùng chung cả dân sự, quân sự. Năm 1997 quân đội có làm quy hoạch hệ thống sân bay quân sự toàn quốc, nhưng không phê duyệt được. Luật quy định hệ thống sân bay quân sự, chuyên dùng giao cho Bộ Quốc phòng thực hiện quy hoạch, quản lý nhưng hơn 10 năm nay quân đội không triển khai quy hoạch hệ thống này.

Do đó, cần phải sửa đổi luật Hàng không dân dụng để thống nhất cơ chế, chính sách về quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc bao gồm các sân bay thương mại và các sân bay chuyên dùng.

Chính vì chưa có trong quy hoạch nên việc phát triển các sân bay nhỏ chuyên dùng ở Việt Nam hiện vẫn rất ‘tù mù”. Nhà nước chưa có các chính sách ưu đãi, khuyến khích hãng bay mở đường bay khai thác các sân bay nhỏ, chưa có các hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, đất đai, nguồn vốn vay để phát triển các sân bay nhỏ.

Đặc biệt, hiện nay việc huy động nguồn vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng hàng không theo hình thức BT “đổi đất lấy hạ tầng” đang gặp nhiều vướng mắc và cần xem xét lại.

Trong Đề án Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ GTVT đề xuất kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với 6 cảng hàng không: Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau, Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị.

Việc hợp tác công - tư trong đầu tư sân bay trên thế giới đều chủ yếu áp dụng nguyên tắc cổ phần trên giá trị toàn sân bay. Tư nhân đầu tư vào sân bay thì họ tính thành cổ phần trên giá trị toàn sân bay đó. Cần phải tính giá trị của toàn thể sân bay cần đầu tư và khi nhiều thành phần tham gia đầu tư thì Nhà nước chiếm bao nhiêu phần trăm, tư nhân chiếm bao nhiêu phần trăm. Toàn bộ chi phí làm khu bay và khu hàng không dân dụng đều tính vào hết và chia lãi cũng như lỗ trên tổng thể sân bay đấy.

Hợp tác công - tư theo đúng nguyên tắc cổ phần này thì tư nhân không dại gì đầu tư vào sân bay nếu lỗ. Vì thế, chính sách BT dự kiến áp dụng cho các sân bay diện xã hội hóa đầu tư trong Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không của Bộ GTVT cũng cần xem xét lại một cách kỹ lưỡng.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét cho phép các địa phương có quỹ đất để đổi đất lấy hạ tầng hàng không, góp phần phát triển các sân bay nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Quỹ đất dành cho sân bay tư nhân đầu tư này sẽ được khai thác cho những hoạt động địa ốc không liên quan đến hoạt động hàng không. Vì thế, cần phải tách bạch giữa dự án xây dựng sân bay với dự án huy động nguồn vốn từ quỹ đất để xây sân bay.

Chính quyền địa phương cần xây dựng một dự án đô thị sân bay gồm khu sân bay và khu đô thị quanh sân bay. Chính quyền quy hoạch khu đô thị quanh sân bay và tổ chức đấu thầu quyền sử dụng đất để làm vốn đầu tư cho sân bay mà nhà nước sở hữu và quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.