Việt Nam - Trung Quốc phối hợp trấn áp tội phạm ma túy

18/12/2019 07:30 GMT+7

Tại Hội nghị song phương về phòng, chống ma túy giữa Việt Nam và Trung Quốc lần thứ 8 diễn ra ngày 17.12, hai bên đã đưa nhiều kế hoạch mạnh tay trấn áp tội phạm ma túy.

Dài gần 1.500 km, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đi qua 7 tỉnh của Việt Nam gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu... tiếp giáp 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc). Tuyến biên giới có 4 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu quốc gia và 14 cửa khẩu địa phương với hàng trăm đường tiểu ngạch, đường mòn dân sinh, sông suối có thể qua lại dễ dàng.

Thủ đoạn của các băng nhóm ma túy "khủng" người Trung Quốc tại Việt Nam

Đây được coi là tuyến biên giới trọng điểm về hoạt động tội phạm ma túy, nhất là ma túy được vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” (khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar) vào Việt Nam tiêu thụ hoặc vận chuyển sang Trung Quốc. Ngược lại, các loại ma túy tổng hợp, tiền chất được vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Bị truy quét ở Trung Quốc nên chuyển sang Việt Nam... hoạt động

Theo Bộ Công an, tại Trung Quốc, khi lực lượng chức năng sở tại mở các chiến dịch truy quét tội phạm sản xuất ma túy tổng hợp thì hàng loạt những “đại công xưởng” sản xuất ma túy ở đây đã phải đóng cửa. Các băng nhóm tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất ma túy sang “Tam giác vàng” và các nước trong khu vực như: Việt Nam, Lào, Campuchia.
Lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu thông thoáng, thuận lợi và đặc điểm địa bàn nhiều đường mòn lối mở, nhiều tiểu ngạch, các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế đã thuê kỹ sư hóa học sang Việt Nam và tìm thuê các công ty, doanh nghiệp Việt Nam có sẵn nhà xưởng ở những khu vực hẻo lánh, biệt lập để đặt xưởng sản xuất ma túy.
Nhằm che giấu hoạt động của mình, các đối tượng thường thuê kho xưởng với giá rất cao, lừa dối các doanh nghiệp là sử dụng kho xưởng để sản xuất phân bón hoặc thử nghiệm thuốc diệt côn trùng... Nhiều nghi can người Trung Quốc đã đến các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Đắk Nông, Bình Dương, TP.HCM để thuê kho xưởng của người Việt để sản xuất ma túy.
Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04) - Bộ Công an, khẳng định: “Những vụ án ma túy đặc biệt nghiêm trọng đều do Bộ Công an triệt phá được, đối với người nước ngoài thì đều là người Trung Quốc, Đài Loan. Chúng lợi dụng địa bàn Việt Nam để tổ chức sản xuất, vận chuyển sang nước thứ ba”.
VN - Trung Quốc phối hợp trấn áp tội phạm ma túy1

Tội phạm ma tuý thường lợi dụng địa bàn Việt Nam để tổ chức sản xuất, vận chuyển sang nước thứ ba

Ảnh: Lê Hương

Đường đi của “cái chết trắng”

