Việt Nam - Trung Quốc nỗ lực xác lập các kỷ lục mới về thương mại và đầu tư

Mai Hà
Mai Hà
(từ Bắc Kinh, Trung Quốc)
29/06/2023 04:02 GMT+7

Không chỉ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam - Trung Quốc "láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải như môi với răng", tham dự Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính khẳng định Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam rất nhiều nhưng vẫn còn dư địa. Ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cần phải nỗ lực, cố gắng hơn; hai nước còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới.

Hợp tác thương mại song phương phát triển mạnh

Tối 28.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam đã về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội), kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Trung Quốc và tham dự hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF (từ ngày 25 - 28.6).

Trước đó, sáng 28.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh. Chiều cùng ngày, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc (Trung Quốc) Nghê Hùng Phong tháp tùng Thủ tướng đi khảo sát khu mới Hùng An, giới thiệu và trao đổi về kinh nghiệm quy hoạch.

Việt Nam - Trung Quốc cần lập các kỷ lục mới về đầu tư, thương mại - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc

NHẬT BẮC


Thông tin với các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho biết dù sau dịch Covid-19, tình hình đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đang chững lại, nhưng 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức đầu tư đạt 1,39 tỉ USD, đứng thứ ba trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Theo ông Hoàng, đang có làn sóng đầu tư về đổi mới sáng tạo vào Việt Nam. Trong đó, có các tập đoàn lớn của Trung Quốc thuộc top đầu thế giới, như JA Solar, Jinko, Texhong - đầu tư pin năng lượng mặt trời; Sunny đầu tư dự án 2 tỉ USD cho hệ sinh thái của Apple… Về xu hướng đầu tư, theo đại diện Bộ KH-ĐT, hiện nguồn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng chậm lại trong khi Trung Quốc đang có xu hướng mở rộng đầu tư ra ngoài để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đồng thời phát huy các lợi thế về cam kết thương mại của nước chủ nhà.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm ‘thành phố trong mơ’ Hùng An của Trung Quốc

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Tập đoàn Yingke, DN Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm 2006, cho biết Việt Nam có rất nhiều ưu thế như nhân lực phong phú, thị trường tiêu dùng ngày càng mở rộng. Việt Nam cũng đang là điểm sáng thu hút đầu tư trên thế giới. Theo đại diện Yingke, môi trường đầu tư của Việt Nam đứng thứ 10 ở châu Á, kết quả tốt này là nhờ nhân tố chính trị ổn định, đường lối độc lập tự chủ đa phương hóa, đa dạng hóa… Về tăng trưởng, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân GDP trên 4.000 USD/người.

Lãnh đạo Tập đoàn Texhong - top 500 DN thế giới - cũng cho hay đã đầu tư tại Việt Nam được 20 năm với tổng số vốn 1,6 tỉ USD, cung ứng 20.000 việc làm. Với mặt hàng đầu tư tại Việt Nam chủ yếu là dệt may, hệ thống logistics phát triển giúp DN này có thể vận chuyển hàng hóa đến Trung Quốc trong nửa ngày.

Lãnh đạo Tập đoàn Texhong cũng nhấn mạnh tới nhiều ưu thế của Việt Nam như nhân lực rất trẻ, năng suất cao, Chính phủ Việt Nam coi trọng hợp tác thương mại với các nước, đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 10 nước. Texhong cũng nằm trong số các DN được hưởng lợi từ quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Việt Nam - Trung Quốc cần lập các kỷ lục mới về đầu tư, thương mại - Ảnh 2.

Thủ tướng thăm khu mới Hùng An tại tỉnh Hà Bắc

HỒNG NGUYỄN

KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP TRUNG QUỐC CÓ THỰC LỰC

Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam - Trung Quốc "láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải như môi với răng". Nhắc lại chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11.2022, theo ông Lưu Quốc Trung, hai bên đã đạt được nhận thức quan trọng về mối quan hệ song phương. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho quan hệ chiến lược giữa 2 nước.

Chúng tôi đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh với tinh thần nói là làm, cam kết là thực hiện, đã làm và thực hiện thì phải ra hiệu quả, cân đong đo đếm được. Tất cả cùng thắng với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Theo Phó thủ tướng Trung Quốc, quan hệ hợp tác thương mại 2 nước những năm gần đây phát triển nhanh, phong phú, kim ngạch song phương tăng nhanh. Trong 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch 2 nước chiếm gần 1/4 kim ngạch song phương ASEAN - Trung Quốc. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với ASEAN, lớn thứ 6 thế giới; và là đối tác đầu tư lớn thứ tư trong ASEAN của Trung Quốc.

"Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam chung tay một hướng cùng tiến lên. Thúc đẩy quan hệ hợp tác Trung - Việt lên tầm cao mới, đẩy nhanh quan hệ kết nối chiến lược, kiên trì nguyên tắc cùng bàn bạc, cùng xây dựng, cùng hưởng lợi", ông Lưu Quốc Trung cho hay.

Về vấn đề cụ thể, Phó thủ tướng Trung Quốc khẳng định nước này sẵn sàng nhập khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam và các sản phẩm chất lượng cao khác. Đồng thời, thúc đẩy đầu tư các ngành nghề công nghiệp và lĩnh vực hai nước có thế mạnh, tìm kiếm hợp tác giao lưu trong kinh tế xanh, kinh tế số… "Trung Quốc khuyến khích các DN có thực lực, có danh tiếng sang Việt Nam đầu tư. Chúng tôi sẽ cung cấp nhiều dịch vụ xúc tiến đầu tư tốt hơn cho DN 2 nước làm ăn, bảo vệ lợi ích hợp pháp nhà đầu tư…", Phó thủ tướng Trung Quốc nói.

3 dấu ấn quan trọng của chuyến thăm

Thông tin về kết quả chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đạt được 3 kết quả quan trọng.

Thứ nhất, tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường mạnh mẽ, tạo cơ sở quan trọng để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung trong tình hình mới, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai bên đều nhấn mạnh

tầm quan trọng của việc tăng cường tin cậy chính trị, xử lý thỏa đáng và kiểm soát tốt bất đồng, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả lâu dài.

Thứ hai, hai bên đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, nhất trí trong nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, góp phần tạo cơ sở vật chất quan trọng cho thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới. Hai bên nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu...

Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hóa Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Ngoài ra, chuyến thăm cũng tăng thêm sự hiểu biết hữu nghị, củng cố nền tảng xã hội cho việc phát triển quan hệ hai nước.

Ghi nhận các ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ KH-ĐT và các bộ ngành tiếp thu và tìm ra giải pháp tốt nhất cho các nhà đầu tư để cống hiến cho sự phát triển của hai nước. "Sau khi xác lập mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc với tinh thần đối tác chiến lược trong thời đại mới, phải có đổi mới cả về tư tưởng chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cơ chế để vận hành. Phải có tổ công tác chuyên biệt về các vấn đề đầu tư, thương mại. Làm sao để hợp tác đầu tư và thương mại Việt - Trung đi vào chiều sâu, thực chất hiệu quả, vừa là đồng chí vừa là anh em", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thông tin Việt Nam đang tiến hành đổi mới, cải cách mở cửa. Mục tiêu đến năm 2030 thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, tới năm 2045 là nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao. Thời gian còn lại không nhiều, mục tiêu cụ thể rõ ràng, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cố gắng nữa mới đạt được. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển dựa trên 3 trụ cột: xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; và lấy con người làm trung tâm chủ thể, động lực, mục tiêu của sự phát triển.

Việt Nam - Trung Quốc cần lập các kỷ lục mới về đầu tư, thương mại - Ảnh 5.

Đồ họa: Bảo Nguyễn

ĐẢM BẢO MÔI TRƯỜNG THÔNG THOÁNG, NÓI LÀ LÀM

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các chính sách của Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế và nhân lực. "Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Việt Nam phải làm gì? Nếu khó khăn mà không tháo gỡ được thì DN sao phát triển được", Thủ tướng nêu rõ. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư FDI… Thủ tướng cũng nhắc lại trong cuộc gặp trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã khẳng định, thị trường Trung Quốc với 1,4 tỉ dân luôn sẵn sàng chào đón hàng hóa của Việt Nam.

Tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư năng lượng, nhà ở xã hội

Sáng 28.6, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc như Texhong, Runergy, Energy China, GOERTEK, TCL, Thiên Năng, Trường Thành. Đây là những tập đoàn đang đầu tư lớn và mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Lãnh đạo các tập đoàn đánh giá cao và tin tưởng vào sự phát triển năng động của Việt Nam, đồng thời cho biết đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả và mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trên một số lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, bến cảng thủy nội địa, sản xuất ô tô, chuỗi cung ứng... Các tập đoàn cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa về cải cách thủ tục hành chính, cung cấp nguồn năng lượng điện ổn định cho sản xuất, cung cấp đủ nguồn vật liệu san lấp mặt bằng để xây dựng các khu công nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc trong quy định phòng cháy, chữa cháy...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đã thông qua Quy hoạch Điện 8, trong đó thực hiện chuyển đổi năng lượng, phát triển điện gió, năng lượng mặt trời; khuyến khích tự sản, tự tiêu, phát triển điện áp mái; các DN có thể căn cứ để đầu tư. Ngoài các lĩnh vực đầu tư hiện hữu, Chính phủ Việt Nam cũng khuyến khích các DN đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo; xây dựng hệ thống truyền tải điện; các ngành phụ trợ dệt may và xây dựng sàn trình diễn thời trang đẳng cấp quốc tế...

"Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam rất nhiều nhưng vẫn còn dư địa để lập những kỷ lục mới nữa. Ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cần phải nỗ lực, cố gắng hơn. Còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới, nhất là các lợi thế như không khí chính trị tin cậy, mối quan hệ lịch sử núi liền núi, sông liền sông", Thủ tướng nhìn nhận.

Trước đó, trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẽ khuyến khích các DN tiêu biểu của Trung Quốc sang đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư thương mại Trung Quốc và Việt Nam nâng cao phạm vi, đối tượng và chất lượng xâm nhập thị trường của nhau. Hai bên quyết tâm lập các kỷ lục đầu tư, thương mại mới.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam sẽ đẩy mạnh thu hút và có chính sách khuyến khích thúc đẩy các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững.

Nhân sĩ trí thức Trung Quốc mong quan hệ hữu nghị vững bền

Sáng 28.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp các nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc. Chia sẻ với Thủ tướng, các đại biểu xúc động ôn lại các kỷ niệm không bao giờ quên đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đất nước và con người Việt Nam.

Kể lại những kỷ niệm gắn bó của tướng Trần Canh với Việt Nam và Bác Hồ, bà Trần Tri Tiến - con gái tướng Trần Canh, cho biết những ngày tháng được gặp Bác Hồ là những ngày đẹp nhất của cha bà. Từ nhỏ, bà đã luôn luôn nhớ câu "Bác Hồ muôn năm". Bà cũng mong tình hữu nghị nồng thắm do các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước vun đắp mãi mãi bền vững.

Theo ông Vương Mẫn Đạo, Phó hội trưởng Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc, tình hữu nghị hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông vun đắp mãi mãi là tài sản vô giá của hai đất nước, dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của 2 Đảng Cộng sản, hai nước đều lấy nhân dân làm trung tâm, đều hướng đến mục tiêu 100 năm để phát triển thịnh vượng.

Cảm ơn những tình cảm, câu chuyện xúc động của nhân sĩ trí thức Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu lại câu nói về tình hữu nghị: "Trăm ơn, trăm nghĩa, vạn tình. Tinh thần hữu nghị quang vinh muôn đời". Nhắc lại những dấu mốc gắn bó keo sơn giữa 2 nước, theo Thủ tướng, tình hữu nghị hai nước được vun đắp cả bằng tình cảm, mồ hôi và thậm chí cả máu của các đồng chí Trung Quốc trong lúc Việt Nam còn khó khăn. Ông cũng đề nghị hội hữu nghị hai nước và các nhân sĩ tiếp tục truyền lửa cho thế hệ sau này, vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc "núi liền núi, sông liền sông".

Cùng với đó, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Đồng thời rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Việt Nam cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó phù hợp với các xu hướng mới…

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 29.6: Giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô từ 1.7 | ChatGPT bị AI Trung Quốc vượt mặt

Thủ tướng cũng kêu gọi các DN, nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục phát huy tối đa khả năng, lợi thế của hai bên, sự năng động sáng tạo; thực hiện đúng các cam kết đầu tư. "Chúng tôi đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh với tinh thần nói là làm, cam kết là thực hiện, đã làm và thực hiện thì phải ra hiệu quả, cân đong đo đếm được. Tất cả cùng thắng với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.