img

Từ cam kết gây sửng sốt tại COP26 năm 2021, VN đang từng bước chuyển hóa thành công những hoài nghi trở thành niềm tin, thành những chính sách hỗ trợ và nguồn lực thiết thực để mạnh mẽ bước trên con đường phát triển xanh.

Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ COP26 TTXVN

Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 2.

Tổ chức Đầu tư quốc tế Anh (BII) cùng Ngân hàng (NH) phát triển Châu Á (ADB) mới đây đã công bố thỏa thuận hợp tác mới trị giá 100 triệu USD, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính để thúc đẩy thương mại xanh ở châu Á, bao gồm cả VN. Gói này tập trung hỗ trợ vốn cho các giao dịch phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Đối tượng nhắm đến là các nhà nhập khẩu pin mặt trời, tua-bin gió, xe điện và nông sản ở châu Á.

Theo BII, thương mại đóng một phần quan trọng trong việc thúc đẩy dòng hàng hóa giúp các quốc gia trong khu vực giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa nhu cầu và nguồn tài trợ thương mại toàn cầu hiện được ước tính khoảng 2.500 tỉ USD mỗi năm, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp (DN) thiếu khả năng tiếp cận nguồn tài chính cần thiết để thực hiện giao dịch cho các mặt hàng phục vụ các dự án về chuyển dịch năng lượng. Thêm vào đó, các NH địa phương hiện không thể đáp ứng đủ nhu cầu vay với kỳ hạn đủ dài để chi trả hàng hóa cho các dự án về biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. BII và ADB hợp tác với mục đích thu hẹp khoảng cách tài chính thương mại toàn cầu và giải quyết nhu cầu về tài trợ thương mại với kỳ hạn dài cho các giao dịch xanh. Thỏa thuận chia sẻ rủi ro giữa hai tổ chức sẽ giúp các NH quốc tế tăng cường hỗ trợ cho các NH trong nước, bước đầu thực hiện tại VN trước khi mở rộng tới các quốc gia khác trong khuôn khổ hỗ trợ của BII and ADB.

Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 3.

Điện mặt trời Oxalis

Không phải ngẫu nhiên VN được chọn là nơi khởi đầu triển khai gói 100 triệu USD cấp vốn cho thương mại xanh. "Nghiên cứu chỉ số Net Zero 2023" do PwC mới công bố cho biết khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã giảm cường độ phát thải carbon xuống 2,8% vào năm 2022, gấp đôi tỷ lệ 1,2% của năm 2021 và cao hơn so với tỷ lệ toàn cầu là 2,5%. Song, chỉ có 5 nền kinh tế gồm VN, New Zealand, Pakistan, Hàn Quốc, Singapore vượt qua ngưỡng giảm phát thải carbon tự đề ra (NDC). Trong đó, VN đóng góp 0,9% vào tổng phát thải CO2 toàn cầu và giảm được 6,5% so với NDC là 2,5% đến 2030. Ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ tư vấn dự án vốn và cơ sở hạ tầng, PwC VN, đánh giá các mục tiêu NDC được VN cập nhật năm 2022 đã cho thấy những bước tiến đáng kể trong việc ưu tiên sự phát triển bền vững.

Vượt mục tiêu giảm phát thải là thành quả từ hành động quyết liệt, khẩn trương trong việc thực hiện cam kết về đưa phát thải ròng về 0%. Tham dự COP28 tại UAE hồi đầu tháng 12.2023, đoàn đại biểu VN do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đầy tự hào khi chúng ta nằm trong nhóm số ít quốc gia đầu tiên trên thế giới có bộ tiêu chí, chương trình về giảm phát thải ròng. Có khoảng 150 quốc gia, vùng lãnh thổ đưa ra cam kết chung về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại COP26, song mới chỉ có 13% trong số này đưa ra ít nhất một kế hoạch cụ thể về giảm khí đốt. VN không phải quốc gia đi đầu về giảm phát thải, về tăng trưởng xanh, nhưng đã thực hiện rất nhanh và tích cực, ghi danh vào số ít những quốc gia chứng minh những cam kết không chỉ là "những lời nói suông".

Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 4.

Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 5.

Sự quyết liệt của Chính phủ đã lan tỏa mạnh mẽ tới hầu khắp các địa phương, các lĩnh vực ngành nghề.

Trong buổi lễ tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Sở GTVT TP.HCM diễn ra ngày 19.1 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã "đặt hàng" tư lệnh ngành giao thông TP trong năm nay phải ghi được những bước tiến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi phương tiện từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch. Theo kế hoạch, ngay trong quý 1 này, TP.HCM sẽ ban hành đề án hỗ trợ người dân đổi xe máy điện, nhờ có được cơ sở pháp lý từ Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó, sẽ có những chính sách ưu tiên hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện mới là xe điện, phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch. Cùng với đó là đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi xe taxi, xe buýt, ô tô mua sắm công của các cơ quan nhà nước... sang xe điện. Giao thông là một trong những lĩnh vực được kỳ vọng đặt nền móng đầu tiên cho cuộc chuyển đổi xanh của TP.HCM. Từ tạo xe buýt điện cho tới taxi điện, "xe ôm" điện, mở rộng hoạt động của xe đạp công cộng…, TP.HCM đang từng bước phủ mạng lưới giao thông xanh, hình thành thói quen sử dụng phương tiện xanh cho người dân, để dần tiến tới cuộc "thanh lọc" giao thông quy mô lớn, trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phát triển giao thông không khói.

Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 6.
Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 7.

Trạm sạc xe điện VinFast

Nhật Thịnh

Nếu như TP.HCM chọn hành trình tăng trưởng xanh, bắt đầu từ giao thông, thì Quảng Ninh lại là điển hình thành công chuyển đổi mô hình kinh tế từ "nâu" sang "xanh", từ tăng trưởng kinh tế dựa vào khai khoáng sang du lịch, dịch vụ. Nhờ hướng đi đúng đắn, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành thủ phủ du lịch miền Bắc hàng thập kỷ trước.

Nhưng đi tiên phong vẫn là cộng đồng DN. Còn nhớ thời điểm giữa năm 2023, ngành du lịch cũng khốn đốn với tình cảnh cắt điện luân phiên ngay giữa mùa cao điểm hè thì Khu du lịch Chày Lập Farmstay và Khu lưu trú Tú Làn Lodge (Quảng Bình) thuộc Oxalis Group vẫn đón khách đều đều, nhờ sử dụng hệ thống điện mặt trời. Theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Group, Chày Lập Farmstay mở cửa đón khách từ năm 2016, đến năm 2019 đã chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời. Tú Làn Lodge khai trương đầu năm 2023 thì đến cuối năm cũng đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng tái tạo. Cả 2 khu du lịch này đều sử dụng điện mặt trời vào ban ngày, công suất 100 KWh, chỉ nối lưới điện quốc gia vào ban đêm. Ngoài ra, Oxalis Group còn có khu du lịch cắm trại Blue Diamond Camp lắp đặt hệ thống điện mặt trời 50 KWh sử dụng cả ngày lẫn đêm. Blue Diamond Camp cũng là một trong những mô hình xu lịch xanh hướng tới Net Zero đầu tiên của VN khi áp dụng nhiều biện pháp như sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện cho các văn phòng, khu cắm trại và phương tiện di chuyển; giảm lượng rác thải sinh ra và thực hiện các biện pháp quản lý rác thải hợp lý, như ủ phân, tái chế và tái sử dụng; giảm tối đa việc chặt cây hay bê tông hóa, thay vào đó xây dựng cơ sở hạ tầng lắp ghép…

Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 8.

Mới đây, khu chợ đêm Vui Phết vừa ra mắt tại Thị trấn Hoàng Hôn (Sunset Town) ở Phú Quốc (Kiên Giang) cũng gây ấn tượng mạnh với du khách quốc tế khi nói "không" với túi ni lông, ống hút nhựa, hướng tới tiêu chí sạch cả về cảnh quan và chất liệu, nguyên liệu được sử dụng. Một du khách đến từ Singapore, đất nước được mệnh danh sạch nhất thế giới, cũng không ngớt lời ca ngợi Vui Phết là khu chợ đêm sạch bậc nhất, khác hoàn toàn với hình ảnh chợ đêm đầy túi ni lông, giấy ăn hay cốc nhựa của hàng quán mà du khách này đã từng đến. Tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và cả các cửa hàng tiện lợi, túi ni lông đang dần được hạn chế, thay vào đó là túi sử dụng nhiều lần.

Ngành tài chính cũng không nằm ngoài khái niệm "xanh". Theo thống kê từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NH Nhà nước), tính đến 30.9.2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ghi nhận ở một số NH thương mại, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng nhanh chóng từ 100 - 380%/năm trong giai đoạn 2018 - 2020. Mới đây, NH VietinBank cũng đã ra mắt gói tài chính GreenUp, dành 5.000 tỉ đồng để cấp vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án về môi trường - xã hội. Bên cạnh việc dành dòng vốn tín dụng xanh, gói Green Up còn có chương trình miễn, giảm đến 100% nhiều loại phí, hỗ trợ DN tiết giảm chi phí, tập trung phát triển bền vững…

Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 9.
Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 10.
Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 11.

Duy Tân và LaVie hợp tác thu gom và tái chế 11.000 tấn rác thải nhựa

Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 12.

"Tư duy và hành động chiến lược đang chuyển biến rất căn bản, tạo cơ sở đáng tin cậy để thực hiện cam kết mục tiêu Zero carbon vào năm 2050. Chúng ta đang chuyển hướng mạnh mẽ từ kinh tế "nâu" sang "xanh", kinh tế tuần hoàn, từ ngành phát thải cao chuyển sang phát thải thấp, từ công nghệ cũ chuyển sang công nghệ cao, thậm chí không có phát thải.… Tuy mới là bước đầu, nhưng cách đặt vấn đề "cải cách" của VN khá toàn diện và mạnh mẽ. Cam kết mà Thủ tướng đặt ra tại COP26 là có cơ sở thực tiễn để tin tưởng vào khả năng thực hiện. Nó đang thấm vào các chiến lược, quy hoạch phát triển, vào các nỗ lực đang được tích cực triển khai", TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhận định.