Theo đại tá Bùi Ngọc Giáp, Chánh văn phòng thường trực Chương trình Quốc gia phòng, chống ma túy và hợp tác quốc tế (C04, Bộ Công an), từ Việt Nam có rất nhiều đường để sang các nước khác.
Đó là, tuyến biên giới Việt Nam - Lào: tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tăng mạnh, nhất là ma túy tổng hợp. Dọc tuyến biên giới này tồn tại nhiều “điểm nóng” về ma túy, nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn được thiết lập có sự cấu kết của các nghi can người Việt Nam với các nghi can người Lào, Trung Quốc, Đài Loan để vận chuyển chất ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển sang các nước khác.
Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, trước đây hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp theo hai chiều, từ Trung Quốc vào Việt Nam và ngược lại. Thời gian gần đây, do lực lượng chức năng Việt Nam và Trung Quốc tăng cường phối hợp tấn công, trấn áp mạnh nên hoạt động mua bán ma túy từ Trung Quốc về Việt Nam giảm so với trước. Tuy nhiên, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào, Campuchia vào Việt Nam để đưa sang Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp.
Ở tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia gia tăng hoạt động mua bán ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Thái Lan, Lào, Campuchia vào Việt Nam. Ngoài ra, xuất hiện một số đường dây từ Bắc Mỹ, châu Phi quá cảnh Campuchia về Việt Nam, rồi đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.
Tại khu vực phía nam, nhất là ở TP.HCM, tội phạm ma túy có liên quan đến người nước ngoài diễn biến hết sức phức tạp, trở thành “điểm nóng” ma túy của Việt Nam. Xuất hiện tình trạng các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Đài Loan, Trung Quốc móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng rất lớn.
Còn đường hàng không, các loại ma túy bị thu giữ trên tuyến hàng không chủ yếu là ma túy tổng hợp, cần sa, cocain… Trong khi đó ở tuyến đường biển, trọng điểm là các cảng biển tại TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, ma túy thường được trà trộn trong các mặt hàng khác và đóng trong những container hàng hóa tập kết tại các cảng biển để chờ phân phối hoặc vận chuyển tiếp đi nước thứ ba.
Trả lời Thanh Niên, trung tướng Phạm Văn Các nhận định tội phạm ma túy hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia… chính vì vậy, không một quốc gia nào có thể tự giải quyết, tự đấu tranh được.
“Dự báo năm 2020, tình hình ma túy trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Phía Trung Quốc có khoảng 2,5 triệu người nghiện; mỗi năm tăng 100.000 người nghiện. Trong khi đó, Việt Nam có trên 230.000 người nghiện ma túy; mỗi năm tăng trên 5.000 người; còn thế giới có khoảng 271 triệu người nghiện”, trung tướng Các cảnh báo.
Đồng quan điểm, ông An Quốc Quân, Phó tổng thư ký Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy kiêm Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy Trung Quốc, cho biết: “Tội phạm ma túy giữa hai nước phải kiên định đấu tranh lâu dài, dứt khoát, cần xác lập các chuyên án điều tra lớn để xóa sổ các “đại công xưởng” sản xuất ma túy tại Trung Quốc cũng như ở Việt Nam”.
Hàng chục tấn ma túy, hàng ngàn bánh heroin bị thu giữ
Ngày 20.3.2019: C04 Bộ Công an phối hợp với Công an TP.HCM, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan thu giữ khoảng 300 kg ma túy đá ở khu vực dân cư Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân (TP.HCM).
Ngày 15.4.2019: Công an tỉnh Nghệ An phát hiện 700 kg ma túy đá bị vứt ở đồng muối xã Quỳnh Thuận, H.Quỳnh Lưu.
Ngày 6.8.2019: C04 Bộ Công an phối hợp Cục Phòng, chống ma túy Bộ Công an Trung Quốc triệt phá đường dây sản xuất ma túy ở Kon Tum và Bình Định (Kon Tum 1 điểm; Bình Định 2 điểm) thu giữ khoảng 30 tấn ma túy chưa thành phẩm.
Ngày 5.12.2019: C04 Bộ Công an phối hợp với cảnh sát Đài Loan đã triệt phá đường dây buôn bán ma túy tại một số địa điểm ở TP. HCM đã thu giữ 446 bánh heroin. Trong đường dây này, lực lượng 2 nước thu giữ 1.341 bánh heroin.
Xác lập điều tra chuyên án chung
Bộ Công an nhìn nhận dù Việt Nam và Trung Quốc liên tục hợp tác trấn áp, nhưng các băng nhóm tội phạm ma túy quốc tế có phương thức, thủ đoạn, manh động và liều lĩnh.
Các đối tượng người Trung Quốc thường không trực tiếp sang Việt Nam mua ma túy mà chỉ đạo, điều hành đường dây, thuê người Việt Nam vận chuyển và trả công. Chúng triệt để lợi dụng chính sách mở cửa tại các cửa khẩu biên giới đường bộ, đường biển và đường sông cũng như sự đi lại thuận tiện của cư dân vùng biên để vận chuyển ma túy. Ma túy được cất giấu trên phương tiện, giấu lẫn trong hàng hóa, hàng nông sản xuất nhập khẩu qua biên giới.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng nêu bật một số tồn tại, hạn chế. Đó là, hoạt động của tội phạm ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, gia tăng. Địa bàn nóng về ma túy ở khu vực tây bắc, nay mở rộng thêm khu vực bắc miền Trung (nhất là trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, đặc biệt là tỉnh Nghệ An).
Để trấn áp tội phạm ma túy, theo trung tướng Phạm Văn Các, tháng 10.2019 vừa qua, công an Việt Nam và công an Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung là Việt Nam được xác lập điều tra chuyên án đấu tranh song phương hai bên (Bộ Công an Việt Nam - Bộ Công an Trung Quốc), được phép cử điều tra viên, trinh sát viên tới các quốc gia của nhau để tổ chức điều tra, triệt phá các đường dây tội phạm về ma túy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.