Gia tăng người nhiễm HIV nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ
Ngày 5.12, tại Thanh Hóa, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo triển khai Chỉ thị 07-CT/TW, ngày 6.7.2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe Ban Tuyên giáo T.Ư quán triệt các nội dung cốt lõi và những lưu ý của Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, mục tiêu cụ thể của Việt Nam đến năm 2030 số người nhiễm HIV mỗi năm là dưới 1.000 người; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1/100.000 dân; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% trước năm 2030...
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên thì còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều khó khăn, thách thức khi số ca nhiễm HIV trung bình mỗi năm hiện nay ở Việt Nam là khoảng 10.000 ca, và con số nhiễm mới đang có chiều hướng gia tăng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết những năm qua, Việt Nam đã từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS, nhưng những năm gần đây dịch lại có dấu hiệu gia tăng. Dự báo năm 2023 số trường hợp phát hiện mới nhiễm HIV là hơn 13.000 trường hợp (riêng 9 tháng năm 2023 đã ghi nhận hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV).
"Kể từ khi đại dịch HIV/AIDS bùng phát ở Việt Nam cho đến nay, đã có gần 115.000 người tử vong do AIDS, trung bình mỗi năm có gần 2.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết thêm Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, khi đã cứu được gần 1 triệu người không bị nhiễm HIV; và khoảng hơn 200.000 người không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Do đó, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới.
Nói về những quan ngại của dịch HIV/AIDS trong tương lai, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn khi dịch HIV đang phát hiện chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ. Riêng năm 2022 có tới 50% số trường hợp nhiễm HIV thuộc nhóm tuổi từ 15 - 29 tuổi.
Nhóm người nhiễm HIV cũng có sự dịch chuyển, nếu trước đây chủ yếu người nhiễm từ nhóm người chích ma túy thì hiện nay nhóm người nhiễm là nam quan hệ tình dục đồng giới, và người chuyển giới nữ đang gia tăng. Toàn quốc tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này chiếm tới xấp xỉ 60% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện, có những địa phương có tới hơn 80% người nhiễm HIV được phát hiện thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Hội thảo cũng đã nghe các tham luận, khuyến nghị của các chuyên gia trong nước và quốc tế về tình hình dịch HIV, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, và các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động, cho đoàn viên thanh niên...
Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của cấp ủy Đảng, chính quyền
Ông Randolph Augustin, Giám đốc chương trình y tế, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam đã chia sẻ những cập nhật về dịch HIV trên toàn cầu cũng như một số mục tiêu cụ thể để giảm số ca nhiễm mới, giảm số ca tử vong, dự phòng phơi nhiễm PrEP hiệu quả...
Ông Randolph Augustin cho rằng quốc gia nào dành nhiều kinh phí cho công tác dự phòng hơn là kinh phí cho điều trị thì số ca nhiễm HIV sẽ giảm. Do đó, cần tăng nguồn kinh phí cho dự phòng. Ông cũng khẳng định Chính phủ Mỹ và các đối tác khác kiên định hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm chấm dứt HIV/AIDS.
Kết luận hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Thanh Mai khẳng định: "Để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TW và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS thì các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm chỉ thị cũng như các kế hoạch, đề án đã ban hành. Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030".
Đồng thời, tiếp tục mở rộng các mô hình hiệu quả như: mô hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mô hình cấp phát thuốc methadone nhiều ngày; vận động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế, hỗ trợ người nhiễm HIV mua thẻ bảo hiểm y tế…
Đối với ngành y tế và các địa phương cần phải đảm bảo đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị và vật tư y tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí từ các dự án viện trợ nước ngoài, của T.Ư cũng như chủ động bố trí ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS…
Bình luận (0)