Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện

12/10/2022 18:19 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, việc tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình và đề cao các giá trị nhân văn.

Trong cuộc trả lời báo chí chiều 12.10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, vấn đề thúc đẩy và bảo đảm quyền con người là một trong 3 trụ cột của Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Nhân quyền là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy quyền con người ở các quốc gia trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong cuộc phỏng vấn chiều 12.10

BNG

Việt Nam nhất quán xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Quan điểm đúng đắn này đã được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật.

Ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện

Ông Sơn khẳng định, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, nỗ lực thúc đẩy quyền con người cả trong nước và trên thế giới.

"Chúng ta đã đảm nhận thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, tích cực thúc đẩy đối thoại và hợp tác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện.

Thứ nhất, tiếp tục góp phần quan trọng khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.

Đồng thời, cũng khẳng định những thành tựu to lớn chúng ta đã đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.

Thứ hai, góp phần triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, trong đó tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương quan trọng có tầm chiến lược.

"Việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới", ông Sơn nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Sơn cho biết, sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi năm 2022 là kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc và đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của Liên Hiệp Quốc trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.

Các nước tham gia bỏ phiếu

UN

Thứ ba, việc tham gia và đóng góp tích cực trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hoà bình, đề cao các giá trị nhân văn và nhân đạo.

Đồng thời, góp phần quan trọng giúp các cấp, các ngành và toàn dân cũng như bạn bè quốc tế hiểu đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc hơn chủ trương, chính sách và thành tựu quyền con người ở nước ta.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể tranh thủ sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của Liên Hiệp Quốc và các đối tác quốc tế để thực hiện ngày càng tốt quyền con người, quyền công dân và quyền làm chủ của nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, việc lần thứ hai Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là kết tinh nỗ lực của cả nước và cả hệ thống chính trị trong thực hiện đường lối, chủ trương đúng đắn về phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Định hướng và ưu tiên lớn của Việt Nam

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, kinh nghiệm tích lũy từ việc đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong các nhiệm kỳ trước đây là những nền tảng rất quan trọng để Việt Nam thực hiện các trọng trách trong Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy đối thoại và quyền con người trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển.

Đoàn đại biểu Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ngày 11.10

BNG

"Chúng ta sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh…", ông Sơn khẳng định.

Trong nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam sẽ thực hiện các nghĩa vụ báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV cùng các Công ước quốc tế trong lĩnh vực quyền dân sự - chính trị, chống phân biệt đối xử, quyền phụ nữ, quyền của người khuyết tật…

Với sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội đồng Nhân quyền, chung tay với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, mọi người dân và mọi quốc gia, dân tộc đều thụ hưởng thành quả phát triển và tiến bộ xã hội, không ai bị bỏ lại ở phía sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.