Theo TS Trần Đình Thiên, việc VN cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 đã gây sửng sốt cho thế giới, bởi những cường quốc như Trung Quốc cũng chỉ "dám" đặt mốc đến năm 2060, Ấn Độ cam kết một cách dè dặt là đến năm 2070, các nước phát triển như Mỹ hay Canada đưa ra cam kết mạnh nhưng cũng chỉ tương đương VN. Từ "sửng sốt" mà ông Thiên nói không hề quá, bởi hầu hết các ngành chủ lực của VN như dệt may, nông nghiệp, vận chuyển, sản xuất và xây dựng... đều là những ngành gây ô nhiễm hàng đầu. Đó cũng là thách thức mà ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trăn trở: "Trong khi chúng ta vẫn phải ăn, mặc, tiêu dùng hằng ngày, để xanh hoá liệu có nên từ chối các dự án dệt may, nhuộm, công nghiệp giấy vì ô nhiễm không?".

Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 13.

Điện gió ở Bạc Liêu

Độc Lập

Thế nhưng thế giới đã chứng kiến Bangladesh nhanh chân và thành công trong thực hiện chiến lược "xanh hóa" dệt may, ngành đứng đầu trong danh mục ô nhiễm. Các nhà máy với điều kiện sản xuất tồi tàn, thậm chí có tai nạn lao động, được thay thế bằng nhiều nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xanh. 9/10 nhà máy "xanh" lớn nhất thế giới của ngành dệt may nằm ở Bangladesh. Nhờ đó, nước này trở thành vùng trũng đơn hàng ngay trong "bão" khủng hoảng thiếu của thế giới trong năm qua. Câu chuyện của Bangladesh là minh chứng điển hình cho thấy không phải là ngành nào gây ô nhiễm mà là đáp ứng các tiêu chuẩn xanh để phát triển bền vững.

Trở lại với VN, các thương vụ vay từ hàng trăm triệu USD đến cả tỉ USD gần đây của các DN hạ tầng lẫn sản xuất tại VN đều liên quan đến phát triển bền vững. Đơn cử, cuối tháng 9.2023, Tín Thành Group (TTG) đã ký hợp đồng nhận vốn của tổ chức tài chính Acuity Funding (Úc), tổng trị giá 6,4 tỉ USD. Trong số đó, 1 tỉ USD dự kiến được TTG dùng phát triển 4 nhà máy điện sinh khối và hàng nghìn héc ta trồng cao lương tại miền Trung và miền Nam VN; 1,7 tỉ USD dùng xây nhà máy đắp lốp và dịch vụ xe tải tại bang Nam Carolina (Mỹ), mục tiêu giảm lượng khí thải, tiết kiệm chi phí và chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh; số vốn còn lại 3,7 tỉ USD dùng để xây cơ sở sản xuất hydrogen xanh ở Nam Carolina, do công ty hợp tác cùng Air Products. Trước đó, IFC cũng cam kết đầu tư 3.500 tỉ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ do Công ty BIM Land (100 triệu USD) và Công ty Thanh Xuân (50 triệu USD), đều thuộc BIM Group, phát hành. Số tiền được Thanh Xuân dùng phát triển dự án khu dân cư thân thiện môi trường kèm tổ hợp khách sạn tại Vĩnh Phúc. Còn BIM Land sử dụng đầu tư các giải pháp tiết kiệm nước và năng lượng tại hai khách sạn ở Phú Quốc…

Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 14.

Sản xuất ống hút làm từ bột tại Công ty Hùng Hậu (Đồng Tháp)

Trần Ngọc

Ngày nay, chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc ly được tái chế từ bã cà phê; ống hút giấy; chậu cây từ chai nhựa cũ; gạch ốp, thảm trải, sân cỏ nhân tạo từ cao su tái chế... Có thể thấy, tiêu dùng xanh, sống xanh đang lan truyền trong đời sống sinh hoạt của mỗi người, tác động trở lại xu hướng sản xuất. Cứ thế mà cộng hưởng...

Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh rằng quan trọng nhất là sự lựa chọn lộ trình thực hiện phù hợp. Lộ trình phát triển xanh phải nằm trong chiến lược phát triển bền vững, cân đối hài hòa với việc sử dụng tài nguyên và giảm phát thải, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.

"Cần phải có những dự án tiên phong bứt phá vươn lên, tạo nên điểm đột phá trong tốc độ chuyển đổi xanh của nền kinh tế; chọn một số địa phương làm thí điểm và có thể chọn địa phương đi sau trong phát triển công nghiệp xanh", ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị.

Việt Nam vươn lên top đầu “đường đua xanh”- Ảnh 15.

Điện mặt trời, Thuận Bắc, Ninh Thuận

Gia Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.