Dư luận quốc tế khẳng định tên lửa Trung Quốc được triển khai tới Hoàng Sa làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông và phản tác dụng đối với ổn định khu vực.
Người biểu tình ở Philippines mang biểu ngữ: “Hãy chống lại việc Trung Quốc triển khai tên lửa” ngày 19.2 - Ảnh: AFP |
Việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng và bố trí tên lửa đối không tại quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền VN, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Đây là thông điệp được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đưa ra ngày 19.2 khi trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế về phản ứng của VN trước thông tin liên quan đến việc Trung Quốc xây căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN. “VN yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm đại diện Bộ Ngoại giao VN hôm qua gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của VN ở quần đảo Hoàng Sa. Cùng ngày, Phái đoàn đại diện thường trực VN tại LHQ cũng có công hàm gửi Tổng thư ký LHQ đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao VN gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên.
Cũng trong ngày 19.2, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích Trung Quốc đẩy căng thẳng leo thang ở Biển Đông với hành động triển khai tên lửa. Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby khẳng định động thái này đi ngược lại với cam kết không quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh. “Trung Quốc nói một đằng, nhưng dường như đang làm một nẻo. Chúng tôi thấy không có chỉ dấu cho thấy ý đồ quân sự hóa này dừng lại và điều đó chẳng khiến tình hình ổn định và an toàn hơn. Thực tế, nó đang gây ra tác động ngược”, ông Kirby phát biểu.
Tương tự, thượng nghị sĩ Mỹ Steve Daines cảnh báo trên website của mình: “Những bản tin mới về việc tên lửa đất đối không được triển khai trên Biển Đông đang gây quan ngại sâu sắc. Việc triển khai những tên lửa này có thể gây tác động ngược nghiêm trọng không chỉ đối với sự ổn định của khu vực mà cả thương mại toàn cầu”. Ngoài ra, nhiều người Philippines hôm qua biểu tình trước Tòa lãnh sự Trung Quốc ở Manila để lên án Bắc Kinh triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm, với những khẩu hiệu như “Hãy chống lại việc Trung Quốc triển khai tên lửa” và “Trung Quốc rút khỏi Hoàng Sa”, theo AFP.
Bên cạnh đó, báo Asahi Shimbun cảnh báo trong lúc cộng đồng quốc tế tập trung vào các tên khẩu đội tên lửa HQ-9 dày đặc trên bãi biển đảo Phú Lâm thì Trung Quốc đang âm thầm cấp tập làm phình to kho vũ khí ở quần đảo Trường Sa cũng thuộc chủ quyền VN. Tờ báo Nhật dẫn nhiều nguồn tin an ninh khu vực Trung Quốc đã lắp đặt một số súng phòng không trên các đảo, đá mà nước này chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa.
Trước nguy cơ Biển Đông bị quân sự hóa ngày càng lớn, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và người đồng cấp New Zealand John Key ngày 19.2 cùng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế mọi hoạt động xây đảo, bồi đắp và quân sự hóa. Theo Reuters, ông Turnbull còn cảnh báo nếu Trung Quốc thật sự nghiêm túc muốn tránh khỏi “bẫy tính toán sai lầm” có thể dẫn đến chiến tranh, nước này phải giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, phát ngôn viên mảng quốc phòng thuộc Công đảng đối lập ở Úc, thượng nghị sĩ Stephen Conroy hôm qua tuyên bố với Đài ABC rằng nếu nắm quyền lãnh đạo, đảng của ông sẽ điều tàu chiến tiến hành cuộc tuần tra duy trì tự do hàng hải trong vùng biển 12 hải lý xung quanh những đảo bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.
Báo Nikkei Asia Review đưa tin Nhật Bản đang kêu gọi Mỹ tăng cường các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong khu vực. Trong chuyến thăm Tokyo hôm 17.2, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris khẳng định Washington sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này.
Ngoài ra, Đô đốc Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhấn mạnh hai bên sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung ở Biển Đông như đã từng làm hồi tháng 10 và 11.2015.
Minh Trung
|
Bình luận