Việt Nam ủng hộ và sẽ tiếp tục đóng góp vào 'Tiếng nói của phương Nam'

12/01/2023 21:40 GMT+7

Ngày 12.1, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói phương Nam” theo hình thưc trực tuyến.

Đây là hoạt động cấp cao quan trọng với sự chủ trì của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và có sự tham dự của nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước, gồm Tổng thống các nước Mozambique, Senegal, Guyana, Uzbekistan và Thủ tướng các nước Bangladesh, Campuchia, Mông Cổ, Papua New Guinea, Thái Lan.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói phương Nam” theo hình thức trực tuyến

TTXVN

Hội nghị là một trong những hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Năm Chủ tịch G20 của Ấn Độ, là sáng kiến của Thủ tướng Modi với mục đích gắn kết quan điểm, lập trường của các nước đang phát triển vào chương trình nghị sự của nhóm G20; qua đó thúc đẩy đoàn kết toàn cầu, xây dựng tiếng nói chung trong giải quyết các thách thức cấp bách và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến của Ấn Độ góp phần đưa “Tiếng nói phương Nam” vào chương trình nghị sự của G20.

Chủ tịch nước nhấn mạnh thông điệp cần chung tay củng cố các nền tảng cho nền hòa bình và phát triển thịnh vượng toàn cầu.

Trong đó có việc tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế và duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển; thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư quốc tế với vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững, lấy người dân làm trung tâm và “không bỏ ai lại phía sau”; kiến tạo các động lực tăng trưởng mới trên cơ sở tranh thủ một cách sáng tạo cách mạng công nghiệp 4.0, cải cách hệ thống quản trị toàn cầu theo hướng nâng cao vị thế, tiếng nói của các nước đang phát triển.

Để "Tiếng nói phương Nam" vang xa, Chủ tịch nước chia sẻ một số đề xuất cụ thể.

Thứ nhất, có tiếng nói chung, đóng góp thực chất vào thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cải tổ Liên Hợp Quốc dân chủ và hiệu quả hơn, củng cố hệ thống thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở vị trí trung tâm, hạn chế tối đa các rào cản thương mại.

Thứ hai, tăng cường hỗ trợ tài chính ưu đãi từ nhóm nước phát triển đối với các nước phương nam; xoá, giãn nợ cho các nước nghèo, hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và xây dựng lộ trình tài chính phát triển sau 2025; tăng cường các cơ chế tài chính mới, tài chính hỗn hợp gắn với sự tham gia của khu vực tư nhân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói phương Nam”

TTXVN

Thứ ba, công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo cần giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của mọi quốc gia, đóng vai trò là động lực của tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Thứ tư, cùng nỗ lực ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống như: biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng - lương thực - nguồn nước, an ninh mạng, trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế.

Chia sẻ các bài học và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam ủng hộ và sẽ tiếp tục đóng góp vào "Tiếng nói của Phương Nam", vì một thế giới công bằng, rộng mở, phồn vinh và hạnh phúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.