Việt Nam tiếp tục là 'miền đất hứa' của FDI

08/09/2024 06:30 GMT+7

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN tiếp tục tăng và có những thay đổi khá tích cực, đó là vốn đầu tư mới, đầu tư mở rộng tăng mạnh.

Dòng vốn ngoại đến từ Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc...

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN, Bộ KH-ĐT), 8 tháng năm 2024, cả nước thu hút vốn FDI được hơn 20,52 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số dự án đầu tư mới và số dự án đăng ký mở rộng đầu tư đều tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số lượng dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng 8,5% và tăng 27% về vốn.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, chia sẻ cách đây 4 tháng, khi các dự án FDI mở rộng đầu tư có phần sụt giảm, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại sức hấp dẫn trong thu hút FDI có vẻ chững lại. Tuy nhiên, thông thường sau quý đầu năm, việc tăng đầu tư mở rộng chưa được triển khai bởi chu kỳ tài chính của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài chỉ vừa kết thúc. Thực tế đến nay cho thấy, cả thu hút dự án FDI mới lẫn mở rộng đều tăng một cách tích cực. 

Ông Lạng nhấn mạnh: Đây là minh chứng cho thực tế VN vẫn là thị trường hấp dẫn FDI nói chung. Vốn đăng ký mới tăng cao cho thấy NĐT muốn đầu tư lâu dài tại VN và lợi nhuận thu được từ đầu tư mới cao hơn góp vốn, mua cổ phần. Đây cũng là tín hiệu cho thấy VN vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đúng như Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã nhận định. "Vốn đăng ký mới và mở rộng tăng nhanh thể hiện tiềm năng thị trường và triển vọng đầu tư khả quan. Điều đó tiếp tục khẳng định VN là "miền đất hứa" để các tập đoàn ngoại đẩy mạnh mở rộng cũng như thu hút dự án mới", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng phân tích.

Việt Nam tiếp tục là 'miền đất hứa' của FDI- Ảnh 1.

Vốn FDI vào VN những năm qua xuất hiện nhiều dự án ở lĩnh vực công nghệ cao

ẢNH: GIA HÂN

Số liệu của Cục ĐTNN cũng cho thấy, vốn FDI lớn nhất trong 8 tháng qua đều từ các đối tác truyền thống của VN và chủ yếu từ châu Á. Riêng 5 nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu là Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã chiếm tới 74% số dự án đầu tư mới và hơn 77% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đặc biệt, Singapore tiếp tục đứng đầu trong 8 tháng qua. Cụ thể, vốn FDI từ quốc đảo này đạt gần 6,8 tỉ USD, tăng hơn 7% so cùng kỳ, chiếm hơn 33% tổng vốn FDI của cả nước. Kế đó là Hồng Kông với 2,4 tỉ USD, chiếm gần 12%...

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng phân tích, Singapore nhiều năm liên tiếp chọn VN là điểm đến hàng đầu để đầu tư, bất chấp hoàn cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn và thách thức. Với NĐT dẫn đầu như Singapore hay Hồng Kông, Trung Quốc mới tăng tốc thời gian sau này, nền tảng để thu hút nguồn đầu tư các dự án đến từ 3 thị trường này là bất động sản khu công nghiệp (KCN). Điển hình là KCN VN - Singapore (VSIP), khởi đầu là liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore với Tập đoàn Becamex của VN. Sau gần 30 năm đầu tư vào VN, mô hình VSIP đã hầu như trải rộng tại VN với 14 KCN. 

Trong đó, các địa phương phát triển công nghiệp như Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định… đều có những KCN VSIP quy mô lớn. Thế nên, đây là lợi thế lớn để các NĐT Singapore dễ dàng chọn VN mà không phải mất thời gian để tìm địa bàn đầu tư. "Singapore là đối tác chuyên sâu đầu tư bất động sản KCN. VN đang là cứ điểm và trung tâm sản xuất chế tạo thế giới, nên bất động sản KCN tiếp tục hấp dẫn FDI. Có thể nói, Singapore đóng vai trò dẫn dắt vốn FDI vào bất động sản KCN VN với quy mô ngày càng lớn. Đây là tác nhân kích hoạt thị trường bất động sản KCN và khẳng định triển vọng lâu dài cũng như lợi ích lớn nếu đầu tư vào phân khúc này", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng đánh giá.

