Việt Nam, xứ sở lạ lùng!

05/06/2015 10:51 GMT+7

Nước nào cũng lắm chuyện lạ, nhưng không thể sánh với Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu chẳng từng viết: “Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng” …

Nước nào cũng lắm chuyện lạ, nhưng không thể sánh với Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu chẳng từng viết: “Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng” đó sao. 

Vừa khánh thành nhưng công trình thoát nước kênh Ba Bò (đoạn qua Bình Dương) đã bị hư hỏng nặng, chuyện bình thường ở Việt Nam - Ảnh lấy từ video clip của Hải Nam
Lạ thường đi với hiếm và quí, còn với mình lạ thường đi với xấu, nhưng lại là chuyện phổ biến đến quen thuộc. Nhiều chuyện quá bất ngờ, cả nạn nhân và người quan sát đều thốt lên “Lạ thật!”. Những người trong cuộc đành an ủi “Việt Nam mà, không lạ không phải Việt Nam”. Nghe mà xót xa, cay đắng. 
Khi trời đất bị vu oan
Trời là đấng chí tôn của loài người. Ai cũng tôn kính và cầu khẩn, dù chưa ai thấy mặt mũi trời bao giờ. Việc gì cũng phải cầu xin cả trời lẫn đất, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Có kẻ ngạo mạn bảo làm trời là sướng nhất. Ai cũng cầu xin. Được toại nguyện thì tưng bừng đáp lễ. Ngược lại thì cho tại số phận, tại mình chưa đủ lòng thành… Không ai dám oán trách trời đất.
Đó là với những người dân bình thường. Với một số lãnh đạo thì khác. Một mặt thành tâm cầu xin và cả hối lộ thần thánh để đạt được tham vọng, nhiều vị còn cố làm công đức để chuộc bớt lỗi lầm. Nhưng không ít vị sẵn sàng trở mặt, vu oan giá họa, đổ vấy trách nhiệm cho trời đất. Cứ như trời đất là tội đồ chuyên gây họa cho con người. Vậy mà trời đất vẫn lặng câm chịu đựng, không nói nửa lời. Thấy quá bất công, dư luận nhiều lần lên tiếng minh oan cho trời đất, tìm ra thủ phạm là chính những con người đạo đức giả, siêng năng lễ chùa cúng bái, làm việc thiện. Dân gian đã đúc kết: “Mất mùa thì đổ thiên tai”, nhưng nay, nào chỉ có mất mùa.
Trời đất còn là nguyên nhân của mọi lỗi lầm của những con người bất nhân. Từ bệnh tật, tai nạn của con người đến chất lượng các công trình dối trá. Có những công trình báo cáo hư hỏng do mưa lũ nhưng kiểm tra thực tế là chưa có mưa lũ đã hư. Quá uất ức vì trời đất bị vu oan, có người đã hét lên: “Ông trời mà biết nói năng. Thì bọn tham nhũng mọt gông trong tù!”...
Việt Nam nóng nhất
Báo chí đưa tin Ấn Độ nắng nóng kỷ lục, trên 50o C. Hậu quả là hơn 2.200 người chết, đường chảy nhựa và biến dạng. Tôi chẳng hình dung nổi. Sài Gòn và Nam bộ mới 36oC đã muốn cháy da. Trung Quốc nóng trên 41o, chết mấy chục người.
Người Trung Quốc tận dụng trời nóng, đem thịt ra đường nướng, thành đặc sản ẩm thực, dù mất thời gian và tốn mồ hôi (một dạng sauna miễn phí) nhưng không tốn tiền điện hoặc chất đốt. Việt Nam không biết nóng cỡ nào mà đường Nguyễn Du ở thành phố Hà Tĩnh nhão nhoẹt như bùn, cứ “hiếu khách” giữ chân người đi bộ, giữ cả xe cộ lưu thông. Còn đại lộ ngàn tỉ Mai Chí Thọ ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh thì uốn lượn độc đáo như ruộng bậc thang. Ngay cả đường băng ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng) cũng chảy nhựa, máy bay không thể cất và hạ cánh.
Nhựa đường nóng chảy còn nghe nói chứ nóng tới mức đường băng chảy nhựa thì chưa bao giờ? Nóng thế, mà người chết vì nóng ở Việt Nam chưa bằng số ngón trên một bàn tay. Hay là người Việt anh hùng, sức chịu đựng vô địch thiên hạ? Hay là nhiệt kế ở Việt Nam sai lệch, nóng gấp rưỡi các nước, vì báo chí thông tin, nơi nóng nhất ở Việt Nam chỉ bằng Trung Quốc 41oC. Nếu nóng trên 50oC như Ấn Độ, có khi hàng loạt công trình sẽ rữa tan?...
Quán quân về xe container và các loại "tặc"
Việt Nam không chỉ vô địch về lượng xe gắn máy mà còn quán quân luôn về các loại xe tải, xe ben, xe container… Đi khắp thế giới chẳng nước nào sánh được. Có người giải thích là thiên hạ qui định giờ giấc và khu vực riêng, cấm tiệt vào trung tâm? Nếu đúng, cớ sao mình không làm như họ? Có người cho rằng các nước ít xe container hoặc xe tải vì đã có vận chuyển đường thủy thay thế? Việt Nam là nước có tỉ lệ cảng biển nhất nhì thế giới, cớ sao chưa thấy giảm tải? Đi Mỹ và châu Âu, ngang qua các công trình xây dựng, chỉ thấy rào chắn là tường tranh họa bao quanh, tuyệt không thấy cát bụi, đất đá vương vãi.
Việt Nam cũng vô địch về “tặc”. Thiên hạ chỉ phổ biến hải tặc, không tặc và tin tặc. Còn Việt Nam, gì cũng tặc. Phổ biến thì có lâm, cát, vàng, cẩu (chó). Ít hơn thì có nông, thiếc, mèo, dê, kiểng, tiêu, điều… Tuy nhiên, lạ lùng và nguy hiểm nhất, chỉ Việt Nam mới có thì đích danh “đinh tặc”.
Các loại tặc tung hoành, thách thức xã hội, xem thường cả dư luận lẫn chính quyền nhưng biện pháp phòng chống thì nửa vời và thiếu kiên quyết, nên nhiều loại tặc tha hồ sinh sôi như dòi bọ.
Tuổi thọ công trình ngắn nhất
Việt Nam cũng đang giữ kỷ lục thế giới về tuổi thọ các công trình. Cầu Vĩnh Bình (Long An) vừa khánh thành 2 tuần lễ là đổ sập. May mà không có tai nạn chết người. Các công trình tầm cỡ như tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đồng lớn nhất Việt Nam, nặng 220 tấn, đầu tư 47 tỉ (năm 2004), khánh thành chưa được 3 tháng là nghiêng, nứt, lún, rạn nứt. Chi thêm 4 tỉ sửa chữa cũng chỉ vá víu. Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (Quảng Nam) nặng gần 20.000 tấn, vốn đầu tư 411 tỉ vừa khánh thành thì gạch lát đã vỡ vụn. Biểu tượng văn hóa của thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), vốn đầu tư 25 tỉ, khánh thành chưa lâu, gặp mưa bị sét đánh vỡ toác chóp tượng, mới phát hiện công trình không có cột thu lôi. Đường chờ lún, chưa nghiệm thu đã hư hỏng. Các công trình chưa hết hạn bảo hành đã xuống cấp là những cái lạ đặc trưng của ngành xây dựng Việt Nam.
Ở các nước, đường làm nửa thế kỷ chưa hư, các công trình tồn tại mấy trăm năm là lẽ thường, có khi cả ngàn năm như Angkor, mấy ngàn năm như Kim Tự Tháp. Có dịp chạy xe lên cao nguyên Thansur Bokor (Campuchia), ai cũng tấm tắc “Đường đẹp và chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu. Đường đèo, quanh co, dốc ngược (1.080m) mà từ thời Pháp đến giờ chưa hề sạt lở”. Chất lượng các công trình ở Việt Nam hiện nay, đố cái nào tồn tại quá đời người.
Người Việt không ai muốn mình là kẻ lập dị, càng không muốn đất nước mình là xứ sở khác thường trong mắt thiên hạ. Chỉ xin và mong được là xứ sở bình thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.