Việt Nam vẫn là 'miền đất hứa' của FDI

"Cuộc đua" trở lại của Bắc Ninh, Quảng Ninh

8 tháng của năm 2024, dòng vốn FDI đã vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đăng ký gần 3,47 tỉ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư cả nước và gấp 2,94 lần so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai là Quảng Ninh với gần 1,78 tỉ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 2,3 lần so với cùng kỳ. TP.HCM đứng thứ ba với tổng vốn hơn 1,76 tỉ USD…

Việc thu hút vốn FDI vẫn được xem là "cuộc đua" giữa các tỉnh thành. Nếu trước đại dịch Covid-19, những cái tên quen thuộc thường được nhắc đến như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… thì gần đây các địa phương khác đã có sự bứt phá ngoạn mục. Ngoài TP.HCM vẫn giữ được vị trí tốp đầu thì Bắc Ninh, Quảng Ninh đã bứt phá mạnh mẽ. Trong đó, Quảng Ninh hai năm 2022 - 2023 đã vươn lên tốp 3; Bắc Ninh lên vị trí thứ 4 trong thu hút vốn ngoại. Thế nhưng việc Bắc Ninh vươn lên vị trí số 1 trong 8 tháng năm 2024 về thu hút vốn ngoại vẫn gây bất ngờ cho không ít người. Một tên tuổi khác là Bà Rịa-Vũng Tàu cũng gây chú ý khi đang đứng thứ 4, thậm chí trong 5 tháng đầu năm nay, Bà Rịa-Vũng Tàu còn vọt lên vị trí dẫn đầu, trong khi năm 2022, địa phương này vẫn đang đứng thứ 10…

Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh cho rằng việc nhiều tỉnh thành gần đây như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng vươn lên tốp đầu về thu hút vốn FDI cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Những năm qua, hạ tầng giao thông ở khu vực phía bắc được đầu tư mạnh. Các tuyến đường cao tốc từ những tỉnh thành khu vực xung quanh Hà Nội kết nối với cảng Hải Phòng, Quảng Ninh giúp lưu thông hàng hóa được rút ngắn đáng kể. Ngược lại các địa phương này cũng dễ dàng, nhanh chóng lưu thông kết nối với thủ đô Hà Nội - trung tâm hành chính, văn hóa của cả nước. Vị trí địa lý kết hợp hạ tầng giao thông thuận lợi là ưu điểm lớn nhất trong việc thu hút đầu tư FDI của các địa phương nói trên.

Bên cạnh đó, các tỉnh thành này cũng tỏ ra quyết tâm để phát triển công nghiệp, thu hút dòng vốn FDI. Đơn cử Bắc Ninh có số lượng KCN lớn nhất nước và đã thu hút được hầu hết các tập đoàn thế giới rót vốn đầu tư như Samsung, Canon, Foxconn, Nokia, Microsoft… Theo sau các ông lớn này là các doanh nghiệp (DN) vệ tinh, công nghiệp phụ trợ. 

Tương tự, Hải Phòng cũng nổi lên là một địa điểm thu hút vốn FDI thời gian gần đây nhờ các lợi thế về vị trí địa lý, giao thông thuận tiện khi kết nối được cảng biển, cảng hàng không quốc tế. Năm 2023, Công ty LG Innotek tăng vốn đầu tư thêm 1 tỉ USD vào Hải Phòng và xây thêm nhà máy thứ 3, và hiện là NĐT lớn nhất tại Hải Phòng. Tập đoàn SK của Hàn Quốc cũng lần đầu tiên xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance theo logic "buôn có bạn, bán có phường". Nhiều tập đoàn ngoại có thể sẽ ưu tiên lựa chọn điểm đầu tư khi đã có một số "đồng hương" đến trước và hoạt động ổn định…

TS Bùi Trinh nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI vào các tỉnh thành là xu hướng cần thiết. Chúng ta không cần phải khuyến khích vốn đầu tư vào Hà Nội vì đây là thủ đô, trung tâm hành chính, văn hóa chứ không phải để đẩy mạnh sản xuất. TP.HCM cần thu hút FDI vào các lĩnh vực dịch vụ, thương mại hơn là xây dựng nhà máy. Khi đó xét riêng về số vốn sẽ không thể cao như các dự án sản xuất công nghiệp nên có thể không cần đua vào trong tốp dẫn đầu.

Dòng vốn ngoại vẫn vào các lĩnh vực truyền thống

Xét về cơ cấu, dòng vốn FDI vẫn chảy vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 69% tổng vốn FDI đăng ký mới. Theo các chuyên gia kinh tế, dòng vốn FDI vào VN những năm qua đã từng bước có tính chọn lọc, xuất hiện nhiều dự án ở lĩnh vực công nghệ cao, mang tính lan tỏa. Chẳng hạn, ngoài các nhà máy đã có từ nhiều năm trước của Intel, Samsung, Canon, Foxconn, LG… thì gần đây có thể kể đến như nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor với vốn đầu tư 1,6 tỉ USD tại Bắc Ninh; Công ty Hana Micron Vina (Hàn Quốc) với nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Bắc Giang; Quanta (Đài Loan) cũng đã ký với Nam Định thỏa thuận phát triển dự án sản xuất và gia công máy tính… Tuy nhiên, dòng vốn vào lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng vốn FDI vào VN.

Chuyên gia Bùi Trinh phân tích, nhìn vào số liệu tổng thể thì chưa có nhiều thay đổi trong cơ cấu đầu tư của khối ngoại. Dòng vốn vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ thấp hơn ngành bán buôn bán lẻ và thua xa lĩnh vực bất động sản. Nguyên nhân một phần do nhiều nước cũng cạnh tranh thu hút dòng vốn này. Mặt khác, VN vẫn chưa phát triển công nghệ nền. Ví dụ, nói về bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo (AI) thì VN chưa có những công nghệ nào thật sự nổi trội do mình phát minh hay làm chủ, vì vậy trong tương lai có thể vẫn "nhờ" vào FDI để phát triển lĩnh vực này. 

"Các tập đoàn nước ngoài gia tăng đầu tư vào VN cho thấy họ vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của VN, nhất là xu hướng lựa chọn quốc gia đầu tư ngoài Trung Quốc vẫn đang diễn ra. Quan trọng nhất là sau khi hút được vốn FDI thì việc giữ chân NĐT ngoại lâu dài. Trong đó, yếu tố đầu tiên là sự ổn định về các chính sách tại VN để NĐT không hoang mang, lo lắng", ông Bùi Trinh chia sẻ thêm.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN, cho rằng một thách thức không nhỏ là VN chuyển hướng ưu tiên thu hút FDI các ngành công nghệ tương lai, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch nhưng chưa có chính sách, cơ chế tương xứng; một số chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành song chưa đáp ứng đòi hỏi của NĐT. Trong khi đó tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, cung ứng điện chưa bảo đảm chất lượng, thiếu nguyên vật liệu cục bộ tại một số ngành, địa phương. Vì vậy, để thích ứng với tái cấu trúc chuỗi cung ứng, VN cần cải thiện nhiều yếu tố để nâng cao tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với các NĐT nước ngoài, trong đó đặc biệt quan trọng là cơ sở hạ tầng và kết nối chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo để nâng tầm chuỗi giá trị, tham gia hiệu quả hơn và sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chưa có cơ chế rõ ràng về thu hút đầu tư điện gió

Mới đây, sau Orsted (Đan Mạch), nhà đầu tư điện gió Equinor đến từ Na Uy cũng đã xác nhận hủy kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại VN. Theo các chuyên gia năng lượng thuộc Hội đồng khoa học - Hiệp hội Năng lượng VN, có một số vướng mắc trong triển khai dự án điện gió ngoài khơi vẫn tồn tại dai dẳng như chưa rõ cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi. Một loạt quy định cần bổ sung trong các luật Điện lực, luật TN-MT biển và hải đảo… Việc trong thời gian dài VN vẫn chưa tìm ra được một chính sách, cơ chế rõ ràng, thống nhất, nhất là cơ chế lựa chọn NĐT, cơ chế giá và mua bán điện… đã phần nào làm nản lòng các NĐT điện gió có tên tuổi trên thế giới.

Thu hút FDI chú trọng đến lợi thế từng địa phương

Để tiếp tục thu hút FDI trong thời gian tới, yếu tố đặc biệt chú trọng là quy hoạch KCN xanh, phát thải ròng thấp, cân bằng năng lượng, chọn NĐT công nghệ cao, năng lượng xanh. Đặc biệt, hướng đầu tư vào các lĩnh vực lựa chọn bằng cơ chế bảo hộ và khuyến khích hiệu quả. Chẳng hạn, khu vực miền Nam hay miền Trung có lợi thế lớn nhất là năng lượng tái tạo. Chính sách thu hút FDI của các vùng, miền này phải cho NĐT thấy lợi ích của họ ngay lập tức liên quan đến sử dụng năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, các yếu tố minh bạch, giảm chi phí phi chính thức, tăng tính thân thiện và hoàn thiện quy định về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, netzero trong thu hút FDI cũng cần chú trọng đến từng KCN, địa phương dựa trên khung chính sách đã có là Nghị quyết định hướng của Bộ Chính trị, Quy hoạch điện 8…

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng

Việt Nam tiếp tục là 'miền đất hứa' của FDI- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.